Sự đồng thuận trong nước và quốc tế có dấu hiệu rạn nứt lúc Mỹ bước vào kỳ bầu cử quốc hội giữa kỳ, trong khi châu Âu đối mặt với một mùa đông lạnh giá.

Mỹ đối mặt thách thức lớn trong việc duy trì liên minh ủng hộ Ukraine

Hoàng Vũ | 28/10/2022, 07:33

Sự đồng thuận trong nước và quốc tế có dấu hiệu rạn nứt lúc Mỹ bước vào kỳ bầu cử quốc hội giữa kỳ, trong khi châu Âu đối mặt với một mùa đông lạnh giá.

Nhà Trắng hôm 26.10 cho biết họ không nhận thấy cơ hội cho đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine tại thời điểm hiện tại trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden đang phải đối mặt với thách thức trong việc duy trì sự đồng thuận lưỡng đảng và liên minh các nước ủng hộ Ukraine để đối đầu với Nga.

Sự đồng thuận trong nước và quốc tế mà ông Biden nỗ lực xây dựng đã có dấu hiệu rạn nứt trong những ngày gần đây với cách tiếp cận của cuộc bầu cử giữa kỳ cùng một mùa đông lạnh giá ở châu Âu. Các cố vấn của ông Biden đã kết luận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như vẫn kiên quyết với quyết định của mình trong khi các nhà lãnh đạo Ukraine cũng không sẵn sàng nhượng bộ.

“Không bên nào có thể ngồi xuống và đàm phán. Mỹ sẽ để Tổng thống Volodymyr Zelensky tự đưa ra quyết định và Washington sẽ tìm cách tăng cường vị thế cho nhà lãnh đạo Ukraine trong bất kỳ tiến trình hội đàm nào có thể diễn ra”, John F. Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nói với các phóng viên hôm 26.10.

xabrjc5hrfddllxruslvenj3vq.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói về hỗ trợ an ninh cho Ukraine tại một sự kiện hồi tháng 5 - Ảnh: AP

Bình luận này được đưa ra chỉ một ngày sau khi 30 nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ rút lại lá thư gửi Tổng thống Biden yêu cầu Nhà Trắng thay đổi chiến lược đối với cuộc chiến tại Ukraine và thảo luận về khả năng đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Nga để giải quyết xung đột.

Mặc dù nhóm này đã rút lại đề xuất được đánh giá là “tiến bộ” do lo ngại lục đục ngay trong nội bộ đảng Dân chủ, nhưng đây là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng "mệt mỏi" sau 8 tháng xung đột tại Ukraine, nơi Washington đã chi phần lớn tiền thuế của người Mỹ để hỗ trợ Ukraine.

Thêm vào đó, phe Cộng hòa vốn đang có lợi thế trước cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 tới đang tích cực đưa ra những tuyên bố phản đối chiến lược hiện tại của Washington với Ukraine. Kevin McCarthy, Hạ nghị sĩ được cho là sẽ làm Chủ tịch Hạ viện nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ, hồi tuần trước đã cùng cựu Tổng thống Donald Trump lên tiếng đe dọa hạn chế viện trợ trong tương lai cho Ukraine.

Đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã xây dựng một liên minh rộng rãi cho cách tiếp cận của mình trong và ngoài nước, vài tuần tới có thể là khoảng thời gian vô cùng quan trọng. Trong khi nỗ lực hỗ trợ Ukraine vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở Mỹ, nhiều cuộc thăm dò ý kiến ​​cho thấy có một số thay đổi nhất định, đặc biệt là đối với các đảng viên Cộng hòa.

Trong cuộc khảo sát được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng trước, với 20% người Mỹ tham gia, cho biết Washington đang trợ giúp quá nhiều cho Ukraine, tăng từ 12% trong tháng 5 và 7% vào tháng 3. 32% cử tri đảng Cộng hòa nói rằng Mỹ đã làm quá nhiều thứ cho Ukraine, 11% cử tri đảng Dân chủ cũng đồng tình với ý kiến này.

Sự hoài nghi của một bộ phận cử tri Mỹ cho thấy nếu đảng Cộng hòa chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sẽ có thể là “dấu chấm hết” cho viện trợ của Mỹ đối với Ukraine trong tương lai.

