Ban tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định thông báo thời gian tổ chức lễ hội từ ngày 1 đến 6/2/2023 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng).

Nam Định tổ chức lễ Khai ấn đền Trần sau 3 năm tạm hoãn vì dịch COVID-19

Dạ Thảo | 06/01/2023, 06:06

Ban tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định thông báo thời gian tổ chức lễ hội từ ngày 1 đến 6/2/2023 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng).

Sau 3 năm (từ 2020 đến 2022) phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19, năm 2023, Lễ hội khai ấn Đền Trần được tổ chức trở lại vào đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão 2023. Đây là thông tin được UBND thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định cho biết tại buổi họp báo công bố về việc tổ chức lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2023 chiều 5.1. Thời gian quản lý lễ hội Đền Trần diễn ra từ ngày 22.1 đến 19.2 (tức từ mồng 1 đến 29 tháng Giêng).

Trong đó lễ Khai ấn diễn ra vào đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng Âm lịch. Thời gian phát ấn cho nhân dân, du khách thập phương bắt đầu từ 5 giờ ngày 15 tháng Giêng âm lịch.

Trong thời gian lễ hội còn có các hoạt động như lễ rước kiệu Ngọc Lộ, lễ rước nước, tế cá… cùng các hoạt động hội truyền thống gồm: Múa lân, rồng, hát chèo, chầu văn, múa rối nước, chọi gà, đấu vật, biểu diễn võ thuật…

Lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2023 tổ chức đúng vào dịp cuối tuần, cùng với việc 3 năm không tổ chức vì ảnh hưởng dịch COVID-19, Ban Tổ chức lễ hội dự báo số lượng khách về dự lễ hội sẽ tăng đột biến. Ban tổ chức bố trí 5 vòng an ninh từ ngoài cổng đến trong khuôn viên đền Trần nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, du khách thập phương dự lễ hội.

Để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, UBND thành phố Nam Định khuyến cáo nhân dân, du khách khi về tham dự lễ Khai ấn và đi lễ đầu năm tại Đền Trần cần đeo khẩu trang, thực hiện đúng các quy định của ban tổ chức lễ hội.

Phủ Thiên Trường xưa (nay thuộc tỉnh Nam Định) là nơi phát tích của Vương triều nhà Trần và được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau kinh thành Thăng Long.

Năm 1258, khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông ra lệnh thực hiện chính sách “vườn không nhà trống” tại kinh thành Thăng Long và rút lui chiến lược về phủ Thiên Trường để huy động sức mạnh toàn dân. Sau khi đánh bại quân Nguyên Mông, vào ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường, vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc. Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức “khai ấn” để tế lễ trời đất, tổ tiên; phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần.

Sau này, tại nền phủ Thiên Trường, nhân dân Nam Định đã xây dựng Khu di tích đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là: đền Thiên Trường (hay đền Thượng) thờ 14 vị vua Trần, đền Cố Trạch (hay đền Hạ) thờ Trần Hưng Đạo và đền Trùng Hoa thờ 14 vị vua Trần cùng các quan văn, võ; đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc. Hiện nay, lễ khai ấn đền Trần với những nghi thức truyền thống vẫn được bảo tồn, thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nam Định tổ chức lễ Khai ấn đền Trần sau 3 năm tạm hoãn vì dịch COVID-19