Trước khi cơn bão số 3 Yagi đổ bộ, Hà Nội trải qua một trận mưa to. Đáng chú ý, đã có người tử vong do cây đổ.
Theo dòng thời sự

Mưa dông lớn ở Hà Nội, một người tử vong do cây đổ

Hoài Lam 17:16 06/09/2024

Trước khi cơn bão số 3 Yagi đổ bộ, Hà Nội trải qua một trận mưa to. Đáng chú ý, đã có người tử vong do cây đổ.

Ngày 6.9, Hà Nội đã xuất hiện mưa lớn trên diện rộng kèm gió giật mạnh, một số nơi ngập cục bộ trước khi siêu bão đổ bộ. Tại một số khu vực có hiện tượng cây gãy đổ, ùn tắc giao thông.

Tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), 1 nạn nhân đã tử vong do bị cây đè trúng. Theo người dân trong khu vực, vào khoảng 15 giờ 40 phút, một cây phượng trên đường Nguyễn Đức Thọ đã bất ngờ bật gốc, đổ ra đường, đè trúng 2 người đang đi trên 1 xe máy. Vụ việc đã khiến 1 người tử vong, 1 người bị thương.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cũng vừa đưa ra cảnh báo dông, lốc, sét, mưa lớn cục bộ khu vực nội thành Hà Nội. Hiện nay, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy mây đối lưu bắt đầu hình thành trên khu vực tỉnh Bắc Ninh. Ổ mây này có xu hướng di chuyển về phía tây nam và mở rộng sang khu vực nội thành Hà Nội.

ha-noi.png
Hiện trường vụ tai nạn

Chiều nay, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 11/CĐ-UBND chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung khẩn cấp ứng phó với bão số 3.

Theo đó, công điện yêu cầu lãnh đạo thành phố, các sở, ban ngành và các quận, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương; hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được giao phụ trách, chủ động xuống hiện trường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tai trong đó tập trung; triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, khu vực có nguy cơ ngập sâu do mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ mất an toàn do hệ thống điện, công trình, cây xanh gãy, đổ…

Chủ tịch TP.Hà Nội cũng nhấn mạnh, phải kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân); đặc biệt lưu tâm đến các trường hợp, khu vực đã xảy sự cố, thiệt hại đáng tiếc về người trước đây liên quan đến tai nạn khi đi qua khu vực bị ngập, đánh bắt cá, vớt củi...; lưu ý đối với các huyện có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất như: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức…

Ngoài ra, rà soát các công trường xây dựng trên địa bàn, đặc biệt lưu ý đến các công trình có thiết bị, vật tư dễ bị ảnh hưởng bởi gió bão như cần cẩu tháp, giàn giáo, và các thiết bị xây dựng có độ cao; yêu cầu các công trường phải có phương án (biện pháp) đảm bảo an toàn phòng chống bão; các cần cẩu tháp phải được hạ thấp, gia cố, bảo đảm an toàn, không để xảy ra tình trạng đổ sập gây nguy hiểm cho người và tài sản xung quanh.

bao-3.jpg
Cây đổ sau trận mưa lớn

Ông Thanh cũng yêu cầu tiến hành rà soát, kiểm tra, yêu cầu các tổ chức, cá nhân quản lý biển quảng cáo, đặc biệt là biển quảng cáo tấm lớn, phải đảm bảo an toàn, được gia cố chắc chắn; kiên quyết hạ gỡ hoặc buộc chặt các biển quảng cáo có nguy cơ mất an toàn; đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp…

“Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão”, công điện nêu.

Chủ tịch Hà Nội cũng giao Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các đơn vị duy trì thoát nước đô thị tập trung kiểm tra, rà soát hệ thống công trình tiêu khu vực nội thành, giải tỏa ngay các vật cản làm ách tắc, cản trở dòng chảy, đảm bảo thông thoáng; triển khai các biện pháp tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành; tập trung xử lý kịp thời tiêu thoát nước tại các điểm úng ngập cục bộ; phối hợp chặt chẽ với các Công ty Thủy lợi trong việc vận hành hiệu quả, đảm bảo tiêu thoát nước, chống úng úng khu vực nội thành và ngoài thành.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và các đơn vị duy trì cây xanh rà soát, kiểm tra, cắt tỉa ngay cây nặng tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ, gãy mất an toàn không để xảy ra trường hợp cây gãy đổ gây tai nạn; kịp thời giải tỏa cây đổ không để ùn tắc giao thông.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu không để sự cố dẫn đến mất tín hiệu đèn giao thông và các sự cố mất an toàn về điện; đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho nhân dân vùng bị ngập lụt, thiên tai; kịp thời xử lý sự cố, không để xảy ra ùn tắc giao thông; kịp thời lương thực, thực phẩm, hàng hóa, vật tư thiết yếu phục vụ công tác phòng chống bão, lũ, mưa, úng ngập; chủ động chỉ đạo cho học sinh các cấp nghỉ học để đảm bảo an toàn...

Bài liên quan
Hà Nội cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học
Hà Nội yêu cầu học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chống lãng phí
11 giờ trước Sự kiện
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu nội dung bài viết: “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm:
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mưa dông lớn ở Hà Nội, một người tử vong do cây đổ