Vậy, đo mức độ hài lòng của dân đối với kẻ cầm quyền ra sao, Lê Quý Đôn dẫn lời của Âu Dương Công mà định lượng rằng: “Trị dân không hỏi quan lại có tài giỏi hay không, hễ dân cho là tiện tức là quan lại giỏi”. Việc ấy, cứ nhớ đến thực tế sử Việt mà đối sánh, hẳn biết ngay.
Các kỳ trước
Kỳ 1: Nạn tham nhũng ở nước Việt được ghi chép từ thời Hùng vương
Kỳ 2: Các quan thái thú tham nhũng hút máu người dân Việt
Kỳ 3: Nhà Lý oai hùng thắng Tống nhưng lại chịu thua trước sâu mọt
Kỳ 4: Vua siêng ăn chơi nhưng lại đòi mạnh tay chống quan tham nhũng
Kỳ 5: Tham nhũng nhà Trần và chuyện vua Minh Tông xử chết cha vợ
Kỳ 6: Nhà Trần đánh quan tham nhũng bằng gậy để bêu nhục
Kỳ 7: Chuyện quan lại tham nhũng bán thông tin cơ mật cho phương Bắc
Kỳ 8: Nhà Lê xếp tham nhũng vào trọng tội, không được ân xá
Trong Lời tựa cho Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn từng phát biểu về trách nhiệm của kẻ làm quan: “Kẻ sĩ ra làm quan hành chính, có phải chỉ ung dung ở chốn miếu đường, bàn bạc văn nhã và tỏ ra đức vọng thôi đâu. Có khi phải tuần xét biên giới mà chịu trách nhiệm một phương thì cũng phải nghĩ làm sao để vỗ về binh nông, dấy lợi trừ hại, tuyên bố giáo điều, dời đổi phong tục, hết khả năng tâm lực mà làm điều chức phận nên làm, để thỏa lòng bề trên, ban ơn dân chúng. Dẫu thời có khó dễ, thế có nên chăng, theo thời mà châm chước tính lường thì việc gì cũng thích đáng cả”. Ý vị quan họ Lê muốn thể hiện rằng, kẻ làm quan, là phải biết chịu khó nhọc, đem tâm sức mình có mà “ban ơn dân chúng”, tức là làm lợi cho dân vậy.
Tiêu chí đối với kẻ làm quan, ngoài tài năng ra, thì một trong những cái đức lớn nhất của kẻ làm quan phải có. Đó là chữ “liêm”. Đây là tiêu chí bậc nhất trong đạo đức của kẻ làm quan, như Sĩ hoạn châm quy có ghi: “Thanh liêm là điều quan trọng nhất của người làm quan, không nên vì danh lợi mà làm bậy thì tránh được lòng người oán hận, ngạn ngữ có câu rằng: “Trong sáu kế thì liêm đứng đầu, trong ba điều thì thanh cũng là đầu tiên”. Vậy là ở đây, tính trong sạch, không tơ hào, tư túi cho bản thân khi làm kẻ đội mũ, đi hia là một trong những tiêu chí định lượng quan trọng đối với đức độ cần phải có của kẻ làm quan. Giữ được chữ liêm, thì không điều gì là không thể làm được đối với kẻ chăm dân.
Đạo của kẻ làm quan, quan niệm của giới Nho học cho rằng, phải hội tụ đủ được ba điều, mà trong Minh tâm bảo giám chép là “Cái chính phép kẻ đương làm quan thì là ba điều sau nầy: Một là thanh liêm (trong sạch, không hà lạm của…), hai là cẩn thận (là giữ phép cho nhặt), ba là siêng năng (việc bổn phận mình). Kẻ biết đặng ba điều ấy thì mới biết cái phép giữ mình cho được ra mà trị người”.
Nho giáo có quan điểm rất rõ ràng về tư tưởng quân quyền, điều này có thể xem qua bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim có đoạn: “Vua thì phải có quan. Quan là những người có tài có đức ở trong dân lựa chọn ra để giúp vua làm mọi việc ích lợi chung cả nước. Một nước trị hay loạn là do ở vua và quan giỏi hay dở”. Rõ là kẻ làm quan, công bộc của dân, giúp ích cho vua phải là những kẻ “có tài có đức”. Và với tiêu chí đó, nhiệm vụ của họ cũng thật nặng nề, đầy trách nhiệm là “làm mọi việc ích lợi chung cả nước”, nghĩa là không vì lợi ích cá nhân.
