Một văn bản hướng dẫn bị "xì", cho thấy Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) chỉ đạo nhân viên cơ quan di trú phải “moi tất cả thông tin liên quan”, nhằm xác minh một ứng viên xin tị nạn có thật sự “có nỗi sợ đáng tin” về nguy cơ bị đàn áp nếu họ trở về nước họ hay không.

Mỹ siết chặt xét quy trình xác minh hồ sơ người xin tị nạn

Trần Trí | 20/02/2017, 18:58

Một văn bản hướng dẫn bị "xì", cho thấy Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) chỉ đạo nhân viên cơ quan di trú phải “moi tất cả thông tin liên quan”, nhằm xác minh một ứng viên xin tị nạn có thật sự “có nỗi sợ đáng tin” về nguy cơ bị đàn áp nếu họ trở về nước họ hay không.

DHS soạn văn bản hướng dẫn mới này để nhân viên di trú tăng tốc trục xuất, bằng cách sớm bác đơn xin tị nạn trong qui trình xác minh, theo Reuters.

Văn bản hướng dẫn mới nằm trong một bản nháp đề ngày 17.2, chỉ đạo nhân viên di trú và xét tị nạn chỉ chấp nhận đơn của ứng viên có nhiều cơ hội được tị nạn nhất, nhưng không nêu rõ tiêu chuẩn xác định nguy cơ họ bị ngược đãi nếu họ trở về nước.

3 nguồn tin cho biết bản nháp nói mục đích chính là nâng mức xác minh ban đầu, nhằm tránh cho các tòa án bị quá tải vì đơn khiếu nại, và giảm số người di dân được phép ở lại Mỹ nhiều năm trong khi họ đợi tòa di trú xét cấp quyền tị nạn.

Các nguồn tin nói kế hoạch của chính phủ là cho nhân viên di trú có rộng quyền xác định đơn xin tị nạn nào “có nhiều khả năng” được một tòa di trú chấp thuận.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) vào năm 2015 chỉ có 18% đơn xin tị nạn được các tòa di trú cấp quyền tị nạn. Ứng viên từ các nước có tỷ lệ đàn áp chính trị cao thì có nhiều cơ hội được cấp quyền tị nạn hơn.

Bản hướng dẫn nằm trong bản nháp hai văn bản ghi nhớ có chữ ký của Bộ trưởng DHS John Kelly và đang được Nhà Trắng xem xét, theo 2 người biết chuyện.

Các bản ghi nhớ cũng có kế hoạch mở rộng những nhóm người mà nhân viên di trú xếp vào diện đối tượng bị trục xuất, và cho họ quyền trục xuất người nào. Trước đây, những người mới đến và tội phạm đã bị kết án tù là các mục tiêu trục xuất trước tiên.

Kế hoạch mới sẽ có cả di dân bị buộc tội nhưng chưa bị kết án tù, và cũng sẽ áp dụng với di dân trái phép đã ở Mỹ nhiều năm. Các bản ghi nhớ còn kêu gọi tuyển nhanh 10.000 nhân viên hải quan-di trú cùng 4.000 nhân viên tuần tra biên giới.

DHS từ chối bình luận, chuyển câu hỏi đến Nhà Trắng và nơi này không đáp ứng đề nghị bình luận.

“Nỗi sợ đáng tin” là gì?

Theo Luật di trú và quốc tịch Mỹ, một ứng viên tị nạn phải chứng minh được “nỗi sợ có cơ sở về nguy cơ bị ngược đãi chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của một nhóm xã hội đặc biệt hoặc quan điểm chính trị".

Các luật sư di trú nói bất kỳ ứng viên làm đơn xin tị nạn có vẻ đáp ứng tiêu chuẩn này trong cuộc phỏng vấn sơ bộ thì phải được phép trình bày với tòa di trú. Họ phản đối việc khuyến khích nhân viên di trú có lập trường cứng rắn hơn khi xét và loại các ứng viên.

Nhân viên di trú hoặc cơ quan xét tị nạn tiến hành phỏng vấn tiêu chuẩn “nỗi sợ đáng tin” ngay sau khi có đơn xin tị nạn, thường ở vùng biên giới hoặc ở cơ sở giam giữ, và hầu hết các ứng viên đều dễ dàng vượt qua rào cản này.

