Người dân hãy chủ động tìm những nhà đầu tư có uy tín để giao kết hợp đồng nhằm hạn chế rủi ro.

Mua căn hộ, cẩn thận kẻo bị lừa!

Một Thế Giới | 07/05/2015, 04:57

Người dân hãy chủ động tìm những nhà đầu tư có uy tín để giao kết hợp đồng nhằm hạn chế rủi ro.

Vừa qua có nhiều người dân rơi vào cảnh khóc dở khi căn hộ họ mua lại bị chủ đầu tư bán cho nhiều người. Đỉnh điểm mới đây là người dân phản ánh bị bán trùng căn hộ Gia Phú (quận Thủ Đức, TP.HCM) và vụ việc đang được chuyển sang cơ quan điều tra xử lý…
Kỹ nhưng vẫn bị qua mặt
Anh Bùi Đắc Thắng - người mua căn hộ tại Gia Phú (Thủ Đức) cho biết trước khi mua căn hộ tại dự án này, anh đã tìm hiểu kỹ thông tin và được biết là căn hộ này đã bán cho người khác. Anh cẩn trọng bắt chủ đầu tư thanh lý hợp đồng với chủ trước rồi làm hợp đồng mới cho anh. Sau đó anh đã đóng 95% giá trị căn hộ. Gần đây, anh phát hiện căn hộ của anh cũng đã bị chủ đầu tư bán cho nhiều người khác nữa.
“Tôi nghe thông tin cơ quan chức năng đã chuyển hồ sơ qua công an để điều tra nhưng đến nay vẫn chưa thấy bên này mời lên để lấy lời khai. Tôi đề nghị phải có biện pháp kịp thời ngăn chặn tình trạng này, giúp cho người dân an tâm khi mua căn hộ. Chẳng hạn đây là tài sản hình thành trong tương lai, cơ quan chức năng phải quy định lúc mua bán phải qua công chứng nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. Cơ quan chức năng cũng có thể yêu cầu tất cả chủ đầu tư phải liên kết với trung tâm giao dịch bảo đảm, công khai tất cả các dự án, tiến độ thực hiện… Khi đó người dân muốn mua căn hộ của dự án nào, chủ đầu tư ra sao thì chỉ cần liên hệ với bên này để được cung cấp thông tin” - anh Thắng góp ý.
Mua can ho, can than keo bi lua!-hinh-anh-1
 

Nhiều người dân mua căn hộ chung cư Gia Phú đang khốn đốn vì căn hộ đã bị bán nhiều lần

Mua của chủ đầu tư có năng lực
Nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản nhìn nhận có hiện tượng nhiều chủ đầu tư không đàng hoàng bán một căn hộ chung cư cho nhiều người.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, cho hay để tránh tình trạng này, trước khi mua người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin. Hợp đồng mua bán phải đúng tên mình với chủ đầu tư. Nếu là hợp đồng góp vốn, người dân cần kiểm tra tiến độ thi công dự án, nếu đóng tiền theo từng giai đoạn thì khối lượng xây dựng phải tương ứng. Trong các hợp đồng thường ràng buộc rất kỹ nghĩa vụ thanh toán tiền của khách hàng theo tiến độ dự án nhưng nghĩa vụ của chủ đầu tư về bàn giao căn hộ lại rất chung chung.Do đó, người mua cần thỏa thuận cụ thể về thời hạn dự kiến giao nhà, thời điểm giao nhà cụ thể, chế tài nếu vi phạm. Nếu chủ đầu tư không hoàn thành thì người dân cần yêu cầu thanh lý hợp đồng.
“Trước đến giờ người dân quá tin tưởng vào chủ đầu tư nên không kiểm tra kỹ những thông đến dự án cũng như năng lực tài chính của đơn vị này. Như vậy đơn vị nào muốn lừa bán cho người dân thì rất dễ” - ông Đực cho biết thêm.
Cần có cơ quan giám sát
Một cán bộ Sở Xây dựng cũng nhìn nhận trước khi quyết định mua một căn hộ, người dân cần tìm hiểu kỹ dự án, năng lực của chủ đầu tư. Nếu không tìm hiểu kỹ những vấn đề này, khi chủ đầu tư xây dựng nửa chừng rồi bỏ thì người mua nhà lãnh đủ. Hiện Sở Xây dựng chỉ là cơ quan quản lý hành chính chứ không quản lý việc mua bán giữa chủ đầu tư và người dân. Do đó khi gặp chuyện, người dân phải gửi đơn khởi kiện ra tòa hoặc cơ quan công an nếu thấy có dấu hiệu lừa đảo… để bảo vệ quyền lợi.
Luật sư Phạm Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, góp ý cần có thêm quy định bắt các chủ đầu tư công khai tiến độ xây dựng dự án và quá trình giao dịch. Cơ quan nào phê duyệt dự án thì thành lập ra bộ phận giám sát nhằm kiểm tra, đôn đốc và hạn chế rủi ro cho người dân. Đa phần dự án do UBND quận, huyện hoặc UBND tỉnh, thành phê duyệt thì cơ quan này phải giao cho Sở hoặc Phòng TN&MT giám sát, kiểm tra. Ngoài ra đảm bảo và siết chặt nguyên tắc chủ đầu tư muốn bán căn hộ thì phải công khai thông tin qua sàn giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, phần chủ động vẫn ở người dân, hãy chủ động tìm những nhà đầu tư có uy tín để giao kết hợp đồng nhằm hạn chế rủi ro.
Phải có bảo lãnh của ngân hàng
Một căn hộ không thể bán cho nhiều người, nếu xảy ra tình trạng này, rõ ràng chủ đầu tư đã cố tình vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ở đây cũng có một phần tránh nhiệm của các cơ quan chức năng do công tác hậu kiểm quá lỏng lẻo. Trước khi phê duyệt dự án những đơn vị này có kiểm tra năng lực tài chính của chủ đầu tư hay không? Rồi công tác kiểm tra tiến độ dự án như thế nào…
Sắp tới, Chính phủ có quy định đối với một dự án bất động sản hình thành trong tương lai thì phải có sự bảo lãnh của ngân hàng. Như vậy việc này đảm bảo quyền lợi của người mua. Ví dụ nếu căn hộ 1 tỉ đồng thì chủ đầu tư phải đóng 1 tỉ đồng đó vào ngân hàng. Trong trường hợp chủ đầu tư không đủ khả năng tiếp tục thực hiện dự án thì ngân hàng sẽ giải ngân số tiền đó để bồi thường cho người dân. Sau khi nghị định này có hiệu lực thì tất cả chủ đầu tư bắt buộc phải thực hiện đúng theo yêu cầu, từ đó quyền lợi của người mua nhà sẽ được đảm bảo.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Phó Chủ nhiệm Hội Luật gia TP.HCM
Minh Quý - Thanh Tùng/ Pháp luật TP.HCM

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mua căn hộ, cẩn thận kẻo bị lừa!