Tổng thống Nga Putin đã có thêm một công cụ hữu hiệu để phá vòng vây cấm vận, đó là chiến trường Syria. Để Nga có thể xoay chuyển cục diện theo hướng gây thiệt hại cho Mỹ là một sai lầm rất lớn của Washington. Nhìn lại các sự kiện liên quan, có thể thấy Washington đã ngả mũ chào thua trước Moscow trong cuộc xung đột Syria kéo dài hơn 4 năm nay.

Mỹ đã thất bại trong ván cờ Syria?

08/10/2016, 18:49

Tổng thống Nga Putin đã có thêm một công cụ hữu hiệu để phá vòng vây cấm vận, đó là chiến trường Syria. Để Nga có thể xoay chuyển cục diện theo hướng gây thiệt hại cho Mỹ là một sai lầm rất lớn của Washington. Nhìn lại các sự kiện liên quan, có thể thấy Washington đã ngả mũ chào thua trước Moscow trong cuộc xung đột Syria kéo dài hơn 4 năm nay.

Nga và Mỹ đang tìm giải pháp cho xung đột Syria - Ảnh: Biếm họa của Brian Adcock (báo The Independent)

BBC ngày 5.10 đã có bài bình luận ghi nhận Nga đang gia tăng áp lực trong việc tìm kiếm sự tôn trọng của Mỹ. Theo BBC, Điện Kremlin đã sử dụng mọi biện pháp nhằm tạo ra hiệu ứng “tất cả con đường đều dẫn đến Nga và Vladimir Putin”.

Để thực hiện điều đó, Moscow quyết tâm thể hiện vai trò quan trọng đặc biệt trong cuộc chiến Syria và nâng cao vị thế của Nga trong giải quyết xung đột ở miền đông Ukraine. Không những vậy, tin tặc Nga còn bị cáo buộc đột nhập vào các máy chủ của Mỹ để gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Moscow cũng bị xem là đang cố gây chia rẽ và làm suy yếu Liên minh châu Âu (EU).

Đặc biệt, Tổng thống Putin vừa mới đình chỉ thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân Nga – Mỹ. Ông Putin cũng đã đệ trình Duma quốc gia Nga hàng loạt dự luật, đưa ra điều kiện nối lại thỏa thuận là Mỹ phải hủy bỏ các biện pháp trừng phạt Nga, bồi thường cho Moscow và Mỹ phải giảm quân ở một số nước NATO.

Có lẽ những yêu cầu của điện Kremlin khó có thể được Washington và đồng minh chấp thuận nhưng điều đó lại mang một ý nghĩa khác.

Các nạn nhân của cuộc chiến Syria - Ảnh: fort-russ.com

Nga xử lý bước đi “vũ khí hóa học” ở Syria để ngăn chặn Mỹ

Có lẽ trước sự tan rã nhanh chóng của chế độ Gaddafi tại Libya, Washington và đồng minh tin rằng chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria cũng nhanh chóng sụp đổ khi nội chiến Syria bùng phát dữ dội. Song tình hình tại Syria không diễn ra theo kịch bản Washington mong chờ. Nguyên nhân chính là Mỹ và đồng minh không thể làm đạo diễn ở đây.

Tổng thống Obama thiếu chuẩn xác trong việc kết nối nhanh chóng với một chính quyền “hỗn quân hỗn quan” tại Libya thời hậu Gaddafi để rồi phải nhận hậu quả thảm hại trong lịch sử ngoại giao Mỹ khi đại sứ Mỹ tại Libya bị giết chết. Còn với Syria thì Mỹ và đồng minh đã quá chậm trễ.

Có thể thấy Washington đã thiếu linh hoạt trong ván cờ Syria. Chiến lược của Mỹ và đồng minh tại châu Phi đã nhanh chóng định hình lại khi làn gió của mùa xuân Ả Rập làm ngã đổ các chính quyền tại Tunisia, Ai Cập và Libya. Có lẽ điều đó khiến cho Mỹ tự tin chế độ Assad sẽ tự sụp đổ khi nội chiến được làn gió của của mùa xuân Ả Rập thổi qua.

Tuy nhiên, thực tế tại Syria không giống với mong đợi của Mỹ. Washington đã nêu lên vấn đề vũ khí hóa học của Syria nhằm tìm cách can thiệp vào chiến trường và xâm nhập vào chính trường Syria một cách hợp pháp. Song Nga đã nhanh chóng đề xuất giải pháp và xử lý kho vũ khí hóa học của Assad một cách có lợi nhất cho cả hai.

Sự kiện Moscow tạo điều kiện cho chính quyền Assad đưa vũ khí hóa học ra khỏi biên giới Syria là một nước đi tuyệt vời của Putin. Khi những tấn vũ khí hóa học cuối cùng của Syria được Mỹ tiêu hủy thì cũng là lúc cánh cửa hợp pháp cho Washington và đồng minh bước vào chiến trường Syria đã khép lại. Vấn đề của Syria bây giờ do người Syria tự giải quyết với nhau.

