Ngân hàng Nhà nước mới đây đã lên tiếng về việc Việt Nam cùng 9 quốc gia khác bị Mỹ đưa vào danh sách cần giám sát về tiền tệ...

Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

tuyetnhung | 15/01/2020, 15:26

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã lên tiếng về việc Việt Nam cùng 9 quốc gia khác bị Mỹ đưa vào danh sách cần giám sát về tiền tệ...

Bộ Tài chính Mỹ ngày 14.1 đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”.

Cụ thể, tại báo cáo kỳ này, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa danh sách 10 quốc gia cần giám sát gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia, Thụy Sỹ và Việt Nam.

Trước thông tin Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tiền tệ, Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) đã lên tiếng cho biết, theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dự thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.

Các tiêu chí này đã được lượng hóa cụ thể tại báo cáo tháng 1.2020 như sau: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỉUSD; Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Tại báo cáo tháng 5.2019, lần đầu tiên Việt Nam trở thành 1 trong 9 quốc gia nằm trong danh sách giám sát do đáp ứng 2 tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai.

Báo cáo tháng 5.2019 cũng nêu một quốc gia vào danh sách giám sát sẽ tiếp tục được theo dõi trong hai kỳ Báo cáo tiếp theo.

Do đó, tại báo cáo tháng 1.2020, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách giám sát dù chỉ đáp ứng 1 tiêu chí về thặng dư thương mại song phương: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ 47 tỉ USD; Thặng dư cán cân vãng lai tương đương 1,7% GDP; Can thiệp mua ròng trên thị trường ngoại tệ tương đương 0,8% GDP.

Tại báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ lập danh sách giám sát gồm 10 đối tác thương mại lớn, đồng thời kết luận không có đối tác thương mại nào thao túng tiền tệ.

Với việc Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách giám sát, Vụ Chính sách Tiền tệ cho biết trong thời gian tới, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”, Vụ Chính sách Tiền tệ cho hay.

Tuyết Nhung
Bài liên quan
Tiền Việt mất giá 4,9%, NHNN sẵn sàng can thiệp nếu diễn biến bất lợi
Trước tình trạng đồng tiền Việt Nam bị mất giá 4,9% so với đầu năm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định ngân hàng sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá diễn biến bất lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nói gì?