Hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết họ đã ngừng công tác tìm kiếm 3 binh sĩ mất tích trong vụ máy bay vận tải C-2 Greyhound rơi hôm 22.11.

Mỹ thôi tìm kiếm 3 người mất tích trong vụ rơi máy bay C-2

Cẩm Bình | 24/11/2017, 17:02

Hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết họ đã ngừng công tác tìm kiếm 3 binh sĩ mất tích trong vụ máy bay vận tải C-2 Greyhound rơi hôm 22.11.

Máy bay C-2 Grehound trên đường bay đến tàu sân bay USS Ronald Reagan thì bị rơi ở vùng biển đông nam đảo Okinawa của Nhật Bản. Có 8 trong tổng số 11 người trên máy bay người đã được cứu và sức khỏe đang hồi phục tốt, nhưng 3 người còn lại vẫn mất tích, dù công tác tìm kiếm đã lập tức được triển khai sau tai nạn.

Sĩ quan Hạm đội 7 cho biết tàu Ronald Reagan dẫn đầu nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn cùng Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (JMSDF). “Trong hai ngày qua, tàu và máy bay của hai lực lượng đã tìm kiếm trên khu vực rộng 1.000 hải lý vuông”, theo tuyên bố của Hạm đội 7.

Trang tin USNI News Học viện Hải quân Mỹ trước đó cho biết công tác tìm kiếm đã được mở rộng sang vùng biển Philippines.

Tàu USS Ronald Regan dẫn đầu cuộc tìm kiếm 3 người mất tích - Ảnh: Star and Stripes

Danh sách tàu và máy bay Mỹ tham gia tìm kiếm gồm: ba tàu khu trục: USS Stethem (số hiệu DDG-63), USS Chafee (DDG-90) và USS Mustin (DDG-89); máy bay trực thăng MH-60R Seahawk; máy bay P-8 và P-3 Orion. Phía Nhật có sự tham gia của hai tàu sân bay trực thăng JS Kaga (số hiệu DDH-184) và JS Ise (DDH-182); ba tàu khu trục JS Teruzuki (DD-116), JS Samidare (DD-106) và JS Shimakaze (DDG-172), theo thông cáo của Hạm đội 7.

Hạm đội 7 cho biết công tác báo tin cho gia đình các thành viên máy bay rơi đã hoàn tất. Danh tính của họ sẽ được giữ kín trong vòng 72 tiếng theo đúng chính sách của hải quân Mỹ. Hiện nguyên nhân gây tai nạn vẫn đang được điều tra.

Máy bay P-3 Orion cũng tham gia tìm kiếm - Ảnh: Blue Jacket

USNI News cho biết các máy bay C-2 thường được điều đi cùng với các nhóm tàu sân bay nhằm chuyển thư tín hoặc người đến những địa điểm nằm ngoài tầm của những máy bay trực thăng của đội tàu sân bay.

C-2 với hơn 50 năm phục vụ là một trong những máy bay lâu đời nhất của hải quân Mỹ. Mỹ đang có kế hoạch vào đầu những năm 2020 sẽ thay thế máy bay này bằng một biến thể của máy bay V-22 Osprey có động cơ có thể xoay 90 độ, vừa có thể cất cánh thẳng đứng như trực thăng, lại vừa có thể lao đi trên không trung như một máy bay động cơ cánh quạt thông thường.

Cẩm Bình (theo Reuters, USNI News)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ thôi tìm kiếm 3 người mất tích trong vụ rơi máy bay C-2