Tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” (sổ hồng) cho khách hàng mua nhà tại các dự án nhà ở ở TP.HCM đã xảy ra trong nhiều năm qua. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy khiến người mua nhà bất an và tiềm ẩn điểm nóng về tranh chấp.

Mua nhà chung cư: Cấp sổ hồng bị tắc, nguồn cơn nhiều tranh chấp

Phan Thị Diệu | 14/09/2020, 12:34

Tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” (sổ hồng) cho khách hàng mua nhà tại các dự án nhà ở ở TP.HCM đã xảy ra trong nhiều năm qua. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy khiến người mua nhà bất an và tiềm ẩn điểm nóng về tranh chấp.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thực tiễn nhiều năm trước đây đã có một số chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật, dự án không đủ điều kiện để thực hiện thủ tục cấp sổ hồng làm thiệt hại cho khách hàng mua nhà. UBND TP.HCM đã chỉ đạo quyết liệt, giải quyết cấp sổ hồng cho nhiều người mua nhà tại các dự án nhà ở bị “treo” hàng chục năm trước đây.

Còn trong các năm gần đây, nhiều chủ đầu tư đã rất nỗ lực để hoàn thành bàn giao đưa dự án vào sử dụng, đủ điều kiện làm thủ tục xin cấp sổ hồng cho khách hàng mua nhà. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn bị lệ thuộc vào việc xem xét giải quyết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Số liệu của HoREA tổng hợp từ 53 dự án thuộc 12 tập đoàn và doanh nghiệp cho thấy trong các năm từ 2015 - 2019 có đến 25.631 căn nhà (chủ yếu là căn hộ chung cư) và 2.693 căn hộ officetel bị chậm cấp sổ hồng trong tổng số 490 dự án nhà ở được phê duyệt.

Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cũng thừa nhận hiện nay còn hơn 100 dự án đã nộp hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất nhưng chưa được giải quyết. Vì vậy, nếu thống kê đầy đủ số liệu của hàng trăm dự án đã bàn giao nhà cho khách hàng, nhưng chưa được tính tiền sử dụng đất thì số lượng căn nhà bị chậm cấp sổ hồng còn lớn hơn nhiều lần.

Ông Châu cho rằng việc tắc tiền sử dụng đất dẫn đến tắc sổ hồng cho người mua nhà đã dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực. Thứ nhất, việc này vừa không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng thời gây tâm lý hoang mang, bất an cho khách hàng mua nhà.

Thứ hai, việc chậm cấp sổ hồng còn làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Số thu tiền sử dụng đất của TP.HCM đã bị sụt giảm liên tục từ năm 2018 đến nay. Cụ thể, năm 2018, TP.HCM chỉ thu tiền sử dụng đất được 16.493 tỉ đồng, giảm 21,2%; năm 2019 là 14.650 tỉ đồng, giảm 11,2%; 8 tháng đầu năm 2020 là 4.453 tỉ đồng, giảm đến 52%. Điều đáng quan tâm là tỷ trọng tiền sử dụng đất trong tổng thu ngân sách của thành phố 5 năm vừa qua chỉ chiếm 3-5%, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước đây (thường chiếm tỷ trọng 9-10% số thu ngân sách). Nếu tháo gỡ được ách tắc” tiền sử dụng đất thì sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thứ ba, việc chậm cấp sổ hồng cũng làm thiệt hại cho chủ đầu tư dự án, bởi doanh nghiệp không những không thu được 5% giá trị hợp đồng còn lại mà còn bị mang tiếng “bội tín” với khách hàng.

Thứ tư, điều đáng quan ngại là đã có một số trường hợp người mua nhà khiếu kiện gay gắt, phát sinh tụ tập đông người, căng băng rôn, biểu ngữ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

“Người mua nhà là bên ngay tình, vô can, nếu đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà thì phải được ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng trước. Về nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) giữa chủ đầu tư dự án với nhà nước thì phải tách ra xử lý riêng, với điều kiện chủ đầu tư cam kết và có giải pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với nhà nước”, ông Châu nói.

Trước tình trạng trên, HoREA đã kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng trước cho khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà để triệt tiêu các “điểm nóng” tiềm ẩn.

Về nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước, HoREA đề nghị tách ra xử lý riêng theo hướng các căn hộ và diện tích kinh doanh mà chủ đầu tư giữ lạ thì cấp sổ hồng sau khi đã có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mua nhà chung cư: Cấp sổ hồng bị tắc, nguồn cơn nhiều tranh chấp