Trong những trang phục sặc sỡ và tiếng kèn trống rộn ràng, những vũ công biểu diễn màn nhảy múa đẹp mắt giữa tiếng hò reo cổ vũ của mọi người. Người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh này trong dịp đón mừng năm mới ở khắp nơi nhưng mỗi quốc gia lại có một môn nghệ thuật truyền thống mang nét đặc trưng riêng vô cùng độc đáo.

Muôn màu rực rỡ của những điệu nhảy múa dịp năm mới

Một Thế Giới | 31/12/2015, 06:30

Trong những trang phục sặc sỡ và tiếng kèn trống rộn ràng, những vũ công biểu diễn màn nhảy múa đẹp mắt giữa tiếng hò reo cổ vũ của mọi người. Người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh này trong dịp đón mừng năm mới ở khắp nơi nhưng mỗi quốc gia lại có một môn nghệ thuật truyền thống mang nét đặc trưng riêng vô cùng độc đáo.

Hàn Quốc - múa pungmul ấn tượng
Người Hàn Quốc đón năm mới từ ngày 1.1 âm lịch. Ngay từ những ngày cuối năm, người dân xứ kim chi đã náo nức chuẩn bị cho dịp lễ truyền thống này. Người ta dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn thức uống thật ngon vừa để dâng cúng tổ tiên, vừa chuẩn bị cho các thành viên sum vầy trong bữa ăn gia đình.
Buổi sáng ngày đầu năm mới, sau khi đã lo liệu xong công việc trong gia đình, mọi người đều diện trang phục hanbok hoặc những bộ quần áo thật đẹp ra đường. Trong không gian sinh hoạt cộng đồng, người Hàn Quốc được thưởng thức các điệu múa truyền thống như múa quạt, múa trống, múa pungmul, múa mặt nạ. Điệu múa pungmul rất được người dân ưa thích. 
Le hoi, le hoi mung nam moi, Tet Duong Lich, dieu mua, the gioi
Múa pungmul Hàn Quốc. 
Đây là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, diễn viên kết hợp biểu diễn nhạc cụ và động tác hình thể. Pungmul xuất phát từ văn hóa nhà nông, thể hiện một phần của công việc đồng áng, mang đậm chất gắn kết cộng đồng. Những vũ công trong trang phục múa truyền thống nhiều màu sắc. Trên đầu đội chiếc mũ được gọi là sangmo có gắn một dải lụa dài, đôi khi còn có một đóa hoa được trang trí trên mũ.
Hỗ trợ cho các vũ công là một dàn trống, bản thân những vũ công cũng cầm những chiếc trống nhỏ. Khi tiếng trống rộn ràng vang lên, những vũ công nhảy múa trong sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Họ lắc và quay đầu theo điệu trống cùng những dải lụa được tạo nên nhiều hình dáng rất đẹp mắt. Đôi khi trong màn biểu diễn, ngoài tiếng trống còn có những bài dân ca đặc sắc, và khán giả cùng tham gia hát theo rất vui vẻ.

New Zealand - độc đáo điệu múa haka 

Tại New Zealand, cộng đồng người bản xứ Maori chiếm khoảng hơn 15% dân số. Tuy đã hòa chung với xu thế phát triển của thế giới hiện đại, người Maori vẫn lưu giữ bản sắc văn hóa rất riêng biệt. Khác với người New Zealand đón Tết vào ngày 1.1, người Maori tổ chức lễ hội mừng năm mới vào những ngày cuối tháng 5 - thời điểm vào giữa mùa đông, khi đã thu hoạch xong mùa màng. 
Le hoi, le hoi mung nam moi, Tet Duong Lich, dieu mua, the gioi
Múa haka New Zealand.
Lễ mừng năm mới của người Maori được gọi là Matariki. Lễ hội Matariki được người dân tổ chức vào thời gian này mang ý nghĩa như một dấu mốc kết thúc năm cũ và bắt đầu một năm mới. Trong suốt thời gian diễn ra Matariki, người Maori tổ chức rất nhiều lễ hội và các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Tất cả đều hướng đến một không khí lễ hội vui tươi và hạnh phúc.
Một trong những tiết mục độc đáo nhất của người Maori trong dịp đầu năm là điệu nhảy haka. Theo truyền thống, điệu nhảy haka có xuất xứ từ chiến tranh. Những chiến binh người Maori sẽ cùng nhau biểu diễn điệu nhảy này để nâng cao tinh thần chiến đấu và đe dọa, trấn áp sức tấn công của kẻ thù. 
Các vũ công được vẽ hình xăm trên khuôn mặt và cơ thể. Trang phục của họ mang dáng dấp của những bộ lạc bản xứ xưa kia, với những dây tua rua được tết từ cây cỏ. Điệu nhảy haka là sự kết hợp giữa ca từ hào hùng, tràn đầy nhiệt huyết cùng động tác giậm chân vỗ ngực mạnh mẽ, quyết liệt. Đặc biệt là sắc thái biểu cảm trên khuôn mặt của các vũ công thể hiện sự dũng mãnh và dữ tợn. 