Từ tháng 7 đến tháng 9.2016, nhân viên xét tị nạn Mỹ đã chấp nhận 88% số đơn xin tị nạn đạt chuẩn có “nỗi sợ đáng tin”, theo dữ liệu của Cơ quan di trú-quốc tịch Mỹ.

Người xin tị nạn không chứng minh được “nỗi sợ đáng tin” có thể bị trục xuất nhanh chóng, trừ khi họ nộp đơn kháng nghị.

Hiện số người vượt qua rào cản này đều được thả và được phép ở lại Mỹ chờ xét duyệt quyền được tị nạn. Nhưng cuộc chờ đợi có thể kéo dài hàng năm, vì hiện có hơn 500.000 đơn xin tị nạn ở các cấp tòa di trú.

Từ tháng 10.2015 đến tháng 4.2016, gần 50.000 di dân khẳng định có được “nỗi sợ đáng tin”. 78% trong số này là người Honduras, El Salvador, Guatemala và Mexico.

Số di dân từ các nước này có được “nỗi sợ đáng tin” và đã có đơn trình tòa xin quyền tị nạn đã tăng đáng kể từ năm 2011 đến 2015, từ 13.970 vụ, lên 34.125 vụ, theo dữ liệu của DOJ.

Chuyện hậu cần phức tạp

Một số nhân viên di trú biết bản hướng dẫn nháp nói: họ lo ngại việc tăng nhanh số vụ trục xuất người xin tị nạn sẽ khiến các cơ sở giam giữ căng thẳng vìquá tải, và gây ra những rắc rối về vận chuyển.

Việc trục xuất thường mất thời gian và cần sự điều phối, thậm chí cả khi người di dân bị lọt nhanh vào nhóm phải trục xuất. Các nhân viên phải có sự chấp nhận của quốc gia của người bị trục xuất trước thì mới có thể tiến hành trục xuất.

Việc vận chuyển có thể phức tạp và tốn kém. Di dân từ các nước xa với Mỹ thì được đưa về nước bằng máy bay, trong khi người Mexico thường được chở bằng xe buýt đến biên giới.

Nhân viên DHS soạn bản hướng dẫn nói họ hy vọng mở rộng nơi giam giữ lên ít nhất 80.000 giường. Tiền mua số giường này phải được quốc hội Mỹ phê duyệt.

Họ nói số giường thêm này sẽ kết thúc cái gọi là “bắt cóc bỏ đĩa” trong đó di dân (kể cả người xin tị nạn) được tự do chờ tòa xét đơn xin tị nạn.

Văn bản hướng dẫn mới kêu gọi gia hạn giam nhốt, nhưng thừa nhận khó có thể kết thúc cách làm “bắt cóc bỏ đĩa”.

Một trợ lý của một nghị sĩ biết kế hoạch của chính phủ Mỹ, nói DHS đang xét khả năng gia hạn hợp đồng với các công ty tư nhân điều hành nhà tù như GEO Group và CoreCivic đang giam nhốt nhiều di dân bị bắt.

Người ủng hộ quyền di trú nói họ sợ việc nâng mức kiểm tra “nỗi sợ đáng tin”có thể gạt bỏ những di dân xứng đáng có quyền tị nạn, vì nhân viên xét tị nạn có thể bác các đơn được đưa ra tòa, nếu người xin tị nạn được tư vấn pháp lý.

Người xin tị nạn có quyền kháng nghị sự bác bỏ “nỗi sợ đáng tin”, yêu cầu gặp một quan tòa để chứng minh họ có thể ở lại Mỹ bằng những lý do khác, ví dụ có mối quan hệ gia đình.

Vì lý do này, việc nâng mức “nỗi sợ đáng tin” không thể ngăn chặn được dòng người xin tị nạn như chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng, theo lời cựu chỉ huy tuần tra biên phòng Mike Fisher.

Bản hướng dẫn nháp được cho là một biện pháp cứng rắn hơn với người xin tị nạn, sẽ giúp ông Trump thực hiện lời hứa khi tranh cử là kéo giảm dòng dân nhập cư và siết chặt an ninh biên giới. Ông cũng xem đấy là mối quan tâm hàng đầu trong tháng đầu tiên làm chủ nhân Nhà Trắng.

Bản hướng dẫn mới nhắm vào người xin tị nạn, là để nhân viên biên phòng thực hiện sắc lệnh hành pháp siết chặt an ninh biên phòng do ông Trump ký ngày 25.1.

Kim Hương (theo Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ siết chặt xét quy trình xác minh hồ sơ người xin tị nạn