Muốn phát triển kinh tế từ du lịch thì phải đánh đổi. Nếu đánh đổi không đủ thì không phát triển được. Tuy nhiên, đánh đổi bao nhiêu cho hợp lý mới là bài toàn khó.
Trên đây là vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra để bàn luận tại hội thảo "Đột phá kinh tế từ du lịch" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 28.10.
Theo TS.Đỗ Cẩm Thơ - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Tổng cục Du lịch), ngành du lịch đang đạt tốc độ phát triển rất nhanh. Trong 9 tháng 2019, Việt Nam đón hơn 12,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước và 66 triệu lượt khách du lịch nội địa với tổng doanh thu đạt 504.000 tỉ đồng, trong khi tổng doanh thucả năm 2018 đạt 620.000 tỉ đồng.
TS.Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, hiệncó nhiều ý kiến cho rằng phát triển hạ tầng du lịch đã xâm hại môi trường khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, muốn phát triển thì phải đánh đổi, song đánh đổi bao nhiêu cho hợp lý thì lại là bài toàn khó.
“Muốn trả lời câu hỏi này phải xác định, ưu tiên về lợi ích tổng thể và dài hạn. Đánh đổi thế nào là hợp lý thì cần luật, cần tiêu chuẩn chứ hiện chưa rõ ràng, không định hình và không giúp cho người ta định hướng được khiến nhiều doanh nghiệp không dám làm và ngay cả chính quyền cũng không dám làm”, ông Thiên nói.
Cũng theo TS.Trần Đình Thiên, cần xác định rõ khái niệm du lịch là kinh tế mũi nhọn để tránh các phản ứng không rõ ràng như các sự cố trong ngành du lịch vừa qua. Cụ thể, một số dự án du lịch ở Tam Đảo, trước đó là Tam Chúc, Bà Nà, Sơn Trà… bị cộng đồng phản ứng vì cho rằng ảnh hưởng đến môi trường và tạo ra tâm lý tiêu cực với ngành du lịch.
Tuy nhiên thực tế, những dự án này đã và đang đem lại lợi ích rõ ràng cho điểm đến, địa phương, giải quyết hàng trăm công ăn việc làm cho người lao động... Do đó, khi muốn phê phán một dự án du lịch mới nào, chúng ta cần phải đặt trên bàn cân lợi ích để có cái nhìn cụ thể, toàn diện. Ngoài ra, phát triển du lịch phải theo hướng khác biệt, đặc sắc nếu không khách sẽ đi Thái Lan, Trung Quốc thay vì Việt Nam.
Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia - TS.Lương Hoài Nam cũng nhìn nhận du lịch Việt Nam có đủ điều kiện, tiềm năng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phải trở thành mũi nhọn. Thế nhưng, sự phát triển du lịch bắt đầu có nhiều nút thắt, trong đó nút thắt về quan điểm phát triển bền vững đang là vấn đề "nóng" và sẽ trở thành nút thắt rất lớn nếu không nhanh chóng được giải quyết.
Trên thực tế, các bộ ngành đều đồng thuận với chủ trương phải phát triển bền vững nhưng chưa có tiêu chí, không có cơ sở để đánh giá thế nào là phát triển bền vững. Do vậy, ông nhìn nhận Chính phủ cần sớm ban hành các bộ tiêu chí về phát triển bền vững, chi tiết đến mức có thể dùng để áp vào các dự án đầu tư du lịch một cách dễ dàng. Đồng thời, cần có cơ chế minh bạch một cách tối đa các dự án du lịch tác động đến thiên nhiên, tài nguyên, văn hóa để dân biết, dân bàn và dân kiểm tra, từ đótăng sự đồng thuận, giảmxung đột.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty Vietravel lại nói rằng, ngành du lịch không nên ngồi chờ vì nghĩ mình là ngành mũi nhọn, bắt Chính phủ phải quan tâm. Bản thân ngành du lịch phải năng động hơn nữa, ngành du lịch thay đổi tư duy, cách nhìn... ngay cả cách tiếp cận với Chính phủ, người hoạch định chính sách phải tốt hơn nữa, làm sao cho mong muốn trở thành hiện thực.
"Đột phá kinh tế du lịch thì bản thân du lịch phải đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, đóng góp nhiều hơn ngành nghề khác thì chúng ta mới được gọi là mũi nhọn", ông Kỳ nói.
Phan Diệu