57 đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện và 11 thành viên Thượng viện đã bỏ phiếu chống lại khoản hỗ trợ 40 tỉ USD cho Ukraine vào tháng 5. Song, một số đảng viên đảng Cộng hòa khác lại kiên định ủng hộ Ukraine, đáng chú ý nhất là Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện Mỹ.

Bình luận về các động thái của phe Cộng hòa, John F. Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ tuyệt vời của lưỡng đảng trong cách tiếp cận đối với Ukraine và các loại hỗ trợ an ninh mà đang cung cấp và chúng tôi sẽ cần sự hỗ trợ đó trong tương lai. Tổng thống không lo lắng về điều đó”.

“Đây là một tình huống khó khăn và nguy hiểm đòi hỏi phải duy trì quyền lực và ở một mức độ nào đó là sự hy sinh của Mỹ. Điều quan trọng đối với tổng thống là phải làm rõ quan điểm trước Quốc hội và người dân Mỹ rằng việc hỗ trợ Ukraine là vì lợi ích quốc gia và là điều đúng đắn phải làm”, Tom Malinowski, thành viên đảng Dân chủ cho hay.

Ở bên kia bờ đại dương, các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng đang phải vật lộn trong việc vừa giải quyết xung đột tại Ukraine vừa phải “giữ ấm” trong mùa đông lạnh giá sắp tới theo những cách thức khác nhau khi Moscow vẫn đang kiểm soát nút thắt năng lượng.

Một số quốc gia thuộc khối Liên Xô (trước đây) ở Đông Âu muốn Nga phải thất bại và rút toàn bộ quân khỏi Ukraine, bao gồm cả Crimea, trong khi các nước như Đức, Pháp và Ý tin rằng điều này là không thực tế và lo ngại rằng Washington sẽ không rõ ràng về tương lai của cuộc chiến cũng như cách thức chấm dứt xung đột.

Đáng chú ý, căng thẳng cũng đã gia tăng trong vấn đề năng lượng và chiến lược phòng thủ giữa các đồng minh EU có cùng cách nhìn nhận trên. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong ngày 26.10 để thảo luận về khác biệt giữa hai nước đối với kế hoạch áp giá trần khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) do Paris hậu thuẫn, nhưng lại bị Berlin kịch liệt phản đối.

Bên cạnh đó, những đóng góp của Mỹ về quân sự và tiền bạc vượt quá những đóng góp của tất cả các đồng minh châu Âu khác và các lựa chọn chiến lược của Washington đang chiếm ưu thế. Đối với người Đức và người Pháp, việc khôi phục lại đường biên giới cho Ukraine trước khi Nga gây chiến dường như là đủ. Cả Mỹ và châu Âu đều lo kịch bản Ukraine thắng thế trên chiến trường sẽ làm “mất mặt” Nga và đẩy Moscow tới các quyết định leo thang xung đột.

Đó chính là lý do khiến Mỹ cùng Đức và Pháp hiện đang rất thận trọng trong việc quyết định các loại vũ khí nào sẽ được hỗ trợ Ukraine. Châu Âu được cho là đang dần cạn kiệt vũ khí, và các kho dự trữ dành cho mục đích phòng thủ cũng rất thấp. Có sự chênh lệch đáng kể giữa lượng vũ khí do Mỹ, Anh và Ba Lan cung cấp và những gì phần còn lại của châu Âu đang cung cấp.

Nhìn chung, phương Tây đang cung cấp cho Ukraine vũ khí “vừa đủ” để phòng vệ, song không đủ để giành lại lãnh thổ, Ulrich Speck - chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại tại Đức nhận định. “Ý tưởng của họ là không để Nga thắng, nhưng cũng không thể để Nga thua”, Speck nói.

Bài liên quan
Ông Trump đổi ứng viên Bộ trưởng Tư pháp Mỹ
Đài CNN đưa tin Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa lựa chọn quan chức tư pháp bang Florida Pam Bondi giữ chức Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, thay thế ứng viên Matt Gaetz rút lui.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ đối mặt thách thức lớn trong việc duy trì liên minh ủng hộ Ukraine