Nếu chính phủ không kịp thời có những biện pháp ngăn chặn phân biệt tôn giáo, xung đột giữa các phần tử Phật giáo cực đoan và người Hồi giáo rất có thể gia tăng.
Trước cổng làng Thaungtan, một tấm bảng đã được dựng lên. Bảng này có nội dung “Cấm người Hồi giáo ở lại qua đêm. Cấm người Hồi giáo thuê nhà. Cấm không được kết hôn với người Hồi giáo”.
Tấm bảng được người dân tại đây, vốn là những người theo đạo Phật, đề xuất. Họ đều đã ký tên đồng ý thực hiện theo những điều ghi trên tấm bảng này.
Về sau, một số làng trên khắp Myanmar đã bắt chước theo làng Thaungtan, dựng những tấm bảng như vậy và tạo nên những “ngôi làng chỉ của người theo đạo Phật”. Không chỉ ác ý, những tấm bảng này còn đang thể hiện một sự căng thẳng tôn giáo có thể đe dọa đến nhà nước non trẻ của bà Aung San Suu Kyi.
Sau nhiều thập kỷ sống dưới chế độ quân quản, Myanmar đã bắt đầu bước vào một thời kì mới khi đảng NLD của bà Suu Kyi thắng cử và bản thân bà cũng đang điều hành đất nước trong vai trò Cố vấn Quốc gia.
Tuy nhiên, chính phủ Myanmar mới đã gặp phải một vấn đề nhức nhối trong những tuần gần đây. Đó là vấn đề về tôn giáo. Vào tháng trước, đã có một cuộc biểu tình ở ngay trước Đại sứ quán Mỹ tại Yangon để yêu cầu các nhà ngoại giao ngừng dùng “Rohingya” để chỉ những người Hồi giáo đang sinh sống trong các trại tập trung và bản làng ở phía tây Myanmar. Theo những nhà dân tộc học người Myanmar, nhóm Hồi giáo này là những người nhập cư trái phép từ Bangladesh. Sau đó, bà Suu Kyi cũng đã lên tiếng yêu cầu vị Đại sứ mới của Mỹ không nên dùng từ “Rohingya” nữa.
Gần đây, Thura Aung Ko, Bộ trưởng phụ trách tôn giáo, cũng đã lên tiếng khen ngợi người Hồi giáo và người Hindu là những “công dân chịu hợp tác”. Tuy nhiên, trên thực tế thì vấn đề tôn giáo đã không được giải quyết tốt.
Thuangtan là một làng nhỏ có khoảng 700 cư dân, hầu hết là nông dân. Làng này hoàn toàn bị cô lập.Gần đây, người dân trong làng đã tự thành lập nên Mạng lưới Tuổi trẻ Yêu nước PYN, một tổ chức phục vụ cho việc phát triển làng và tránh để làng rơi vào tay người ngoài.Tại một ngôi chùa trong làng, một nhà sư trẻ tên Ma Ni Ta đang trò chuyện với dân làng. Nhà sư này cáo buộc chính phủ NLD không lo gì về vấn đề tôn giáo nên người trong làng phải tự đứng lên “bảo vệ tôn giáo” của mình.
Vào đầu năm 2015, có một người châu Á đã đến làng Thaungtan. Theo lời kể của dân làng, người mới đến này ban đầu sống rất tốt với hàng xóm và theo đạo Hindu. Sau đó, ông ta bắt đầu mua đất trong làng và khiến người dân nghi ngờ rằng thực ra ông là người Hồi giáo.
PYN sau đó đã phát hiện rằng người mới đến và người nhà ông ta đều không có chứng minh thư. “Họ có thể là người Bangladesh nhập cư bất hợp pháp. Nếu sống cùng họ, chúng tôi sẽ gặp nhiều rắc rối về vấn đề quyên góp hay thực hiện các nghi lễ tôn giáo”, nhà sư Ma Ni Ta cho biết.
Kyaw San Win 28 tuổi là người đàn ông bị nghi ngờ. Ông hiện cùng với một người họ hàng mở một cửa hàng đồ uống tại Yangon, cách Thaungtan 3 tiếng đi xe. Ông Win cho biết, gia đình ông theo cả đạo Hindu lẫn đạo Phật. Vào đầu năm 2015, cha của ông về hưu và muốn dọn từ Yangon về vùng quê sinh sống. Lúc đó, một người bạn đã giới thiệu làng Thaungtan và cả nhà ông đã quyết định dọn về đó.
