Nội dung rò rỉ của tài liệu nội bộ của Bộ Ngoại giao Mỹ vừa được công bố đã làm dấy lên lại những đồn đoán từ các quan chức cấp cao của Mỹ hồi tháng 4 rằng vụ dịch COVID-19 xảy ra do “một tai nạn” tại Viện vi-rút học Vũ Hán.
Bộ Ngoại giao đã phát hành một thông tin lưu hành nội bộ từ năm 2018 trong đó ghi nhận mối quan tâm của các quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc về nguy cơ tiềm ấn tại một phòng thí nghiệm vi-rút ở Vũ Hán, thành phố mà sau đó trở thành nơi bùng phát coronavirus. Đó là thiếu nhân viên có trình độ để vận hành an toàn.
Toàn bộ tài liệu nội bộ của Bộ Ngoại giao Mỹ đã không được công bố cho đến tuần này, sau khi The Washington Post thắng trong vụ đệ đơn kiện theo Đạo luật Tự do Thông tin để tiếp cận hồ sơ. The Washington Post đã kiện vào tháng 4 sau khi Bộ Ngoại giao không xuất trình tài liệu trong khoảng thời gian mà luật pháp yêu cầu.
Nội dung rò rỉ của tài liệu nội bộ đã làm dấy lên những đồn đoán từ các quan chức cấp cao của Mỹ hồi tháng 4 rằng vụ dịch xảy ra do “một tai nạn” tại Viện vi-rút học Vũ Hán.
Hồi tháng 5, Tổng thống Trump cũng cho biết đã nhìn thấy chứng cớ khiến ông tin chắc rằng coronavirus có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc. Khi được hỏi lý do tại sao ông tự tin như vậy thì ông Trump nói: “tôi không thể nói với các bạn điều đó. Tôi không được phép nói điều đó”.
Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo cũng cho biết có bằng chứng đáng chú ý để ủng hộ giả thuyết rằng coronavirus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Đồng thời ngoại trưởng Mỹ nhiều lần kêu gọi Trung Quốc minh bạch thông tin trong vấn đề coronavirus.
Văn phòng Tình báo Quốc gia Mỹ không thừa nhận hay bác bỏ giả thuyết vi-rút bị phát tán từ phòng thí nghiệm. Vào tháng 5, họ đã đưa ra một tuyên bố cho biết các quan chức tình báo vẫn đang kiểm tra xem vi-rút phát tán do tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hay đó là kết quả của một vụ tai nạn tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Thực ra, hồ sơ mà The Washington Post vừa khui được cũng không củng cố cho giả thuyết một tai nạn tại phòng thí nghiệm đã khiến vi-rút thoát ra ngoài nhưng cũng không loại trừ khả năng đó. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, sự hoài nghi về giả thuyết tai nạn đã gia tăng trong cộng đồng khoa học bởi vì mã di truyền của các coronavirus phân lập từ dơi đang được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm không phù hợp với nghiên cứu về vi-rút gây ra COVID-19 (tức là loại trừ khả năng coronavirus từ dơi tấn công sang người).
Thông tin nội bộ của Bộ Ngoại giao cho biết phòng thí nghiệm mà các quan chức Mỹ đến thăm vào năm 2018, đã thiếu hụt trầm trọng các kỹ thuật viên được đào tạo phù hợp để vận hành an toàn phòng thí nghiệm cần cách ly cao này.
Hồ sơ cũng nói rằng các nhà khoa học ở Vũ Hán được phép nghiên cứu các coronavirus giống như SARS phân lập từ dơi nhưng không được nghiên cứu các coronavirus SARS gây bệnh ở người trong phòng thí nghiệm của họ trừ khi được sự cho phép rõ ràng từ một ủy ban được chỉ định.
“Tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào ủng hộ cho ý tưởng rằng việc này được phát tán này có chủ ý hay vô tình”, ông Ian Lipkin, giám đốc Trung tâm Nhiễm trùng và Miễn dịch tại Đại học Columbia nhận định sau khi được The Washington Post chuyển nội dung của hồ sơ. “Bạn không thể khơi khơi buộc tội ai phát tán vi-rút. Bạn phải chứng minh điều đó”.
Các chuyên gia khác cũng hạ thấp tầm quan trọng của những lời chỉ trích trong hồ sơ về trình độ nhân sự của phòng thí nghiệm Vũ Hán. “Có một thách thức toàn cầu trong việc duy trì đội ngũ nhân viên có kỹ năng phù hợp trong phòng thí nghiệm. Tất cả các cơ sở trên toàn thế giới đều phải đối mặt với thách thức này”, ông Rob Grenfell, giám đốc y tế và an toàn sinh học tại Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung cho biết.
Tom Inglesby, giám đốc Trung tâm An ninh Y tế tại Đại học Johns Hopkins, cho biết toàn bộ thông tin nội bộ của Bộ ngoại giao Mỹ không xác nhận cũng không phủ nhận giả thuyết phòng thí nghiệm. Do vậy, ông nhấn mạnh rằng các bên không nên đưa ra các tuyên bố sớm vào thời điểm này.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 18.7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 14.158.402 ca, trong đó có 597.993 người thiệt mạng. Chỉ trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 219.054 trường hợp mắc COVID-19 và 5.011 ca tử vong.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 8.411.189 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 59.905 ca và 5.1498.220 ca đang điều trị tích cực. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.
Với tổng cộng 3.762.202 triệu ca mắc và 141.905 ca tử vong vì dịch bệnh, Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất. Tình hình đại dịch ở Mỹ thậm chí đang diễn biến nghiêm trọng hơn và giới chuyên gia y tế cảnh báo đỉnh dịch còn chưa tới. Dịch bệnh khiến nền kinh tế Mỹ tê liệt do nhiều bang phải thực hiện giãn cách xã hội.
Anh Tú