Mỹ-Trung căng thẳng chuyện tranh chấp biển Đông, cùng vụ IS tấn công Paris là những vấn đề sẽ thu hút sự chú ý tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong 2 ngày 18 và 19.11 tại thủ đô Manila (Philippines).

Mỹ-Trung căng thẳng chuyện tranh chấp biển Đông - Chủ đề nóng của APEC

Một Thế Giới | 16/11/2015, 13:32

Mỹ-Trung căng thẳng chuyện tranh chấp biển Đông, cùng vụ IS tấn công Paris là những vấn đề sẽ thu hút sự chú ý tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong 2 ngày 18 và 19.11 tại thủ đô Manila (Philippines).

Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo Nhật, Mexico cùng các nước khác trong khối 21 quốc gia thành viên APEC sẽ dự hội nghị được tổ chức ở một trung tâm hội nghị bên vịnh Manila.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không dự APEC, một phần do ông phải tập trung vào cuộc điều tra vụ chiếc máy bay Nga rơi ở Ai Cập ngày 31.10 khiến 224 người chết. Thay mặt ông dự APEC là Thủ tướng Dmitry Medvedev.

Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo nhiều khả năng không dự APEC bởi cần giải quyết các vấn đề trong nước, theo các quan chức Philippines.

APEC lưỡng lự việc ra tuyên bố chung lên án IS 
Chương trình làm việc của APEC 2015 tập trung vào các quan ngại thương mại - kinh tế, gồm nỗi lo về tăng trưởng kinh tế châu Á bị giảm tốc. Các nước thành viên miễn cưỡng đề cập các vấn đề an ninh và địa-chính trị.

Nhưng sự phân hóa phức tạp và căng thẳng chính trị thường phủ bóng đen lên hội nghị hằng năm này.

Vụ quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công Paris ngày 13.11 khiến ít nhất 129 người chết, hàng trăm người bị thương đã là một lựa chọn khó cho APEC. Các nhà ngoại giao cấp cao bị phân hóa khi thảo luận APEC có nên ra một tuyên bố chung lên án vụ tấn công này, hay để tự mỗi nhà lãnh đạo lên tiếng.

Sự nhượng bộ là các quan chức cuối cùng quyết định có một đoạn tố cáo bọn khủng bố trong tuyên bố chung của APEC 2015.

Một nhà ngoại giao không đồng ý đề cập vụ IS tấn công Paris trong tuyên bố chung, vì ngại IS sẽ “ngắm nghía” APEC, theo một quan chức ngoại giao Đông Nam Á giấu tên cho hãng tin AP biết. Ông nói Mỹ muốn có một phản ứng mạnh mẽ trong từ ngữ, và sự quyết định về cách phản ứng của APEC có thể thay đổi, khi các lãnh đạo gặp nhau.

Tại APEC Thượng Hải hồi tháng 10.2001 từng có tiền lệ: tuyên bố chung lên án tổ chức khủng bố Al-Qaeda tấn công New York ngày 11.9 năm đó, thề sẽ giúp nhau chống khủng bố.  

Không đưa tranh chấp biển Đông vào hội thảo APEC là "phi thực tế"
Đưa bất kỳ chủ đề an ninh vào hội thảo chính thức APEC là một vấn đề phức tạp, vì TQ sợ điều này sẽ mở đường cho việc đưa chuyện TQ đòi độc chiếm 90% biển Đông vào lịch làm việc của APEC.

Bắc Kinh từng nói chuyện tranh chấp biển Đông là rắc rối riêng của châu Á, các nước ngoài như Mỹ chớ nên xen vào.

Hiện Mỹ-Trung căng thẳng chuyện tranh chấp biển Đông, gần đây Mỹ đưa khu trục hạm, máy bay B-52 vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà TQ xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các đồng minh của Mỹ ở châu Á đã hoan nghênh hoạt động tuần tra này của Mỹ.

TQ đã cử Ngoại trưởng Vương Nghị đến Manila tuần trước, yêu cầu Philippines không nêu “các vấn đề tranh chấp” ở APEC, theo người phát ngôn Charles Jose của  Bộ Ngoại giao Philippines.   

Hai nhà ngoại giao nước này nói ông Vương đã yêu cầu Philippines “giữ uy tín chính trị” cho chuyến thăm Philippines của ông Tập.

Theo AP, Philippines là nước Đông Nam Á tỏ ra rất mạnh mẽ phản đối việc TQ đòi độc chiếm biển Đông. Việc TQ xây các đảo nhân tạo có thể sử dụng vào mục đích quân sự đã khiến Đông Nam Á lo ngại, bị Mỹ và các đồng minh chỉ trích mạnh mẽ.