Cho đến giờ phút này, mọi ủng hộ của Washington và đồng minh dành cho phe đối lập tại Syria đều bị giới hạn và không hoàn toàn được công khai hóa. Khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm mưa làm gió tại Syria, Mỹ vẫn phải chịu những ràng buộc nhất định, mục đích phải xoáy vào IS và hòa giải dân tộc cho Syria.

Tổng thống Assad đã lên tiếng kêu gọi Moscow hỗ trợ tấn công IS - Ảnh: RIA Novosti

Obama thất bại vì để Nga dễ dàng xuất hiện tại Syria

Năm 1999, NATO ném bom Nam Tư vì Serbia thảm sát người Albania. Ngày 12.6.1999, khi lực lượng NATO tiến quân vào Kosovo từ Macedonia, bất ngờ quân đội Nga cũng tới thủ đô Pristina của Kosovo. Song Moscow không thể tạo ra đột biến nào và mọi việc kết thúc theo ý của NATO. Kosovo rời khỏi Serbia và tuyên bố độc lập.

Có lẽ Washington và các đồng minh tin rằng khi vũ khí hóa học của Syria được đưa ra khỏi nước này, chính Mỹ thực hiện và giám sát kết thúc công tác tiêu hủy thì Moscow không còn cơ hội để hiện diện tại Syria. Tuy nhiên, Tổng thống Obama quên rằng nước Nga năm 2016 của Putin không phải là nước Nga năm 1999 của Boris Yeltsin, người đã thua Clinton trong nước cờ Kosovo.

Sự khinh suất này của Tổng thống Obama khiến Washington phải trả giá là mất vai trò đạo diễn trong ván cờ Syria. Mỹ đã nhận lời giúp đỡ Iraq tấn công IS trước nguy cơ Baghdad có thể thất thủ trước đà tiến quân như vũ bão của IS. Sức mạnh của quân lực Mỹ đã ngăn được đà tiến quân của IS và giúp Iraq phản công.

Khi Washington và Baghdad mừng vui vì thành tích trong phối hợp tấn công IS thì cũng là lúc Moscow tích góp cơ hội hợp pháp tấn công IS ở bên kia biên giới Iraq. IS mất dần lãnh địa tại Iraq đã co cụm và củng cố lực lượng tại Syria. Còn lực lượng đối lập tại Syria nhân cơ hội đó đẩy mạnh tấn công quân đội chính phủ Assad.

Đứng trước hai gọng kìm IS và lực lượng đối lập, đặc biệt là nguy cơ bom Mỹ có thể sẽ rơi trên đất nước Syria dưới danh nghĩa tấn công IS, Tổng thống Assad đã lên tiếng kêu gọi Moscow hỗ trợ tấn công IS. Đây là cơ hội có một không hai để Điện Kremlin chủ động triển khai lực lượng tấn công IS tại đất nước Trung Đông này.

Lực lượng Nga tại căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Washington đã bị việt vị và không thể có bất cứ động thái nào trước sự kiện này. Cuộc tấn công chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã được cựu Tổng thống George W. Bush phát động ngày 7.10.2001 với chiến dịch tấn công Afghanistan sau sự kiện ngày 11.9.2001. Do vậy, tấn công IS là tham gia chống chủ nghĩa khủng bố, chứng tỏ Moscow đã chia lửa với Washington.

Quân lực Mỹ tham gia đánh IS tại Iraq một cách hợp pháp thì quân đội Nga tấn công IS tại Syria cũng hợp pháp vì có yêu cầu hỗ trợ từ chính quyền Assad, một chính quyền hợp pháp và hợp hiến tại Syria.

Quân đội Nga tấn công IS tại Syria lại là chuyện Moscow “bắn một mũi tên trúng tới ba đích”. Thứ nhất là tiêu diệt IS, qua đó ngăn chặn các phần tử khủng bố Nga có thể chạy về làm hại nước Nga. Thứ hai là giúp chính quyền Assad tấn công phe đối lập vốn được Washington và đồng minh hậu thuẫn, qua đó làm đạo diễn cho ván cờ Syria. Thứ ba là cản bước quân đội Mỹ và đồng minh tiến về Syria.

Washington đã củng cố vai trò đạo diễn cho Moscow

Người viết cho rằng, việc Washington và đồng minh xem sự ra đi của Tổng thống Assad là điều kiện tiên quyết để kết thúc ván cờ Syria là tự hạ thấp thế cờ của mình. Bởi lẽ bất luận thế nào thì chính quyền Assad vẫn đang là chính quyền duy nhất hợp pháp, hợp hiến tại Syria, do vậy quyết tâm lật đổ Assad càng khiến Nga dựa vào tính hợp hiến để bảo vệ Tổng thống Assad.

Muốn lật đổ Assad thì Mỹ phải tạo ra cơ chế để người dân Syria thực hiện điều đó. Song Washington thiếu cả điều kiện cần và đủ để làm việc đó. Người dân Syria đã nhìn thấy bài học của Libya nên tại những vùng do chính phủ kiểm soát, bất cứ cuộc bầu cử nào cũng mang lại chiến thắng cho Tổng thống Assad.

