Tiểu bang Indiana (Mỹ) đang phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ chưa từng có từ phía dư luận sau khi thông qua 'Luật khôi phục tự do tín ngưỡng' vào tuần trước, gián tiếp hợp pháp hóa những hành vi kỳ thị người LGBT (Đồng tính, song tính & chuyển giới) tại đây. Nhiều chuyên gia nhận định hành động này sẽ khiến cho tiểu bang Indiana hứng chịu nhiều thiệt hại, bao gồm cả lĩnh vực kinh tế.
Ngay sau khi "Luật khôi phục tự do tín ngưỡng" ("Religious Freedom Restoration Act", gọi tắt là RFRA) được chính quyền tiểu bang Indiana thông qua, Thống đốc Mike Pence đã trở thành mục tiêu công kích của dư luận và truyền thông quốc tế.
Show truyền hình Saturday Night Live công khai chế giễu vụ việc. Nhiều ngôi sao nổi tiếng như Miley Cyrus, Ashton Kucher đã sử dụng từ khóa #BoycottIndiana (tẩy chay Indiana) trên trang mạng xã hội Twitter để bày tỏ ý kiến của mình. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn từ chối tiếp tục công việc kinh doanh của mình tại đây.
|
Biểu tình phản đối luật RFRA tại tiểu bang Indiana |
Nhìn chung, tuy có tên là "Luật khôi phục tự do tín ngưỡng" thế nhưng truyền thông đều gọi đây là luật hợp pháp hóa kỳ thị.
Ngược lại, phía ủng hộ đã chỉ ra rằng có đến 19 tiểu bang khác của Mỹ cũng đã thông qua luật RFRA mà không gặp phản đối gì cả. Họ còn cho rằng ngay cả cựu Tổng thống Bill Clinton và các đảng viên Dân chủ khác đã từng ủng hộ luật RFRA liên bang vào năm 1993. Không chỉ vậy, họ còn lên tiếng cáo buộc sự phản đối đối với luật RFRA của tiểu bang Indiana là "hành vi đạo đức giả".
Hiện vẫn còn nhiều nghi vấn và thông tin trái chiều về vụ việc. Chính vì, tờ Huffingtonpost đã tập hợp lại những thông tin cần thiết về luật RFRA của tiểu bang Indiana nhằm giúp mọi người nắm rõ vụ việc.
Theo đó, trang này giải thích yếu tố khiến nhiều người bất bình với đạo luật này chính là vì thời điểm, mục đích và nội dung của nó. Luật này được thông qua ngay sau khi cơ quan lập pháp của tiểu bang Indiana không thành công trong việc bỏ phiếu đề xuất cấm kết hôn đồng giới vào năm 2014. Về nội dung, luật rõ ràng được đề ra trên tư tưởng kỳ thị nặng nề đối với người LGBT. Những người ủng hộ luật không ai khác chính là những người có tư tưởng bảo thủ, từ những nhiếp ảnh gia, người bán hoa, người làm bánh từng bị phạt vì từ chối phục vụ cho các lễ cưới đồng tính cho đến các chính trị gia chống LGBT thân cận với Thống đốc Pence.
Luật này cũng khác hẳn luật RFRA liên bang từng được thông qua vào năm 1993. Khi ấy, luật liên bang chỉ đề cập đến những việc như cho phép tù nhân Hồi giáo được để râu ngắn, hoặc cho phép nhà thờ cung cấp thức ăn cho người vô gia cư ở các công viên.
Khi so sánh nội dung luật RFRA của tiểu bang Indiana với các tiểu bang khác, nhiều chuyên gia đã kết luận "ngôn ngữ được sử dụng là không hoàn toàn giống nhau". Sau đó, trang Politifact đã bỏ phiếu với kết quả là đa số các chuyên gia thẩm định công nhận sự khác biệt trong luật của tiểu bang Indiana. Nhiều nguồn thông tin khác như Lambda Legal, ThinkProgress với sự tham gia của các giáo sư, các nhà làm luật trên khắp nước Mỹ cũng đã lên tiếng phân tích.
Theo đó, luật RFRA của tiểu bang Indiana khác biệt chính ở 3 điểm sau:
- Chỉ có phía cá nhân là người chịu thiệt. Luật của Indiana chỉ rõ rằng nó chỉ được áp dụng giữa phía các cá nhân với nhau, còn phía chính phủ sẽ hoàn toàn không liên quan. Trong khi ở những tiểu bang khác, luật này áp dụng cả với chính phủ lẫn cá nhân.
- Hoàn toàn không có năng lực trách nhiệm. Luật của Indiana chỉ rõ một người có thể đòi quyền miễn trừ tôn giáo với bất kỳ luật lệ nào, dù luật đó có ảnh hưởng đến tôn giáo của họ hay không. Và họ hoàn toàn không có năng lực trách nhiệm nào về mặt luật pháp miễn là họ được cho là thành thật.
