Đầu năm mới, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với giáo sư Văn Như Cương, nhìn lại một năm của ngành giáo dục nước nhà và những mục tiêu cụ thể trong năm mới.
Ngành giáo dục trải qua một năm với nhiều hoạt động đổi mới, thầy có thể cho biết thầy ấn tượng nhất với sự thay đổi nào của ngành giáo dục nước ta?
Ấn tượng nhất vẫn phải nói đến việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) được "tích hợp" với kỳ thi đại học để thành kỳ thi "2 trong 1". Tuy có những thành công là tiết kiệm được chi phí nhưng việc này lại bộc lộ nhiều khuyết điểm, việc gộp chung mục đích của 2 kỳ thi với nhau thì hoàn toàn thất bại. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá trình độ phổ thông, kỳ thi đại học là để tuyển sinh đại học. Tôi đã từng kiến nghị việc thi phổ thông là để đánh giá trình độ phổ thông, còn việc thi đại học nên giao cho các trường tự chủ.
Trong kỳ thi vừa qua, rõ ràng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã làm thay cho Sở GD&ĐT khi quyết định việc đánh giá học sinh thay cho các trường đại học. Thậm chí học sinh thi tại các cụm thi cũng bị tách ra, thí sinh đăng ký thi đại học thì thi ở cụm liên tỉnh hoặc trung ương, còn các thí sinh còn lại thì lại thi tại địa phương. Sau này sẽ khó khăn cho các em khi đi xin việc. Việc thi tích hợp, lựa chọn các môn thi theo năng lực, sở thích cũng dễ làm các em học lệch, không chú tâm vào những môn sau này để phát triển trong xã hội.
Tiếp nữa là việc tích hợp môn Lịch sử vào các môn học khác, khi nhận được sự phản đối thì mới dừng lại. Việc phản đối thành công đã chứng minh một lần nữa Bộ GD&ĐT trước khi đưa ra một thông tin nào đó đã không khảo sát ý kiến các chuyên gia, không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về một vấn đề có tính chất lâu dài.
Giáo sư Văn Như Cương kỳ vọng nhiều trong việc thay đổi của ngành giáo dục
Vậy thầy kỳ vọng gì ở ngành giáo dục trong năm 2016?
Vấn đề đầu tiên thực hiện trong năm qua là bắt đầu đổi mới sự nghiệp giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết 29, trong đó đáng chú ý nhất là chuyện thi cử. Trong đổi mới thi cử thì quan điểm của Bộ GD&ĐT từng cho rằng phải tới năm 2017 mới đổi mới và vẫn áp dụng kỳ thi 3 chung. Đến khi có ý kiến của Phó thủ tướng thì điều đó thật sự đã thay đổi.
Qua kỳ thi tốt nghiệp THPT kết hợp với kỳ thi đại học, nếu không giải quyết những khuyết điểm còn tồn tại thì kỳ thi năm 2016 sẽ không khác gì so với năm 2015. Bộ GD&ĐT đã thông tin là sẽ tổ chức các cụm thi ở các tỉnh. Điều này sẽ mang lại tâm lý thoải mái cho học sinh khi thi cùng với các học sinh đăng ký thi đại học khác, không ảnh hưởng tới nguồn nhân lực sau này.
Bộ GD&ĐT cũng cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia giáo dục cùng các thầy cô giáo và phải đặt ra lộ trình một cách rõ ràng. Nhất là việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cần phân luồng học sinh ngay tại khi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường để học sinh có thể hiểu và chọn lựa được môn học, ngành nghề mà mình yêu thích. Theo Nghị quyết 29 thì toàn bộ kiến thức phổ thông bố trí xong ở bậc trung học cơ sở và phân luồng rõ nhất ở chính bậc học này. học sinh có thể đi học nghề ngay nếu thích. Việc này vừa định hướng cho các em, lại vừa tạo nguồn nhân lực cho đất nước, hạn chế việc thi đại học, cao đẳng ồ ạt rồi lại thất nghiệp khi ra trường.
Với các sinh viên đang học tại các trường đại học, thầy có nhắn nhủ gì khi các bạn đang băn khoăn trước việc các cử nhân thất nghiệp hàng loạt ngay sau khi ra trường?
Hiện nay, nhà nước đã ra hệ thống trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng. Nhờ các trung tâm này mà chất lượng học tại các trường đại học đã tăng lên rõ rệt. Nếu phát huy một cách hiệu quả thì người dân có thể dễ dàng nhận ra đâu là một trường đại học có chất lượng, từ đó các trường có thể nhìn vào và xem xét những điểm mạnh, điểm yếu của mình để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy sự thay đổi của ngành giáo dục hiện nay chưa thực sự rõ nét nhưng tôi tin rồi các trường sẽ định hướng đúng và đi theo con đường đánh giá chất lượng này. Các học sinh, sinh viên cần phải nghiên cứu xem bản thân mình có ưu điểm gì chứ không phải cố gắng học để lấy bằng đại học, rồi ra trường vẫn thất nghiệp, tạo gánh nặng cho xã hội. Điều lãng phí nhất của các bạn sinh viên là các bạn không định hướng được mình có thể làm gì, mình cần gì và làm tốt điều gì. Các bạn sinh viên hiện nay đang lãng phí một thứ không bao giờ lấy lại được, đó chính là tuổi trẻ.
Các bạn học sinh, sinh viên nên nhớ rằng học để có thể tận dụng những kiến thức đó khi ra trường làm việc chứ đừng học theo kiểu lý thuyết. Nhất là khi chúng ta gia nhập Cộng đồng kinh tế Asean, chúng ta phải có đủ bản lĩnh để hội nhập, không thua kém gì nước bạn từ những lao động trí óc đến lao động phổ thông. Thậm chí tay nghề của lao động nước ta hơn hẳn đất nước bạn và chính những người lao động này đang "chảy" ra ngoài để làm thêm tại các nước khác. Đó là sự lãng phí tài nguyên con người và chất xám.
Đã đến lúc các học sinh, sinh viên cần nhìn lại, ngành giáo dục cần định hướng và đi theo lộ trình nhất định để có thể tạo được cho các em một con đường đúng đắn cho tương lai, để đất nước phát triển mạnh mẽ. Đó chính là những gì mà tôi kỳ vọng nhất ở các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên hiện nay.
Cảm ơn thầy!
Minh Khuê