Trung Quốc - múa lân rồng tưng bừng 

Tương tự như Việt Nam, Trung Quốc đón mừng năm mới theo âm lịch. Tết Nguyên đán là ngày Tết âm lịch dài nhất và quan trọng nhất ở Trung Quốc, thường kéo dài từ ngày 8.12 âm lịch đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Nguồn gốc của ngày Tết này có từ xa xưa với rất nhiều truyền thuyết và tập tục liên quan, phản ánh niềm tin và cách sống của con người thời cổ xưa. 
Le hoi, le hoi mung nam moi, Tet Duong Lich, dieu mua, the gioi
Múa lân rồng Trung Quốc. 
Cứ mỗi dịp Tết đến, người dân Trung Quốc lại dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ rồi trang hoàng thật đẹp. Họ cũng chuẩn bị quần áo đẹp, đồ ăn ngon để chuẩn bị đón chào năm mới thật đầm ấm và no đủ. Ngoài các phong tục trong gia đình, người dân cũng thường đổ ra đường tận hưởng không khí náo nhiệt và vui vẻ ngày đầu năm. Một trong những nét đặc trưng không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán là múa lân rồng.
Múa lân rồng có nguồn gốc từ phía Nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, cách đây hơn một nghìn năm. Theo quan niệm của người Trung Quốc, rồng và lân là hai con vật thần thoại xua đuổi tà ma và mang lại may mắn, thịnh vượng. Chính vì thế màn múa này không thể thiếu trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ngày đầu năm.
Trong tiếng trống phách dồn dập, những vũ công khoác lên mình hình tượng con lân, rồng bước đi thật uyển chuyển và nhịp nhàng. Những vũ công này thường phải có thể lực thật tốt và độ nhanh nhạy cao mới có thể chuyển tải hình ảnh đẹp mắt đến người xem. Đôi khi, các môn phái võ thuật cũng cho võ sinh tham gia hoạt động múa rồng để có thể rèn luyện sức khỏe, đồng thời đem đến cho mọi người những tiết mục múa hồi hộp và gây cấn với những màn mạo hiểm. 

Ấn Độ - múa bihu quyến rũ 

Người Ấn Độ đón lễ hội Bohag Bihu (còn gọi là Rongali Bihu) vào giữa tháng 4. Đây là lễ hội gieo hạt quan trọng nhất trong năm tại Assam đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào dịp này, mọi người ai ai cũng háo hức đón chờ chuỗi ngày vui chơi thoải mái. Phụ nữ chọn lựa những bộ quần áo và các món trang sức thật đẹp trong khi nam giới chuẩn bị những đồ dùng thiết yếu. Những ngày diễn ra lễ hội, nam thanh nữ tú mặc trang phục truyền thống thật sặc sỡ và múa điệu bihu. 
Le hoi, le hoi mung nam moi, Tet Duong Lich, dieu mua, the gioi
Múa bihu của Ấn Độ. 
Thông thường, các chàng trai và các nhạc công bước vào khu vực nhảy múa trước và tạo thành một hàng. Sau đó, những cô gái bước vào và cánh nam giới tách hàng ra để hòa vào cùng với nữ giới. Họ di chuyển theo một hàng và tạo nên những vòng tròn đẹp mắt. Tất cả đều múa theo động tác giống hệt nhau với sai khác rất nhỏ. Trong điệu múa dân gian này, những người tham gia thể hiện những bước nhảy uyển chuyển và chuyển động tay thật duyên dáng. Điệu múa không quá sôi động với những nhịp nhảy nhưng lại hấp dẫn người xem ở nét nhẹ nhàng thư thái. 
Danh hiệu Bihu Kunwori sẽ dành cho phụ nữ múa đẹp nhất điệu bihu. Âm nhạc đi kèm với điệu múa này mang đậm nét truyền thống. Những nhạc công quan trọng nhất là các tay trống còn gọi là dhulia. Họ đánh trống hai mặt, đeo dây ở trên cổ và đánh trống một mặt bằng dùi trống, mặt kia bằng tay trần. 