Mỹ-Trung hiện đều cố giành ảnh hưởng ở châu Á, một “đấu trường” quan trọng cho quyền lợi chính trị - kinh tế. APEC là một vũ đài nữa để sự đối đầu Mỹ-Trung xảy ra.

Theo các nhà phân tích, chuyến đi Manila của ông Tập là “đi vào cơn gió nóng”. Ông Malcolm Cool của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ở Singapore) nói: “Uy tín của Mỹ trong khu vực này đang tăng, uy tín TQ bị giảm đôi chút bởi hành động của họ ở biển Đông”.

Vụ tranh chấp biển Đông cùng thỏa thuận thương mại tự do Đối tác liên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ chủ trương đạt được với 11 quốc gia vành đai Thái Bình Dương hồi tháng 10 đã nâng uy tín của ông Obama, theo Ernie Bower, Giám đốc chương trình Đông Nam Á ở Trung tâm nghiên cứu quốc tế chiến lược (CSIS, Mỹ).

Ông Bower nói: “Ông Obama và Nhà Trắng đã làm mọi việc họ cần để chuẩn bị kỹ cho một chuyến đi châu Á mạnh mẽ. Tại Manila, ông Obama sẽ được đón nhận như một nhà lãnh đạo Mỹ hướng về châu Á và nhấn mạnh quyền lợi lâu dài của Mỹ”.

Theo giới truyền thông phương Tây, ông Obama sẽ thách thức TQ về chuyện xây đảo nhân tạo trên biển Đông.

TQ muốn APEC chỉ chú trọng vào thương mại, nhưng vụ IS tấn công Pháp và việc Mỹ quan tâm tình hình biển Đông cho thấy sự mong muốn của Bắc Kinh là phi thực tế, theo Curtis S.Chin, một cựu đại sứ Mỹ làm việc tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB, trụ sở ở Manila).

Nay là nhà nghiên cứu ở tổ chức nghiên cứu Viện Milken, ông Chin nói: “Không ai có thể tách vấn đề kinh tế với chuyện không phải kinh tế trong thế giới liên thông ngày nay. Đó là điều thực tế trong cuộc chiến chống IS, cùng việc tìm một giải pháp hòa bình cho nhiều vấn đề tranh chấp lãnh thổ với TQ về vấn đề biển Đông”.
My-Trung cang thang chuyen tranh chap Bien Dong, chu de nong cua APEC-hinh-anh-1
An ninh được tăng cường ở trung tâm Manila, nơi tổ chức hội nghị APEC 2015  
Chiến dịch an ninh lớn nhất bảo vệ APEC 2015
Nữ cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice nói tranh chấp biển Đông sẽ là “vấn đề trung tâm” trong chuyến thăm Philippines 3 ngày của ông Obama (bắt đầu ngày 17.11) và khi ông dự hội nghị của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại Malaysia vào cuối tháng 11 này.

Bà Rice cũng nói ông Obama sẽ đề cập vấn đề “an ninh hàng hải, tự do hàng hải” ở biển Đông. Ông cũng sẽ cổ động cho TPP bởi “TPP là trọng tâm tầm nhìn của chúng tôi về tương lai khu vực, và vị trí của chúng tôi ở khu vực này. Đó là bước quan trọng hướng tới một khu vực thương mại tự do ở châu Á - Thái Bình Dương, và mục tiêu của chúng tôi là phục hồi các hệ thống kinh tế mà Mỹ dẫn đầu từ sau Thế chiến 2”.

TQ đã thúc đẩy nỗ lực kiểm soát kinh tế khu vực bằng chương trình Vùng thương mại tự do ở châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Từ vụ IS khủng bố Paris và thề sẽ còn mở nhiều cuộc tấn công ở nhiều nước, chính quyền Philippines mở chiến dịch bảo vệ an ninh lớn nhất cho APEC.

Quân đội nước này được đặt trong tình trạng báo động cao nhất. Tướng tư lệnh cảnh sát quốc gia Ricardo Marquez nói các bước an ninh tăng cường gồm cấm mang súng ở trung tâm Manila, siết chặt an ninh ở sân bay, hải cảng, nhà ga xe lửa và các nơi công cộng, để ngăn chặn tối đa những sự cố không thể lường trước.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã lên án vụ IS tấn công Paris. Ông nói Philippipines đứng bên Pháp, quốc gia từng ủng hộ Philippines sau cơn siêu bão Hải Yến 2013. Ông cũng kêu gọi người dân Philippines đề cao cảnh giác.

Philippines từng bị nhiều vụ tấn công khủng bố, gồm vụ đánh bom 2004 khiến 116 người chết trên một chiếc phà.

Vĩnh Thụy (theo AP)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ-Trung căng thẳng chuyện tranh chấp biển Đông - Chủ đề nóng của APEC