- Một số tập đoàn được giao quyền lợi đặc biệt. Luật của Indiana đưa ra những quyền lợi tôn giáo đặc việt cho một số tập đoàn và doanh nghiệp, miễn là có những cá nhân “kiểm soát và giữ vững quyền sở hữu” những doanh nghiệp này.
Nhiều ý kiến cho rằng những thay đổi này là kết quả của các vụ kiện tụng về quyền đồng tính diễn ra trong thời gian gần đây. Theo đó, nhiều người đã bị kiện vì từ chối phục vụ cho khách hàng đồng tính và thua kiện. Thế nhưng với sự ra đời của RFRA ở tiểu bang Indiana, kết quả của những vụ kiện tương tự sẽ hoàn toàn thay đổi. RFRA hoàn toàn đứng về phía có lợi cho người bị kiện. Luật này cho phép các doanh nghiệp, tổ chức hay dịch vụ từ chối khách hàng LGBT nếu điều đó ảnh hưởng đến tín ngưỡng của họ.
Khi các nhà làm luật tại tiểu bang Georgia chuẩn bị thông qua luật RFRA có nội dung tương tự thì nó ngay lập tức bị hội đồng xem xét trì hoãn. Điều này chứng tỏ mục đích dùng luật này như một công cụ kỳ thị người LGBT của tiểu bang Indiana chứ không liên quan gì đến tự do tín ngưỡng.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc luật RFRA của tiểu bang Indiana bị bãi bỏ là điều khó thể xảy ra. Ngay cả Thống đốc Pence dù đã khẳng định kỳ thị không phải là "giá trị của Indiana" nhưng cũng nói rõ ông không ủng hộ luật bảo về người LGBT khỏi kỳ thị, và cũng sẽ không thêm đoạn chống kỳ thị vào RFRA của bang.
Điều này sẽ không chỉ làm tổn hại cộng đồng LGBT hiệu đang sinh sống tại đây mà ngay chính tiểu bang này cũng sẽ phải đối mặt với nhiều tổn thất không tránh khỏi, đặc biệt là ở lĩnh vực tài chính và kinh tế. Nhiều doanh nghiệp lớn đã nhanh chóng lên tiếng phản đối vụ việc.
CEO Marc Benioff của Salesforce.com là một trong những người đầu tiên. Công ty của ông đã trì hoãn các thương vụ tại tiểu bang Indiana. Các công ty như EMC, Cloudera, Pivotal và Platfora cũng tiếp bước và rút tên khỏi một hội nghị doanh nghiệp sẽ được tổ chức ở thành phố Indianapolis vào tháng 5 tới.
|
Tim Cook |
CEO của "gã khổng lồ" Apple - Tim Cook, đã cho đăng một mẩu tin trên tờ The Washington Post nhằm chỉ trích đạo luật mang đậm tính kỳ thị này. Một đại diện của tổ chức Human Rights Campaign đã ca ngợi đây là "một tiếng chuông vang xa" cho phong trào phản đối.
Ở một diễn biến khác, khi tiểu bang Arkansas thông qua luật tương tự vào thứ 3 vừa qua, tập đoàn Walmart đã lập tức phản đối và yêu cầu Thống đốc Asa Hutchinson rút lại luật. Trong một thông cáo của mình, tậo đoàn này nhận định luật mới sẽ "đe dọa tinh thần mở rộng hiện đại trên toàn bang Arkansas và không thể phản ánh được giá trị mà chúng tôi tự hào gìn giữ".
Còn CEO của Marriott - Arne Sorenson, đã phát biểu: "Luật của Indiana không chỉ ngu xuẩn về phương diện kinh doanh mà còn ở các phương diện khác nữa. Việc bạn kêu gọi các doanh nghiệp tha hồ kỳ thị người khác vì bản chất của họ thật là điên khùng".
Danh sách các công ty và doanh nghiệp phản đối luật mới của tiểu bang Indiana ngày càng dài hơn. Trong đó, có thể kể đến Nike, The Gap, Levi Strauss, PayPal, Eli Lilly and Co., Roche Diagnostics, Anthem và Angie’s List.
Đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp lên tiếng ủng hộ cộng đồng LGBT. Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp và tập đoàn đã chú ý hơn đến việc đấu tranh vì quyền của người LGBT, không chỉ cho chính nhân viên của mình mà còn vì quyền lợi chung của cộng đồng. Hiện nay trong danh sách Fortune 500, đã có đến 89% công ty có các quy định chống kỳ thị dựa trên xu hướng tính dục trong môi trường làm việc. Và đã có đến 379 doanh nghiệp lớn nhỏ đã cùng ký tên ủng hộ hôn nhân đồng giới trong một tờ đơn đệ trình Tòa án tối cao.
Trong một thông cáo vào ngày 02 tháng 04, Thống đốc Mike Pence, dưới sức ép của dư luận, cho biết ông sẽ chỉnh sửa lại luật RFRA nhằm tránh những trường hợp kỳ thị người LGBT trong tương lai. Tuy nhiên, chi tiết việc chỉnh sửa vẫn chưa được công bố.
Toàn Tăng (Theo Huffington)