Ga ngầm C9 thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có vị trí xây dựng dự kiến gần với cụm di tích: hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu.

Thường trực Chính phủ chỉ đạo lựa chọn vị trí ga ngầm metro C9

Hoài Lam (tổng hợp) | 16/10/2022, 07:05

Ga ngầm C9 thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có vị trí xây dựng dự kiến gần với cụm di tích: hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu.

Văn phòng Chính phủ vừa có kết luận của Thường trực Chính phủ về phương án tuyến và vị trí ga ngầm C9 thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Thường trực Chính phủ cho rằng, khu vực hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn là Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng.

Ngoài ra, tại khu vực còn có đền Bà Kiệu là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng từ năm 1994. Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn và các di tích lân cận có giá trị lịch sử, tín ngưỡng và ý nghĩa quan trọng đặc biệt không chỉ của Thủ đô Hà Nội mà của cả nước.

Do vậy, phương án lựa chọn đầu tư phát triển giao thông đô thị và phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến các di tích lịch sử này cần phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Di sản văn hóa và quy định pháp luật liên quan: không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích.

Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, việc quyết định lựa chọn vị trí xây dựng ga C9 có tác động lâu dài. Do đó, cần xem xét lựa chọn vị trí ga ngầm C9 cách hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu có khoảng cách phù hợp, hiệu quả; bảo đảm an toàn tối đa các công trình văn hóa theo quy định pháp luật và bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của cụm di tích quốc gia đặc biệt theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố về giao thông đô thị, kiến trúc, cảnh quan, môi trường của khu vực Hồ Hoàn Kiếm và nhu cầu phát triển dài hạn...

Liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Thường trực Chính phủ giao UBND TP.Hà Nội khẩn trương tập trung rà soát, tính toán kỹ, đầy đủ các nội dung, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị TP.Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (trong đó lưu ý giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện, dự phòng chi phí, tổng mức đầu tư... để không phải điều chỉnh khi thực hiện dự án; làm rõ thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án); báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

c9.jpeg
Phối cảnh ga ngầm C9

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP.Hà Nội chủ động giải quyết những vấn đề liên quan đến Hiệp định vay vốn, trong đó lưu ý các điều kiện vay STEP theo đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tại văn bản số 1336/VPCP-QHQT ngày 21.5.2019 và Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 107/TB-VPCP ngày 13.9.2022.

Vào cuối tháng 7.2022, UBND TP.Hà Nội đã có công văn số 2228/UBND - ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án tuyến và vị trị ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm thuộc Dự án xây dựng tuyến metro số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

UBND TP.Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án vị trí, tổng mặt bằng ga ngầm C9 theo phương án 1, làm cơ sở để hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tuyển đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Theo phương án 1, ga ngầm C9 được điều chỉnh thành ga xếp chồng 4 tầng có kết cấu thân ga trùng với ranh giới vùng bảo vệ II, dài 202,4 m, rộng 15 m, sâu khoảng 31 m. Ga nằm trên đường cong có bán kính 800 m, bên dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc và Trụ sở HĐND-UBND TP.Hà Nội.

Ga sẽ bố trí 2 lối lên xuống số 1 và 2 ở vị trí như phương án đề xuất ban đầu. Để có đủ không gian bố trí tháp làm mát, thông gió (cao 13 m) và phòng máy phát điện... UBND TP.Hà Nội cho biết là cần phải mở rộng diện tích công trình phụ trợ tại đất của Tổng công ty Điện lực Hà Nội lên 705 m2, tăng 260 m2 so với phương án đề xuất ban đầu; lấy thêm đất của UBND TP.Hà Nội khoảng 25 m để đảm bảo thi công.

Về tuyến hầm, UBND TP.Hà Nội cho biết là sau ga C8 trên đường Phan Đình Phùng, tuyến rẽ phải đi vào phố Đồng Xuân tiến tới đi khác mức xếp chồng, sau đó vào phố Hàng Đường, Hàng Ngang, đến đầu phố Hàng Đào thì rẽ trái đi cắt qua khu dân cư phường Hàng Bạc, dưới phố Gia Ngư, Đinh Liệt, Cầu Gỗ, phố Hồ Hoàn Kiếm và đến đường Đinh Tiên Hoàng vào ga C9.

Từ đầu phố Hàng Đào đến phố Hồ Hoàn Kiếm, tuyến hầm phải sử dụng một số đoạn cong để vi chỉnh vị trí bên trong hành lang tim tuyến đã phê duyệt; đoạn trên đất công cộng từ đền Bà Kiệu đến phố Đinh Tiên Hoàng phải vi chỉnh ra ngoài hành lang đã phê duyệt, hầm đi bên dưới đền Bà Kiệu, độ lún bề mặt ước tính khoảng 7,9 mm và áp dụng bán kính cong 250 m, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Sau ga C9, tuyến chuyển dần sang đi song song đồng mức, đi tiếp đến phố Hàng Bài và ga C10 tại ngã tư giao với phố Trần Hưng Đạo.

Ưu điểm của phương án này là phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô; Quy hoạch phân khu đô thị H1 -1B (khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận); Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP.Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo tính khả thi về kỹ thuật và công nghệ, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, giải quyết được các kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhược điểm của phương án này là do phải điều chỉnh thiết kế ga C9 và đoạn tuyến sẽ làm tăng thêm chi phí xây dựng (khoảng 500 tỉ đồng), tăng chi phí vận hành bảo dưỡng, kém thuận lợi hơn cho hành khách.

Bài liên quan
Việt Nam tăng 15 bậc về xếp hạng chính phủ điện tử
Theo Báo cáo khảo sát chính phủ điện tử năm 2024 (E-Government Development Index - EGDI) của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Liên hiệp Các hội khoa học-kỹ thuật lấy ý kiến trí thức KH-CN gửi tới kỳ họp thứ 8 Quốc hội
6 phút trước Khoa học - công nghệ
Việc lấy ý kiến, phản ánh, kiến nghị của nhân dân trước mỗi kỳ họp của Quốc hội là nhiệm vụ quan trọng. Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp hội) là thành viên, đại diện cho đội ngũ trí thức KH-CN cả nước đã thực hiện nhiệm vụ ấy.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thường trực Chính phủ chỉ đạo lựa chọn vị trí ga ngầm metro C9