Vậy, đo mức độ hài lòng của dân đối với kẻ cầm quyền ra sao, Lê Quý Đôn dẫn lời của Âu Dương Công mà định lượng rằng: “Trị dân không hỏi quan lại có tài giỏi hay không, hễ dân cho là tiện tức là quan lại giỏi”. Việc ấy, cứ nhớ đến thực tế sử Việt mà đối sánh, hẳn biết ngay. Ở đây, chỉ dẫn thời Trần làm chứng cho tiện, khỏi lan man.
Thực tế cho thấy, tỉ như ở thời Trần thôi, có trường hợp của An phủ sứ Diễn Châu là một ví dụ. Năm Nhâm Thìn (1292), Phí Mạnh làm An phủ Diễn Châu “giữ chức chưa được bao lâu, có tiếng đồn là tham ô”. Việc ấy đến tai vua, Phí Mạnh bị thọ hình phạt bằng trượng. Thước đó lòng dân đối với kẻ làm quan ngay hay gian thực công bình làm sao. Như Phí Mạnh sau đó hối cải, từ bỏ con đường “vinh thân phì gia” bất chính để theo đường ngay lối thẳng, được vua giữ làm An phủ sứ ở Diễn Châu, ngay tại mảnh đất mà ông ta đã lầm lỗi. Kết quả đã rõ khi sử còn những dòng ghi nhận trường hợp Phí Mạnh sau được dân Diễn Châu ngợi ca là: “Diễn Châu an phủ thanh như thủy” (An phủ Diễn Châu trong tựa nước). Vậy là lòng dân yêu ghét rõ ràng, làm lợi cho dân, dân tin quý, làm hại cho dân, dân oán hờn là vậy.
Cũng thời Trần có Thiều Thốn, vốn người đất Đông Sơn, Thanh Hóa. Theo Ngự chế Việt sử tổng vịnh cho hay, đời vua Trần Dụ Tông, ông làm Phòng Ngự sử ở Lạng Giang, khôn khéo về việc ủy lạo quân sĩ nên kẻ dưới quyền kính phục, tin yêu. Sau vì người em ruột là ông Kiệu Kiệt, mà ông Thiều Thốn phải bị hạ chức luôn. Trong quân thương ông mà nói rằng:
Thiên bất tri oan, Thiều công thất quan (Trời chẳng thấu oan, Thiều công mất chức).
Lúc ấy lại cũng gặp tang nhà ông, quân dân vùng này lại than rằng:
Thiều công chi qui, sử ngã tâm bi (Thiều công về vườn, lòng ta rất thương).
Triều đình nghe được tiếng đồn trong dân, biết ông được lòng quân dân đất này, liền cho phục chức trở lại. Dân tình, quân lính nghe được tin đại hỷ ấy, lại ca:
Thiên tri kỳ oan, Thiều công đắc quan (Trời biết điều oan, Thiều công phục chức).
Ấy, làm quan mà không được dân tin dân yêu, thì há ông Thiều Thốn có được dân quan tâm mà kêu thấu đến tai triều đình phục chức cho chăng?
Không phải ngẫu nhiên mà ở thời Trần, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, đường đường là tôn thất của nhà vua, quyền cao chức trọng, thế lực to lớn là thế, mà dân Bài Áng bất mãn, năm Bính Thân (1296) thưa kiện lên vua vì sự tham lam, thô bỉ của y. Bởi tư tưởng làm quan, làm kẻ bề trên của Trần Khánh Dư rất ư ngông cuồng và bất chấp đạo lý: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ”.
Ở đây, vị tôn thất nhà Trần xem dân lành như là phương tiện để làm giàu cho quan lại thôi vậy. Dĩ nhiên, tư tưởng đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức, với đạo làm quan của Khánh Dư đã để lại hậu quả nghiêm trọng với chính bản thân ông. Dẫu làm giàu một đời, nhưng tiếng xấu thì hậu thế còn truyền mãi đâu thôi. Kẻ nào làm quan, làm công bộc mà đi vào vết xe đổ của Khánh Dư, ắt hậu quả cũng nhận được tương tự mà thôi.
Thước đo từ lòng dân, thì chẳng bao giờ sao lệch cho được.
Trần Đình Ba