Để cả nhà định cư tại Thaungtan, ông Win đã mua lại một căn nhà gỗ cũ. Chính từ lúc đó, các nhà sư và người dân trong làng đã không còn thân thiện với ông nữa. Và sau khi tiếp tục mua mảnh đất thứ hai để chuẩn bị xây dựng một tiệm trà thì ông đã người nhà đã bị dân làng yêu cầu rời khỏi làng.
Tại chùa, cả nhà ông Win đã bị gọi là “kalar”, một từ khiếm nhã để gọi người Hồi giáo. Thậm chí, ông Win cho biết “tôi còn ăn thịt heo trước mặt họ mà họ vẫn không tin. Họ nói tôi đang giả vờ để thực hiện một nhiệm vụ nào đó, như khủng bố chẳng hạn”. Sau đó, PYN còn đe dọa sẽ đốt nhà ông.
Sau lần đe dọa này, nhà ông luôn bị một đám thanh niên theo dõi cả ngày lẫn đêm. Đám này chạy xe máy và luôn chạy vòng quanh nhà ông trong nhiều ngày.
Ông Win cho biết, vì những người quản lý làng cho rằng ông đe dọa đến an ninh của làng nên ông quyết định sẽ bán nhà và dọn đi. “May mà chúng tôi cũng là người theo đạo Phật, nếu chúng tôi là người Hồi giáo thì chắc chắc đã xảy ra xung đột với họ”, ông Win chia sẻ.
San Htay, người họ hàng của ông Win tỏ ra bất bình vì vụ này. “Họ muốn chiếm giữ ngôi làng. Nhưng mọi người theo bất cứ tôn giáo nào cũng nên được sống tại bất cứ nơi nào trên đất nước. Mọi người đều phải bình đẳng trước luật pháp”, ông San Htay nói.
Từ vụ việc này có thể thấy, vấn đề tôn giáo lại một lần nữa trở thành vấn đề rắc rối của Myanmar. Và nếu chính phủ không có những biện pháp chống lại kì thị tôn giáo một cách mạnh mẽ hơn thì bạo lực là không thể tránh khỏi, ông Matthew Smith - giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Fortify Rights, cho biết.
Phía YPN mới đây đã lên tiếng phủ nhận việc có dính líu với Ma Ba Tha, một tổ chức dân tộc cực đoan lớn chuyên tổ chức các chiến dịch bài Hồi giáo tại Myanmar. YPN cho biết họ làm vậy chỉ để bảo vệ làng mình.
Trước vụ làng Thaungtan cũng đã có vụ nhà sư Ashin Wirathu dùng Facebook của mình để đăng những phát biểu thù hằn và tin đồn vô căn cứ với người Hồi giáo.
Người phát ngôn của Bộ tôn giáo cho biết hiện vẫn chưa nghe gì về “làng bài Hồi giáo” này.
Vào tháng 4.2016, Nanda Kyaw - một lái xe taxi người Hồi giáo đã bị hành hung ngay trước cửa chùa Shwedagon. Ông Kyaw cho biết, tới giờ ông vẫn còn thấy choáng váng.
Mặc dù đã quen với chuyện bị kì thị khi mọi người nhìn thấy chòm râu và biết ông là người Hồi giáo, nhưng vụ tấn công vào tháng 4 quả thực là quá sức tưởng tượng. Theo lời kể của ông Kyaw, đã có một nhóm thanh niên lái xe chạy song song xe ông đã dùng lời lẽ khiếm nhã xúc phạm ông, sau đó chúng chặn đầu xe rồi dùng thanh sắt đánh ông. Lúc đó, miệng và đầu ông Kyaw bê bết máu.
“Một số người đã dừng xe lại nhưng chỉ đứng ngoài quan sát. Họ biết đây là xung đột giữa người Phật giáo và người Hồi giáo nên họ không dám can thiệp”, ông Kyaw cho biết.
Ngoài ông Kyaw, ông Kyaw San Win bây giờ cũng đã hiểu được cảm giác bị kì thị và sự nguy hiểm của những kẻ cực đoan, do đó ông đã quyết định không kiện dân làng Thaungtan.
“Người dân làng Thaungtan là những kẻ hẹp hòi. Chúng tôi không muốn sống chung với họ”, người họ hàng của ông Win cho biết.
Cẩm Bình (theo The Guardian)
Ảnh: Một cuộc biểu tình chống người Hồi giáo của đảng Dân tộc Myanmar