Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ ngành, địa phương là 53.887 tỉ đồng.

Năm 2022 tiết kiệm được gần 54.000 tỉ đồng vốn nhà nước

Hoài Lam | 23/05/2023, 12:18

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ ngành, địa phương là 53.887 tỉ đồng.

Thay mặt Chính phủ báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Cụ thể, chúng ta đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua và vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

tk.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỉ đồng.

Về quản lý nợ công, đến năm 2022, ước quy mô nợ công của Việt Nam khoảng 3,6 triệu tỉ đồng, tương đương 38% GDP (giảm so với mức 43,1% GDP năm 2021).

Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2022 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Trong năm 2022, các bộ ngành, địa phương đã mua mới 228 chiếc xe ô tô, 33 phương tiện vận tải khác và 9.971 máy móc thiết bị chuyên dùng; lũy kế từ năm 2016 đến ngày 31.12.2022 cả nước đã mua mới 4.192 xe ô tô công, 183 phương tiện vận tải khác và 29.853 máy móc, thiết bị

Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà/đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà/đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp và thực hiện di dời...

Bộ trưởng Tài chính cũng nói rằng do đại dịch COVID-19 tác động, các hoạt động lễ hội hạn chế tổ chức, đặc biệt là các lễ hội có số lượng lớn người dân và du khách tham gia tập trung đông người để phòng chống dịch, nhờ đó đã giảm được đáng kể kinh phí. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại… còn diễn biến phức tạp.

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658 về Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 với 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp để thực hiện.

tk-3.jpg
Quốc hội nghe báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022

Theo đó, các bộ ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý và sử dụng đất đai; đầu tư công; quản lý kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ; việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa...

Trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nói về cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá, phân tích, làm rõ mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức; chưa đánh giá đầy đủ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và trách nhiệm.

Ngoài ra, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao; việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia rất chậm và còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình, gây lãng phí nguồn lực nhà nước.

Thêm vào đó, việc triển khai, giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia chậm, nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, làm lãng phí nguồn lực...

tk-2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh phát biểu

Trong thời gian tới, Ủy ban Tài chính, ngân sách đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn; khẩn trương triển khai kế hoạch để hoàn thành các nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 15.

Ông Mạnh cũng đề nghị có giải pháp khắc phục ngay tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; nghiên cứu, có giải pháp mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; công khai trên các phương tiện thông tin danh sách các bộ ngành, địa phương chậm ban hành chương trình và các tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí, vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2022 tiết kiệm được gần 54.000 tỉ đồng vốn nhà nước