Trong khi đó, phe đối lập do Washington và đồng minh hậu thuẫn lại yếu và thiếu đoàn kết. Không những vậy họ còn cực đoan đòi nắm giữ quyền lực vượt quả khả năng và thực lực. Phe đối lập chính là nguyên nhân khiến cho mọi cuộc đàm phán về hòa bình ở Syria đều thất bại. Trong khi Washington lại không thể tài trợ mạnh hơn cho lực lượng này.

Không những vậy, khi xác định Tổng thống Assad là yếu tố mấu chốt để giải quyết vấn đề hòa bình cho Syria, vô hình trung Washington đã củng cố vai trò đạo diễn của Moscow trong ván cờ này, bởi Nga đang nắm quân cờ quan trọng nhất. Như vậy, mọi nước cờ mà Mỹ thực hiện đều phải tính đến quân cờ này và đương nhiên phải tính tới vai trò của Moscow.

Có thể thấy gần đây, Mỹ và đồng minh đã không đòi ông Assad rời bỏ quyền lực làm điều kiện tiên quyết cho ván cờ Syria nữa. Đây là nước cờ tàn của Mỹ bởi Tổng thống Obama đã tỏ ra quá chậm so với Putin. Assad bây giờ khác với Assad của những năm 2013-2015. Muốn lật đổ Assad lúc này là phải thực hiện bằng bom đạn, song điều đó sẽ khiến Mỹ phải trả giá.

Quân nổi dậy Syria sử dụng pháo tự tạo tại mặt trận Aleppo - Ảnh: Reuters

EU sẽ giúp Nga phá thế cấm vận của Mỹ

Có thể thấy, EU phải hứng chịu hiệu ứng “quýt làm cam chịu” trong vấn đề dân nhập cư từ Syria là một nguy cơ đối với lệnh cấm vận của Mỹ và đồng minh đối với Nga. Mỹ và Nga càng cù cưa trong giải quyết vấn đề Syria thì càng khiến cho EU thêm nặng gánh trong vấn đề dân nhập cư.

EU phải trả giá rất nặng nề bởi vấn nạn dân nhập cư. Xã hội bất ổn, mâu thuẫn giữa các nước thành viên EU có nguyên nhân quan trọng từ vấn đề dân nhập cư. Nước Anh chọn rời EU (Brexit) cũng có nguyên nhân từ vấn nạn dân nhập cư. Brussels vừa phải đưa tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ “xài”, vừa bị Ankara “chửi” vì vấn nạn dân nhập cư. Vậy mà Tổng thống Erdogan vẫn chưa vừa lòng.

Đặc biệt là sự kiện Hungary thực hiện trưng cầu ý dân về tiếp nhận dân nhập cư khiến cho EU rạn nứt, thậm chí có nguy cơ tan rã. Trong khi đó, Washington và Moscow vẫn không giải quyết dứt điểm ván cờ Syria để hạn chế người dân Syria rời bỏ đất nước. EU có ngăn chặn dân nhập cư cũng không được nếu chiến tranh vẫn còn diễn ra ác liệt trên đất nước Syria.

Có lẽ thất bại trong các cuộc bầu cử vùng của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU - liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel) là lời cảnh báo nghiêm khắc gửi tới Washington. CDU và bà Merkel phải trả giá cho chính sách nhập cư thân thiện của mình.

Những con tàu chở đầy dân di cư từ Syria đến châu Âu là một trong những nguyên nhân khiến EU phá vỡ vòng vây cấm vận với Nga để hạ nhiệt chiến tranh tại Syria - Ảnh: AP

Tác động vào chính sách cấm vận Nga chính là một trong những cách thoát ra quan trọng nhất của EU. Nga và Mỹ kết thúc ván cờ Syria thì vấn đề dân nhập cư có thể được giải quyết sớm. Song với Moscow, kết thúc nước cờ đang chơi hay tạo nước cờ mới tại Syria đều phải được định giá và chấm dứt cấm vận là ưu tiên số một.

Do vậy, dù Washington cảnh báo Moscow rằng có thể Mỹ sẽ gia tăng ném bom Syria, điều đó chưa biết có lợi cho Mỹ hay không nhưng chắc chắn sẽ làm hại EU. Và đương nhiên EU sẽ nhanh chóng kết nối với Nga để tìm cách hạ nhiệt cuộc chiến. Thế là liên minh cấm vận với Mỹ có thể bị phá ngay từ chiến cuộc Syria.

Tóm lại, cho đến lúc này có thể nhận diện Washington đã thất bại trước Moscow trong ván cờ Syria. Bom Mỹ ném xuống Syria chính là giúp Moscow chặt đứt nhanh nhất những mắt xích của gọng kìm cấm vận mà Washington giăng ra đối với nước Nga sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea. Điều đó chẳng khác gì Washington tự bắn vào chân mình và nói lời tạm biệt với đồng minh.

Ngọc Việt

* Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả

Bài liên quan
Nga và Iran tăng cường hợp tác quốc phòng
Reuters đưa tin ngày 17.1, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian vừa ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược kéo dài 20 năm, qua đó tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ đã thất bại trong ván cờ Syria?