Romania - múa hora vui vẻ 

Như các nước châu Âu khác, Romania đón năm mới theo dương lịch. Dịp đầu năm mới là lúc người dân Romania được tạm nghỉ ngơi và dành thời gian sum họp bên gia đình. Mặc dù đón năm mới theo kiểu hiện đại, người dân đất nước này vẫn còn lưu giữ những nét truyền thống. Trong các hoạt động vui chơi giải trí, người Romania vẫn rất yêu thích điệu múa hora.
Trong tiếng nhạc rộn rã, các vũ công thường mặc những trang phục truyền thống đẹp mắt, vòng tay nhau cùng múa điệu nhảy tập thể. Đôi khi, những người dân cũng được mời tham gia nhảy múa. Điệu múa này dành cho tất cả mọi người không phân biệt giới tính, tuổi tác, dù là nam hay nữ, già hay trẻ đều có thể tham gia. 

Tây Tạng - múa mặt nạ bí ẩn 

Cứ đến lúc hoa đào nở khắp trên các sườn núi phủ tuyết trắng xóa là người dân Tây Tạng tổ chức đón Tết Losar. Lễ ăn mừng kéo dài suốt nửa tháng nhưng tập trung chủ yếu vào 3 ngày đầu năm mới. Trong những ngày đầu tiên của năm mới, người dân Tây Tạng mặc các trang phục truyền thống, đeo các trang sức đẹp đẽ để đi chùa, tặng quà cho các nhà sư. Họ cũng đi thăm người thân, bạn bè và hàng xóm, cùng nhau ăn uống, múa hát. 
Không khí lễ hội lan tỏa khắp nơi, đem lại cho người dân tâm trạng phấn khởi, đón chào một năm mới tốt đẹp sẽ đến. Nhiều lễ hội vui vẻ được tổ chức trong dịp Tết Losar với các điệu múa nghi lễ, múa mũ đen, múa kiếm… Múa mặt nạ là một trong những điệu múa được người dân đón chờ nhất. Điệu múa này do chính các vị tu sĩ thực hiện. Mỗi tu viện lại có những nét đặc trưng khác trong điệu múa mặt nạ. 
Thông thường, các vị tu sĩ sẽ đeo mặt nạ hình các con thú và các nhân vật trong thần thoại đầy màu sắc. Họ nhảy múa theo điệu nhạc rộn ràng và sinh động. Theo quan niệm truyền thống, múa mặt nạ là cách để xua đuổi ma quỷ, trừ bỏ những điều xấu xa để đón những điều tốt lành đến.
Nam Ngọc / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan
City Tết Fest Thủ Đức 2025: Lễ hội chào đón năm mới tại TP.HCM
City Tết Fest là lễ hội chào đón năm mới 2025 sẽ được tổ chức tại TP.Thủ Đức (TP.HCM).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đại biểu QH đề nghị ứng dụng công nghệ hiện đại trong phòng cháy chữa cháy, cứu nạn
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Đại biểu quốc hội đề nghị bổ sung nguyên tắc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) để các cơ quan, tổ chức chú trọng hơn đến đầu tư công nghệ mới trong lĩnh vực này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muôn màu rực rỡ của những điệu nhảy múa dịp năm mới