Ethiopia, một quốc gia Đông Phi với dân số hơn 128 triệu người, đang nổi lên như một thị trường tiềm năng cho xe điện nhờ các chính sách táo bạo và cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Từ tháng 1.2024, Ethiopia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm nhập khẩu xe động cơ đốt trong, đánh dấu bước ngoặt trong việc thúc đẩy xe điện. Với hơn 30.000 xe điện hiện có và mục tiêu đạt 148.000 xe cá nhân cùng 4.855 xe thương mại vào năm 2032, thị trường xe điện tại Ethiopia hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ.
Tình hình hiện tại
Theo báo cáo từ U.S. Commercial Service, Ethiopia hiện có hơn 30.000 xe điện, chủ yếu tập trung tại thủ đô Addis Ababa. Khu vực công dẫn đầu xu hướng, với việc thành phố này mua 110 xe buýt điện vào năm 2022 với tổng trị giá 15 triệu USD. Thị trường xe điện cá nhân cũng đang tăng trưởng, với hơn 100.000 xe được nhập khẩu hàng tháng.
Chính phủ đặt mục tiêu đạt 500.000 xe điện vào năm 2030, trong bối cảnh tổng số xe tại quốc gia này là 1,2 triệu, với tỷ lệ sở hữu xe thấp (1 xe/100 người). Điều này tạo ra cơ hội lớn cho sự mở rộng của xe điện, đặc biệt khi nhu cầu phương tiện giao thông cá nhân và thương mại đang tăng.
Để đạt mục tiêu này, chính phủ Ethiopia đã triển khai hàng loạt chính sách để thúc đẩy xe điện. Đáng chú ý nhất là cấm nhập khẩu xe xăng/dầu: Từ tháng 1.2024, Ethiopia cấm nhập khẩu xe động cơ đốt trong, buộc người tiêu dùng chuyển sang xe điện.
Bên cạnh đó là ưu đãi thuế, cụ thể thuế nhập khẩu xe điện giảm xuống còn 15% (xe lắp ráp hoàn chỉnh) và 5% (xe lắp ráp một phần), đồng thời miễn VAT, thuế phụ thu và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng được chính phủ chú trọng. Họ đã có kế hoạch xây dựng trạm sạc công cộng và nhà máy sản xuất pin trong nước đang được xúc tiến. Đập Grand Ethiopian Renaissance (GERD) dự kiến cung cấp thêm 5.000 MW điện, đáp ứng nhu cầu cho xe điện.
Dù vậy, quy mô sản xuất xe điện nội địa tại Ethiopia hiện nay khá thấp. Theo Empower Africa, nhà máy lắp ráp xe điện lớn nhất tại Debre Berhan, với vốn đầu tư 52 triệu USD, có khả năng sản xuất 1.000 xe/năm. Để so sánh thì thấy VinFast vừa công bố doanh số ô tô cả năm 2024 trên toàn cầu đạt gần 100.000 xe.
Dự báo và triển vọng
Với tỷ lệ sở hữu xe thấp và dân số trẻ, Ethiopia có nhu cầu lớn về phương tiện giao thông. Xe điện, với chi phí vận hành thấp hơn xe xăng, trở thành lựa chọn hấp dẫn cho cả cá nhân và doanh nghiệp. Các lĩnh vực như taxi, xe buýt công cộng, và vận tải hàng hóa đang chuyển đổi sang xe điện để giảm chi phí nhiên liệu, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách do Ethiopia phụ thuộc vào nhập khẩu xăng dầu.
Ethiopia đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Xe điện đóng vai trò trung tâm trong chiến lược này, đặc biệt khi quốc gia có tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo từ thủy điện, gió, và mặt trời. Sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và các đối tác như Mỹ, EU, và Trung Quốc cũng tạo động lực cho sự phát triển của thị trường xe điện.
Theo Mobility Foresights, thị trường xe điện Ethiopia dự kiến tăng trưởng với tốc độ CAGR đáng kể từ năm 2024 - 2030, nhờ các chính sách hỗ trợ và đầu tư vào năng lượng tái tạo. Đập GERD, khi hoàn thành, sẽ cung cấp nguồn điện dồi dào, giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng. Việc mở rộng mạng lưới trạm sạc và sản xuất nội địa sẽ giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, từ đó hạ giá thành xe điện.
Trong dài hạn, Ethiopia có thể trở thành trung tâm xe điện của khu vực Đông Phi và từ đó điện hóa giao thông cá nhân của cả khu vực. Có thể nói thị trường xe điện tại Ethiopia đang đứng trước cơ hội lịch sử để phát triển, nhờ các chính sách tiên phong và nhu cầu giao thông ngày càng tăng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp và nhà đầu tư cần nhanh chóng nắm bắt để định hình tương lai của ngành xe điện tại quốc gia này.
Thủ tướng Ethiopia, ông Abiy Ahmed Ali, vừa bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Việt Nam và chuẩn bị tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư của Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng Xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), diễn ra từ ngày 14 - 17.4. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Ethiopia tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao gần 50 năm trước.
Nhân dịp này, Việt Nam đã trao Thư chấp thuận cho phép hãng hàng không Ethiopian Airlines khai thác đường bay thẳng kết nối thủ đô của hai nước. Theo Bộ Ngoại giao, đây sẽ là đường bay thẳng duy nhất giữa Việt Nam và Ethiopia, tạo điều kiện thúc đẩy giao thương song phương cũng như mở rộng kết nối giữa Việt Nam với châu Phi.