Trẻ rối loạn phổ tự kỷ hiện nay là môt vấn đề xã hội, cần phải quan tâm đặc biệt của nhiều ban ngành, vì di chứng của nó sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế, hạnh phúc gia đình và sự phát triển xã hội. Thế nhưng vấn đề này chưa được mọi người quan tâm đúng mức.
Một buổi sáng ở Phòng Khám Vật lý trị liệu
Năm 2019, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh về tâm lý trẻ Ban lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã mở thêm phòng khám Tâm lý - Hành vi tại Khoa Vật lý trị liệu để tiếp nhận và điều trị những trẻ có rối loạn liên quan đến sự phát triển thần kinh như chậm phát triển trí tuệ, chậm nói, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn tâm lý thường gặp... đặc biệt trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Đây là hướng đi mới của Bệnh viện trong điều trị bệnh cho trẻ em.
Khoa Vật lý trị liệu - Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ nằm trên tầng 3 của Bệnh viện, khoa không lớn, bệnh nhân không nhiều như các khoa khác nhưng rất nhộn nhịp với những tiếng cười giỡn, la hét, chạy nhảy vô tư của các trẻ đến khám. Tuy nhiên mỗi phụ huynh đưa con đến khoa đều có những nỗi niềm trong lòng. Nhìn các cháu bên cha mẹ chờ vào phòng khám cũng bình thường như bao trẻ em khác nhưng khi vào gặp bác sĩ “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.
Cháu Thạch Trí Thức, 5 tuổi, gia đình ở Thị trấn Cờ Đỏ-Huyện Cờ Đỏ-TP.Cần Thơ. Đây là một đứa trẻ rất hiếu động, bác sĩ hỏi được 1, 2 câu là bé chạy tới chạy lui trong phòng. Theo bác sĩ, cháu Thức mắc chứng “tăng động”. Với chứng này trẻ em không chịu ngồi yên một chỗ, đôi khi trẻ phá phách một cách vô thức. Mẹ cháu bé cho biết, gia đình đã đưa đến Khoa Vật lý trị liệu điều trị cho bé khoảng hơn một tháng, trong đó kết hợp với thuốc và tâm lý điều trị, tình hình tăng động của cháu có giảm, cháu đã biểu hiện tiến bộ.
Cháu Huỳnh Phát Tài, 4 tuổi, gia đình ở phường Thới Bình (quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Mẹ cháu, chị Trần Thị T.Q cho biết, cháu chậm nói, chậm phát triển, kêu cháu không phản ứng, không quan tâm đến vệ sinh thân thể…Điều đáng quan tâm là cháu tiếp xúc với điện thoại lúc 1 tuổi, chơi điện thoại nhiều, 2 tuổi cháu mới biết đi, gia đình phải đút cơm.
Theo Trưởng khoa BSCK1 Phạm Văn Đông, với trẻ em này mắc rối loạn phổ tự kỷ. Nguyên nhân có thể do bất thường sự phát triển của não bộ cộng thêm yếu tố môi trường gia đình ít tiếp xúc, ít giao tiếp đa phần cho tiếp xúc điện thoại quá sớm góp phần thêm tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ, hạn chế kỹ năng tương tác giao tiếp với mọi người xung quanh.
Bé Thiều thị Như Quỳnh, 7 tuổi, gia đình ở phường Mỹ Phước (TP.Long Xuyên, An Giang) đây là một trường hợp khác. Chị Trần Thị T cho biết, cháu 7 tuổi nhưng học trước quên sau; học không ghi bài; học toán nhưng không nhớ số… Theo BS, trẻ này rất hiếu động, sinh hoạt cá nhân đều phù hợp với mốc phát triển nhưng rối loạn chức năng học tập, vì vậy gia đình cần kiên trì trong dạy dỗ và kèm theo thuốc điều trị. Với trường hợp này gia đình phải kiên nhẫn.
Một trường hợp khác cũng khá phổ biến về việc trẻ tự kỷ điều trị trể do thiếu hiểu biết từ gia đình: Cháu Nguyễn Ngọc Gia H. 5 tuổi, gia đình ở Phụng Hiệp Hậu Giang, cháu chậm nói, ít chơi với người mọi người xung quanh, chạy nhảy nhiều, cha mẹ ly dị ở với ông bà ngoại, sinh hoạt cá nhân của bé thuộc vào ông bà, nhưng ông bà cảm thấy bình thường nên không đi khám, bé chậm nói không dám cho đi học, đến 5 tuổi cho đi học vô lớp bé không chơi với các bạn, chạy nhảy nhiều trường không nhận nên đưa bé đi khám.
Mỗi trường hợp gia đình đưa con đến đây là một hoàn cảnh khác nhau…
Trẻ tự kỷ ở Việt Nam
Tháng 1.2019, Tổng cục Thống kê công bố, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm khoảng 6,5% dân số). Trong đó có khoảng 1 triệu người tự kỷ, tỉ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% số trẻ em sinh ra.
Trong số 1 triệu người tự kỷ tại Việt Nam, phần lớn không được chẩn đoán, do đó họ không nhận được sự chăm sóc, trị liệu hoặc giáo dục phù hợp để giúp họ có được cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.
Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, theo ghi nhận thì số lượng trẻ mắc tự kỷ được phát hiện ngày càng tăng. Tỉ lệ mắc chứng tự kỷ ở nam và nữ là khác nhau. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em trai có tỉ lệ mắc cao hơn trẻ em gái, (khoảng 4 lần).
