Giới chuyên gia nghiên cứu khủng bố đánh giá vụ tấn công sân bay Kabul là lời nhắc nhở gửi đến cả Mỹ lẫn Taliban rằng bất kể ai nắm quyền ở Afghanistan, đất nước này sẽ vẫn chìm trong chiến tranh.
Theo tướng Mỹ về hưu Mark Kimmitt, Taliban đã đồng ý phụ trách an ninh bên ngoài sân bay Kabul: “Thất bại trong nhiệm vụ này báo hiệu cho tình hình sắp tới. Taliban cố chứng minh cho thế giới thấy họ có thể quản lý đất nước một cách có trách nhiệm, và nếu không thể làm tốt nhiệm vụ bảo vệ đơn giản thì rất xấu hổ”.
Tổ chức ISIS-K nổi lên ở Afghanistan vào năm 2015, chiến đấu chống lại cả Taliban dù cả hai đều đối kháng Mỹ. Tuy bị lực lượng do Mỹ dẫn dắt và Taliban nhiều lần đánh đuổi nhưng ISIS-K vẫn có thể tái tập hợp.
Học giả Amira Jadoon thuộc Học viện Quân sự Mỹ (USMA) nhận định: “Mục tiêu chính của ISIS-K lúc này là phá hoại nỗ lực giữ ổn định Afghanistan, làm suy yếu uy tín của Taliban. Không có Mỹ hỗ trợ hay lực lượng an ninh Afghanistan như trước, tôi không nghĩ chúng ta có thể mong chờ Taliban một mình chống chọi ISIS-K”.
Giáo sư Bruce Hoffman - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an ninh thuộc Đại học Georgetown đưa ra ý kiến: “Taliban đang bị choáng. Họ giỏi bắt nạt dân thường nhưng không đủ năng lực đối phó với nhóm giống như họ”.
Theo một chiến binh có liên hệ với Taliban tên Abu Muhammad, vụ tấn công sân bay Kabul vừa nhằm mục đích phá vỡ các ý định của Mỹ, Taliban vừa nhằm trừng phạt những ai muốn rời Afghanistan sang phương Tây sinh sống.
“Chúng tôi đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra một cuộc chiến kéo dài”, Muhammad cho biết.