Một nước Afghanistan không còn sự hiện diện của Mỹ thúc đẩy xu hướng hiện tại trong quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Tình hình Afghanistan và địa chính trị Ấn Độ

Cẩm Bình | 23/08/2021, 18:04

Một nước Afghanistan không còn sự hiện diện của Mỹ thúc đẩy xu hướng hiện tại trong quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Với Ấn Độ, đó là sự hợp tác nhiều hơn với Washington, xung đột sâu sắc hơn với Bắc Kinh, quan hệ đối tác chiến lược truyền thống với Moscow thêm rạn nứt.

Từ lâu, New Delhi đã luôn cảnh báo về mối nguy Mỹ để Taliban tái nắm quyền kiểm soát Afghanistan. Một mặt họ lo ngại điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế - chính trị giữa Ấn Độ và Afghanistan kể từ khi Mỹ đưa quân đến năm 2001 sẽ không còn, mặt khác Afghanistan do Taliban cai trị có thể một lần nữa bắt tay Pakistan thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố chống Ấn Độ.

Nhưng cường quốc Nam Á này chẳng thể lựa chọn khi sự ủng hộ dành cho cuộc chiến Afghanistan trong nội bộ nước Mỹ ngày một giảm và tương lai Afghanistan không Mỹ hỗ trợ là điều tất yếu. Ít nhất thì nếu nhìn tích cực, động thái rút quân có khả năng làm suy yếu quan hệ Mỹ - Pakistan.

Kể từ cuối những năm 1970, Afghanistan đã góp phần hình thành nền tảng cho Mỹ xây dựng quan hệ với quân đội Pakistan (kể cả lực lượng tình báo). Sắp tới Afghanistan sẽ vẫn là yếu tố gây ảnh hưởng nhưng mối quan hệ này có thể đi theo hướng khác. Phía New Delhi vốn xem quan hệ Mỹ - Pakistan như “cái gai trong mắt”, chắc chắn rất hài lòng.

Afghanistan do Taliban kiểm soát làm tăng nỗi lo khủng bố xuyên biên giới, tuy nhiên Ấn Độ có lẽ đã chuẩn bị kỹ cho tình huống Pakistan biến các phong trào thánh chiến Hồi giáo thành công cụ phục vụ chính sách ngoại giao.

2l7wngyifzljbb7vkntluwokle.jpg
Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan - Ảnh: Reuters

Cán cân sức mạnh nghiêng về Ấn Độ: GDP của cường quốc Nam Á này gấp khoảng chục lần GDP nước láng giềng; Thủ tướng Narendra Modi không ngần ngại đáp trả quân sự mạnh mẽ bằng cách cho phép đột kích và không kích hàng loạt điểm khủng bố tập trung ở Pakistan; New Delhi cũng thành công huy động tổ chức quốc tế đa phương như Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) giám sát hoạt động tài trợ khủng bố của Pakistan.

Một trong những lý do Tổng thống Joe Biden đưa ra cho động thái rút quân khỏi Afghanistan là chuyển hướng nguồn lực đối phó thách thức mới từ Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với Ấn Độ thì Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn Pakistan rất nhiều, sự chuyển hướng của Washington chắc chắn được New Delhi hoan nghênh.

Hội tụ lợi ích giữa Ấn Độ với Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhanh chóng gia tăng trong năm cuối Tổng thống Donald Trump nắm quyền, đến thời Tổng thống Biden lại càng được thúc đẩy mạnh mẽ. Kế hoạch phát triển “Bộ tứ kim cương” Mỹ - Nhật - Ấn - Úc nay thuộc nhóm ưu tiên chiến lược hàng đầu của Washington.

india-blink-top.jpg
Quan hệ Mỹ - Ấn ngày một sâu sắc - Ảnh: Asia Times

Xung đột sâu sắc hơn với Trung Quốc

Về phía Trung Quốc, trong khi quan hệ với Ấn Độ ngày càng xấu đi thì quan hệ của họ với Paksitan lại ngày càng phát triển. Diễn biến mới nhất tại Afghanistan có thể sẽ thúc đẩy xu hướng này.

Bắc Kinh có thể tận dụng thời cơ Mỹ không còn hiện diện quân sự để tăng cường ảnh hưởng bằng cách đẩy mạnh đầu tư. Afghanistan có trữ lượng đồng, than, sắt, khí đốt, coban, thủy ngân, vàng, lithium và thorium chưa khai thác lớn nhất thế giới, trị giá hơn 1 nghìn tỉ USD. Năm 2011 Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) từng thắng thầu khai thác 3 mỏ dầu trong 25 năm, một số công ty Trung Quốc cũng giành được quyền khai thác đồng ở tỉnh Logar. Taliban đầu tháng 7 công khai lên tiếng mời gọi Trung Quốc đầu tư tái thiết Afghanistan.

Quan hệ đối tác mạnh mẽ với quốc gia có ảnh hưởng đáng kể đến Taliban như Pakistan giúp Trung Quốc nâng cao triển vọng đóng vai trò lớn hơn ở Afghanistan – một kịch bản tích cực trong trường hợp Afghanistan hòa bình và ổn định, Taliban không hỗ trợ phong trào Hồi giáo tại Tân Cương (chứa chấp người Duy Ngô Nhĩ ly khai).

Tất nhiên Ấn Độ rất lo ngại Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn ở Afghanistan. New Delhi lâu nay chứng kiến Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng tại Nepal, Bangladesh, Sri Lanka… Để cho Trung Quốc - Pakistan bắt tay chi phối Afghanistan sẽ là trở ngại lớn với Ấn Độ.

Rạn nứt với Nga

Khiến tình hình thêm tồi tệ hơn là vai trò mới của Nga. Ấn Độ vốn không quá mong muốn quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung ngày một tốt đẹp, nhưng nay quan hệ này xuất hiện thêm một yếu tố mới: Moscow nghiêng về Pakistan và Taliban.

Vài năm gần đây Nga nhấn mạnh cần hợp tác cùng Taliban trong khi Ấn Độ ủng hộ chính quyền dân cử ở Kabul (vừa bị lật đổ). Không những vậy Nga còn ngăn Ấn Độ tham gia tiến trình đàm phán hòa bình cho Afghanistan lập ra năm 2019, lấy lý do New Delhi có ít ảnh hưởng với Taliban nên chẳng thể đóng góp gì nhiều. Nga, giống như Trung Quốc, vẫn mở cửa đại sứ quán ở Kabul sau biến cố cuối tuần trước, đồng thời tái khẳng định mong muốn làm sâu sắc quan hệ với Taliban. Phía Ấn Độ thì lại tăng cường quan hệ với Mỹ vào thời điểm quan hệ Mỹ - Nga rất xấu.

Với tình trạng quan hệ song phương vốn đã đầy rạn nứt, việc Nga tiếp cận thành công Taliban, còn Ấn Độ muốn giữ khoảng cách với tổ chức Hồi giáo này sẽ càng khiến New Delhi - Moscow chia rẽ trong các vấn đề khu vực.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
11 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tình hình Afghanistan và địa chính trị Ấn Độ