Ngày 23.3, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho biết 1.587 lính thủy quân lục chiến Mỹ sẽ huấn luyện 6 tháng tại Úc, vào lúc Mỹ đề phòng Trung Quốc có những dấu hiệu đáng lưu tâm ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Úc

23/03/2018, 22:55

Ngày 23.3, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho biết 1.587 lính thủy quân lục chiến Mỹ sẽ huấn luyện 6 tháng tại Úc, vào lúc Mỹ đề phòng Trung Quốc có những dấu hiệu đáng lưu tâm ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Lính Mỹ lên đường đến Úc tập luyện - Ảnh: NT News

Bà Payne còn cho biết đây là đợt luân chuyển quân thứ bảy và lớn nhất, lính thủy quân lục chiến Mỹ sẽ đem theo khí tài quân sự, gồm chiến đấu cơ F-18 và trực thăng AH-1W Super Cobra, các hệ thống pháo và máy bay vận tải MC-130 Hercules. Cuộc tập luyện này sẽ kết thúc vào tháng 10 tới.

Đây là một phần trong chương trình Sáng kiến Lực lượng (Force Posture Initiatives) được công bố năm 2011 nhằm mở rộng quan hệ quốc phòng Úc - Mỹ, bảo vệ quyền lợi chung của hai nước trong việc thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bà Payne nói quân đội Mỹ giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, ổn định ở khu vực này, và chương trình trên sẽ là một phần thiết yếu trong việc bảo vệ an ninh, ổn định trong hàng chục năm tới.

Cuộc triển khai lính thủy quân lục chiến Mỹ đến Úc từng bắt đầu thực hiện năm 2011, vào lúc chính quyền Mỹ có chính sách “xoay trục về châu Á”.

Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính quyền Mỹ đã cam kết bảo đảm an ninh, ổn định khu vực, và cuộc triển khai quân là dấu hiệu cho thấy ông Trump sẵn sàng chống ảnh hưởng của Trung Quốc tại những khu vực có tranh chấp chủ quyền.

Theo Reuters, cuộc triển khai quân này sẽ chọc giận Bắc Kinh. Vì lính thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tập luyện cùng quân đội Úc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines.

Việc triển khai lính thủy quân lục chiến Mỹ cũng đe dọa làm suy yếu hơn nữa quan hệ Úc -Trung Quốc. Úc là đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng luôn giữ mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Tuy nhiên, mối quan hệ song phương đã bị tổn hại trong những tháng gần đây sau khi Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói Trung Quốc đã can thiệp không đúng vào nội bộ Úc, một cáo buộc đã gây ra phản đối hiếm hoi từ Bắc Kinh.

Trong khi đó, các nhà kế hoạch quân sự Nhật Bản chú trọng đề phòng Trung Quốc đang chiếm ưu thế trên Biển Đông, một tuyến hàng hải thương mại kết nối Nhật với các thị trường lớn gồm châu Âu và Trung Đông.

Theo Reuters, Trung Quốc đã tăng chi quân sự và chiếm ưu thế trên Biển Đông nên các chuyên gia quân sự Nhật lo ngại Bắc Kinh có thể đang chuẩn bị mở hướng ra Thái Bình Dương thông qua cụm đảo Okinawa của Nhật, nơi mà suốt nhiều năm qua đã hạn chế tầm ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc.

Tham vọng của Trung Quốc

Thời gian gần đây, Tokyo đã chứng kiến nhiều tàu chiến và máy bay quân sự Trung Quốc hoạt động ở cụm đảo Okinawa, và xem đó là mối đe dọa cho các tuyến đường biển quan trọng. Đối với Trung Quốc, hướng tiếp cận này là một phần trong mục tiêu trở thành một siêu cường toàn cầu.

Giáo sư Nozomu Yoshitomi thuộc đại học Nihon ở Tokyo, một cố vấn của chính phủ Nhật Bản ở vai trò một nhà phân tích quân sự của Cục phòng vệ Nhật Bản (SDF) nói: “Nay, chúng tôi thậm chí ngang bằng, nhưng thực tế là Nhật đang ở chiếu dưới”.

Ngoài việc có lực lượng quân sự lớn thứ nhì châu Á, Nhật còn có sự bảo vệ của quân đội Mỹ vốn chọn Nhật là căn cứ chính ở châu Á kể từ khi kết thúc Thế chiến 2. Theo một thỏa thuận an ninh, Mỹ buộc phải giúp Nhật nếu nước này bị tấn công.

Trung Quốc đang tăng chi quân sự để xây một lực lượng chiến đấu tầm cỡ thế giới kể từ năm 2050, với những khí tài quân sự hiện đại như chiến đấu cơ tàng hình và một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, theo giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết.

