Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, khả năng lưu trữ carbon ở rừng hỗn hợp cao hơn ít nhất 70% so với rừng độc canh và tốt nhất là trồng 4 loài, không hơn, không kém.

Muốn có rừng chống biến đổi khí hậu, phải trồng đúng 4 loài cây

Anh Tú | 13/11/2023, 10:37

Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, khả năng lưu trữ carbon ở rừng hỗn hợp cao hơn ít nhất 70% so với rừng độc canh và tốt nhất là trồng 4 loài, không hơn, không kém.

Rừng có khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon rất tốt, nhờ đó chúng có thể đóng vai trò đáp ứng mục tiêu về lượng khí thải bằng không trên toàn cầu. Hiện nay, nhiều quốc gia cam kết trồng rừng nhưng chủ yếu là trồng đơn loài, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã kiểm tra trữ lượng carbon trong rừng hỗn hợp và độc canh. Khi so sánh, họ phát hiện ra rằng rừng hỗn hợp lưu trữ nhiều carbon hơn và trong số các khu rừng được khảo sát, thì những khu rừng với 4 loài có trữ lượng carbon cao nhất.

Lợi ích của rừng hỗn hợp

Để làm chậm tác động của biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững, việc trồng lại cây xanh là rất quan trọng. Sau khi được phục hồi, rừng sẽ có tác dụng lưu trữ carbon trong đất, cây bụi và cây lá rộng... Rừng hỗn hợp đặc biệt hiệu quả trong việc lưu trữ carbon vì các loài khác nhau có đặc điểm riêng bổ sung qua lại, có thể làm tăng tổng lượng lưu trữ carbon.

So với rừng đơn loài, rừng hỗn hợp cũng có khả năng chống chịu sâu bệnh và biến đổi khí hậu tốt hơn để từ đó làm tăng khả năng lưu trữ carbon của chúng. Các hoạt động sinh thái khác ở rừng hỗn loài cũng nhiều hơn và nhờ vậy, chúng hỗ trợ mức độ đa dạng sinh học cao hơn.

Mặc dù lợi ích của hệ thống rừng đa dạng đã được biết rõ nhưng cam kết phục hồi rừng của nhiều quốc gia vẫn tập trung vào việc thiết lập các đồn điền độc canh. Lý do là trồng rừng độc canh chi phí ít hơn và dễ thu hoạch và thu lợi nhanh hơn.

Tiến sĩ Emily Warner - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về khoa học sinh thái và đa dạng sinh học tại Khoa Sinh học, Đại học Oxford, đồng thời là tác giả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Forests and Global Change - cho biết: “Rừng trồng hỗn loài lưu trữ nhiều carbon hơn so với rừng độc canh, thậm chí có thể lớn hơn tới 70%. Chúng tôi cũng nhận thấy mức tăng lớn nhất trong việc lưu trữ carbon rơi vào rừng hỗn hợp bốn loài”.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích nhiều kết quả được công bố từ năm 1975 so sánh trực tiếp khả năng lưu trữ carbon trong rừng hỗn hợp và rừng đơn loài, đồng thời kết hợp nghiên cứu này với dữ liệu trên khắp toàn cầu nhưng chưa được công bố trước đây. Warner giải thích: “Chúng tôi muốn tập hợp lại và đánh giá các bằng chứng hiện có để xác định xem liệu đa dạng hóa rừng có mang lại lợi ích trong việc lưu trữ carbon hay không”.

Các khu rừng trồng hỗn giao được đánh giá trong nghiên cứu có mức độ phong phú về loài từ hai đến sáu loài. Trong bộ dữ liệu mà các nhà khoa học đã khảo sát, rừng hỗn hợp 4 loài có khả năng lưu trữ carbon hiệu quả nhất. Một hỗn hợp như vậy được tạo thành từ các cây lá rộng khác nhau có thể được tìm thấy trên khắp châu Âu.

Hỗn hợp hai loài cũng có trữ lượng carbon trên mặt đất lớn hơn so với trồng độc canh nhưng chỉ lưu trữ carbon nhiều hơn 35%, tức là chỉ tăng một nửa so với rừng hỗn hợp 4 loài. Tuy nhiên, các khu rừng gồm 6 loài không cho thấy lợi thế rõ ràng nào so với việc trồng độc canh.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng rừng hỗn hợp có trữ lượng carbon cao hơn 77% so với rừng độc canh đặc biệt, vốn được phủ xanh bởi loại cây lai tạo để có năng suất đặc biệt cao.

Dựa vào kết quả khảo sát đó, các nhà nghiên cứu đã có thể chỉ ra rằng việc đa dạng hóa rừng giúp tăng cường khả năng lưu trữ carbon.

Ý nghĩa của con số 4

Tiến sĩ Susan Cook-Patton, nhà khoa học chuyên lĩnh vực phục hồi rừng tại The Nature Conservancy và cộng tác viên của nghiên cứu, cho biết: “Khi phong trào trồng cây phát triển, nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh ý nghĩa việc trồng hỗn hợp các loài sẽ làm tăng khả năng lưu trữ carbon cùng với nhiều lợi ích khác”. Theo Cook-Patton, kết quả này đặc biệt lọt tai với các nhà quản lý rừng vì nó cho thấy việc đa dạng hóa khi trồng rừng mới là điều đáng làm để thu về lợi ích năng suất.

Mặc dù chỉ ra tiềm năng ngày càng tăng của rừng hỗn hợp trong việc lưu trữ carbon, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận công trình của họ vẫn chưa hoàn thiện, chẳng hạn như chưa thực hiện hết khảo sát các khu rừng già có mức độ đa dạng cây cao hơn (nhiều hơn 6 loài).

Tuy nhiên, xét về số lượng thì việc trồng rừng mới bằng 4 loài sẽ dễ thực hiện và ít chi phí hơn so với việc trồng 7 hay 8 loài trong khi cũng chưa có dữ liệu rằng trồng 7 hay 8 loài sẽ mang lại hiệu quả hơn. Đến thời điểm này, trồng rừng “tứ quý” vẫn là công thức đẹp nhất.

Do vậy, Warner cho biết: “Nghiên cứu này chứng tỏ tiềm năng đa dạng hóa rừng trồng nhưng cũng cần có dữ liệu thử nghiệm dài hơi để khám phá các cơ chế đằng sau kết quả của chúng tôi. Nhu cầu cấp thiết là phải tiếp tục khám phá xem lợi ích lưu trữ carbon của việc đa dạng hóa thay đổi như thế nào khi thay đổi các yếu tố đầu vào như vị trí, loài cây được sử dụng và tuổi rừng”.

Bài liên quan
Thủ tướng khảo sát các dự án hạ tầng giao thông, chống biến đổi khí hậu tại Cần Thơ
Trong chương trình công tác tại Cần Thơ, chiều 12.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kiểm tra, khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm về hạ tầng trên địa bàn; khảo sát dự án tuyến đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; nghe báo cáo, đề xuất về dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của thành phố Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là tài nguyên vô tận
15 giờ trước Khoa học - công nghệ
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, KH-CN, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn và có thể xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muốn có rừng chống biến đổi khí hậu, phải trồng đúng 4 loài cây