Nếu tiếp tục giữ mức 1.490.000 đồng/tháng như năm 2019 sẽ ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận người lao động trong khu vực nhà nước.
Tại phiên họp Quốc hội chiều 20.10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước bằng 94% dự toán. Trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu dầu thô đạt 113% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán. Đánh giá cả năm thu ngân sách ước tăng 14,3% so với dự toán.
Tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước đạt 17,2% GDP, từ thuế, phí đạt 13,9% GDP, trong đó thu nội địa đạt 9,8%, thu dầu thô vượt 141%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 23,6%.
Về chi ngân sách, ước thực hiện hết tháng 9 đạt 60,9% dự toán, trong đó chi đầu tư, phát triển đạt 48,1% dự toán. Đánh giá cả năm, chi ngân sách nhà nước bằng 114,1% dự toán, trong đó giải quyết vốn đầu tư công ước đạt 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chi trả nợ lãi đạt 96,1%, chi thường xuyên đạt 100,7% dự toán.
Đến hết tháng 9.2022, đã sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương chủ yếu là để bổ trợ cho các địa phương chi phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân. Số dự phòng còn lại tiếp tục ưu tiên cho các công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, hỗ trợ người dân và các nhiệm vụ cấp bách khác trong các tháng cuối năm.
Bội chi tăng thêm cho nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và dự án cần đẩy nhanh tiến độ của Nghị quyết 43 là 0,41% GDP. Theo đó, bội chi ngân sách năm 2022 ước thực hiện bằng 4,5% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Trong điều hành, Chính phủ đã và đang chỉ đạo phấn đấu tăng thu ngân sách, rà soát tiết kiệm chi, cắt giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết để tiếp tục giảm mức bội chi so với báo cáo.
Trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường ghi nhận thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm đạt cao (tăng 14,3% so với dự toán, tăng 2,9% so với ước thực hiện năm 2021). Trong đó, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều vượt dự toán.
Tuy nhiên báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, cơ cấu tăng thu ngân sách nhà nước vẫn chưa vững chắc, tỷ trọng tăng thu từ đất còn lớn; thu ngân sách địa phương không đồng đều giữa các địa phương, nhiều địa phương ước không đạt dự toán; tồn tại bất cập trong phân cấp nguồn thu giữa trung ương và địa phương.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ về ước thực hiện các khoản thu ngân sách nhà nước năm 2022, bảo đảm thu đúng, thu đủ, sát với tình hình thực tế; đề nghị báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong việc nhiều năm liền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không đạt dự toán; đánh giá kỹ nguyên nhân của tình trạng nợ thuế có xu hướng tăng.
Về chi ngân sách, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng vẫn còn một số vấn đề nổi lên trong việc phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển. Đồng thời đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng giải ngân vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đến hết tháng năm 2022, khả năng hoàn thành dự toán, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.
Về dự toán NSNN năm 2023, Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý, bối cảnh năm 2023 dự kiến thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều các yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng.
Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tuy nhiên, áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta... là những thách thức, áp lực rất lớn đối với việc thực hiện các chỉ tiêu thu, chi NSNN.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cho ý kiến về việc tăng lương cơ sở. Theo đó, đa số ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng) và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay, do tác động của dịch bệnh tới tình hình thực hiện thu NSNN, lương cơ sở chưa được điều chỉnh từ năm 2020 trở lại đây, theo đó nếu tiếp tục giữ mức 1.490.000 đồng/tháng như năm 2019 sẽ ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận người lao động trong khu vực nhà nước.
Ngoài ra, một số đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, người có công, phụ cấp nghề đối với các bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn có mức hưởng thấp, nhất là trong bối cảnh hiện nay nên việc điều chỉnh tăng lương cho các đối tượng này là phù hợp.