Năm 2018, Bắc Kinh dự tính chi 1,11 ngàn tỉ Nhân dân tệ (175 tỉ USD) cho quân đội, nhiều hơn 3 lần so với kinh phí quân sự của Nhật Bản. Mức chi này cũng tương đương 1/3 khoản chi quân sự Mỹ của Mỹ, gồm 30.000 lính thủy quân lục chiến ở Okinawa và một đội tàu sân bay tấn công đặt căn cứ gần Tokyo.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera nói: “Tốc độ hoạt động trên biển của Trung Quốc quanh lãnh thổ Nhật đã mở rộng và tăng lên. Trung Quốc đang lập khả năng hoạt động xa bờ và đã có tàu sân bay đầu tiên cũng như đang đóng tàu sân bay thứ hai”.

Kế hoạch chi quốc phòng của Nhật cho 5 năm qua chỉ tăng 1% mỗi năm. Nhiều khả năng mức tăng sẽ như thế trong kế hoạch 5 năm sắp tới, vì ưu tiên của chính phủ Nhật là chi trợ cấp và y tế cho một tầng lớp dân số ngày càng lớn tuổi, theo một quan chức quốc phòng cho biết.

Một cố vấn quân sự khác cũng giấu tên, nói: “Tài chính là nhược điểm của chúng tôi, nhưng sức mạnh của chúng tôi là sự kiên trì của xã hội”. Ông giải thích nếu Nhật Bản có thể chịu đựng được lâu thì mối đe dọa từ Trung Quốc sẽ giảm đi vì trong tương lai sẽ xảy ra những cuộc đấu đá nội bộ, những khó khăn kinh tế hoặc từ các sự kiện khác buộc Trung Quốc phải thôi hù dọa.

Trong thời gian kiềm chế Bắc Kinh, Nhật cần có đạn dược mới, vũ khí hiện đại để có thể tấn công các mục tiêu ở xa, theo các nguồn tin biết kế hoạch quân sự Nhật.

Sách Trắng Quốc phòng Nhật công bố vào cuối năm 2018, có thể đề nghị lập trụ sở chỉ huy chung đầu tiên, nhằm điều phối hoạt động của bộ binh, không quân và hải quân cũng như tăng cường hợp tác với Mỹ, theo các nguồn tin cho Reuters biết.

Quân đội Nhật sẽ được cấp tên lửa trên bộ và trên không đủ khả năng đánh chìm tàu địch, tấn công mục tiêu địch ở xa. Và quân đội Nhật cũng sẽ đặt mua thêm chiến đấu cơ tàng hình F-35 của hãng Lockheed Martin (với cả phiên bản cất - hạ cánh thẳng đứng).

Dự kiến Sách Trắng sẽ trình bày kế hoạch tăng cường huấn luyện bộ binh SDF về chiến thuật đánh trên biển, nhằm triển khai họ đến cụm đảo Okinawa. Bộ binh SDF ở đó sẽ mạnh từ cấp tiểu đoàn lên cấp sư đoàn, theo cựu Bộ trưởng Quốc phòngh Nhật Gen Nakatani.

Bắc Kinh gây sức ép với Nhật

Như vậy, Nhật đã xem Trung Quốc là một đối thủ lớn và thách thức hơn, so với mối đe dọa là kho tên lửa ngày càng tăng của CHDCND Triều Tiên.

Nhưng khi Nhật lập kế hoạch, Trung Quốc đã thử thách khả năng phòng thủ của Nhật. Hồi đầu năm nay, một tàu ngầm Trung Quốc tiến vào vùng đảo tranh chấp Senkaku của Nhật mà Bắc Kinh đòi chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư.

Trước đó là các chuyến bay của máy bay ném bom và chiến đấu cơ của không quân Trung Quốc. Tokyo đã cảnh giác cao độ hồi tháng 11.2017, khi 6 chiếc máy bay ném bom Xian H-6 thực hiện chuyến bay trên khoảng cách 290km giữa cụm đảo Okinawa với Miyakojima. Phi vụ này có máy bay do thám điện tử TU-154 và một chiếc máy bay trinh Y-8 bay cùng.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Nhật nói chuyến bay này “giống như tập tấn công đảo Guam”, một căn cứ quân sự lớn khác của Mỹ.

Giáo sư Toshi Yoshihara ở Trung tâm chiến lược - ngân sách (ở Mỹ) nói: “Trung Quốc đã thử khả năng sẵn sàng đối phó của Nhật, để hiểu rõ khả năng phòng thủ của Nhật, và nếu hoạt động của Trung Quốc trở nên thường xuyên, họ sẽ buộc Nhật phải chấp nhận sự thật là sự hiện diện quân sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc”.

Bảo Vĩnh (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Úc