Tại Cần Thơ số lượng trẻ tự kỹ chưa có con số thống kê cụ thể, tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay Bệnh viện hằng năm tiếp nhận khoảng vài trăm trường hợp điều trị. Cụ thể trong 2 năm gần nhất số lượng trẻ tự kỹ Bệnh viện tiếp nhận điều trị như sau: Năm 2023 : 736 lượt khám trong đó 585 trẻ nam, 151 trẻ nữ; Năm 2024 : 579 lượt khám trong đó 442 trẻ nam, 137 trẻ nữ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân cụ thể của tự kỷ còn chưa rõ ràng, nhưng có một số nhận định cho rằng, trẻ bị tự kỷ có thể là do nhiều yếu tố: Di truyền: 3-7% xảy ra trong các gia đình có người tự kỷ, sự phát triển thiếu hài hòa của não bộ do một số gen gây ra làm tổn thương não bộ; Phối hợp với hội chứng x mỏng giòn, rubella bẩm sinh; Kèm theo chậm phát triển trí tuệ (50%), động kinh (30%), tăng động kém tập trung; Trong quá trình mang thai, mẹ tiếp xúc thường xuyên với nhiều chất độc hại như thuốc lá, rượu bia, ma túy... làm tăng nguy cơ trẻ tự kỷ sau khi sinh ra; Yếu tố môi trường không thuận lợi làm tăng nguy cơ tự kỷ như hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường, gia đình bỏ mặc ít dạy dỗ quan tâm,…
Biểu hiện của trẻ tự kỷ
Khiếm khuyết chất lượng tương tác xã hội (tối thiểu hai tiêu chí: Thiếu hành vi không lời như tiếp xúc mắt, biểu lộ nét mặt, tư thế và cử chỉ; Không kết bạn với trẻ cùng tuổi; Không chia sẻ niềm vui, sự quan tâm với người khác (không cho xem, hoặc chỉ bằng ngón trỏ những đồ vật được quan tâm); Thiếu tương tác xã hội hoặc cảm xúc; Khiếm khuyết chất lượng trong giao tiếp (tối thiểu một tiêu chí); Chậm nói, ngại giao tiếp xã hội bằng ngôn ngữ; Nếu biết nói, thì không có khả năng hội thoại với người khác; Ngôn ngữ rập khuôn, lặp đi lặp lại, không có ý nghĩa; Không chơi giả bộ hoặc không bắt chước chơi xã hội; Hành vi và sinh hoạt giới hạn, rập khuôn và lặp đi lặp lại (tối thiểu một tiêu chí; Quan tâm đến những sinh hoạt rập khuôn và giới hạn; Bám vào những nghi thức, thói quen không thay đổi; Điệu bộ vận động rập khuôn và lặp đi lặp lại (như lắc bàn tay, xoay tròn thân thể); Quan tâm một số bộ phận của đồ vật.
Hướng dẫn cha mẹ nhận biết về trẻ tự kỷ
Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường về hành vi như trẻ ít cười, ít biểu lộ cảm xúc tình cảm với cha mẹ, thích chơi một mình, kém tương tác với những người xung quanh, mối quan tâm bị thu hẹp, hành vi rập khuôn… Đặc biệt là có kèm theo tình trạng thoái lui ngôn ngữ nghiêm trọng ở trẻ (trẻ quá chậm nói so với tuổi hoặc trẻ bị mất hẳn kỹ năng ngôn ngữ) được xem là những dấu hiệu cảnh báo sớm gợi ý cho cha mẹ và thầy cô giáo nhận diện rất có khả năng trẻ bị mắc chứng tự kỷ, nhất là trẻ trong độ tuổi từ 18 tháng – 24 tháng tuổi.
Các dấu hiệu báo động tự kỷ ở trẻ trước 24 tháng
Không bập bẹ nói khi 12 tháng tuổi; Không có cử chỉ biểu lộ sự quan tâm xung quanh khi 12 tháng tuổi: chỉ ngón tay, vẫy tay mừng khi gặp người thân, bắt tay, tiếp xúc mắt, cười đáp với người quen…Không nói được dù chỉ là 1 từ đơn khi 16 tháng; Không tự nói câu 2 từ khi 24 tháng; Mất kĩ năng ngôn ngữ và giao tiếp ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Bệnh viện mở ra hướng điều trị trẻ tự kỷ
BSCKI Phạm Văn Đông - Trưởng Khoa Vật lý trị liệu - Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết những phương pháp và cách điều trị trẻ tự kỷ ởBệnh viện Nhi đồng Cần Thơ như:
- Sàng lọc trẻ có nghi ngờ tự kỷ: thang điểm sàng lọc M-CHAT
- Chẩn đoán: theo DSM-5
- Đánh giá mức độ : theo điểm CARS
- Xác định sự sẳn sàng chấp nhận của gia đình: Tư vấn giải thích tình trạng bệnh của trẻ cho gia đình.
- Hướng dẫn cơ bản phương pháp điều trị của trẻ cho gia đình hiểu.
- Hướng dẫn các kỹ năng cơ bản cho phụ huynh cách can thiệp trẻ tại nhà: hướng dẫn nhóm phụ huynh, hướng dẫn từng phụ huynh.
- Lập kế hoạch can thiệp cho phù hợp từng trẻ.
- Can thiệp hành vi bằng hóa dược (thuốc)
Cũng theo bác sĩ Phạm Văn Đông, khi cha mẹ thấy con có các biểu hiện chậm nói, ít quan tâm với mọi người xung quanh, lăng xăng, kém chú ý cần đưa con đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm lý, tâm thần nhi để được tư vấn hướng điều trị can thiệp càng sớm càng tốt.