Nạn tham ô, nhũng lạm gần như hiện diện trong tất cả các triều đại, như một "nội nạn". Tuy nhiên, do vấn đề tư liệu, nên mức độ đề cập của sử sách đến vấn nạn này nhiều hay ít tuỳ vào từng triều đại.

Nạn tham nhũng ở nước Việt được ghi chép từ thời Hùng vương

15/05/2016, 06:37

Nạn tham ô, nhũng lạm gần như hiện diện trong tất cả các triều đại, như một "nội nạn". Tuy nhiên, do vấn đề tư liệu, nên mức độ đề cập của sử sách đến vấn nạn này nhiều hay ít tuỳ vào từng triều đại.

Thời nào cũng có

Nạn tham ô, nhũng lạm, hay tham nhũng là “quốc nạn”, “nội nạn” của bất kỳ một triều đại, một thiết chế chính trị nào. “Quốc nạn” này, còn gọi là nạn sâu dân, mọt nước đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự thịnh suy của triều đại mà nó can dự. Đồng thời, vấn nạn tham nhũng phản ánh sự thịnh đạt hoặc suy thoái của triều đại nào đó trong từng thời điểm lịch sử, cũng như hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, tính răn đe của pháp luật ở từng thời điểm lịch sử cụ thể.
Xét trong lịch sử dân tộc ta, các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê sơ… hầu như triều đại nào cũng có nạn sâu dân, mọt nước. Vấn đề là, nạn tham nhũng có sự hiện diện ở mức độ khác nhau làm suy yếu tiềm lực của quốc gia, dân tộc, xuống cấp đạo đức xã hội, thể chế chính trị cũng theo đó bị gãy đổ nền móng… Cũng bởi mối nguy hại ấy mà bất kỳ thể chế, triều đại nào cũng đều muốn bài trừ, tận diệt loại giặc nội xâm cực kỳ nguy hiểm này.
Vậy, người xưa nhìn nhận về tham nhũng như thế nào? Tham nhũng là gì? Theo quan điểm của người xưa, thì “tham nhũng” được hiểu là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã có để nhũng nhiễu, hạch sách tiền của của nhân dân, tham ô, bòn rút của công nhà nước (“biếm công vi tư”). Những hành động ấy nhằm mục đích làm giàu cho cá nhân, vun vén lợi ích cho bản thân một cách không chính đáng.
Khi tìm hiểu qua những chiếu chỉ của vua, những tấu sớ của quan lại, những vụ tham nhũng cụ thể thời xưa, cùng với những điển chế, luật pháp có liên quan, chúng ta thấy tham nhũng diễn ra chủ yếu ở đối tượng là những người có quyền hành, mà thường là những người “quyền cao chức trọng”. Thế nên Bãng nhan Lê Quý Đôn trong phần “Châm cảnh” (Khuyên răn) của Kiến văn tiểu lục mới có câu rằng : “giữ chức cao thì việc đầu tiên là ăn của đút”. Những trường hợp cụ thể trong sử cũ có thể minh chứng như việc tham ô của Hành khiển Đỗ Tử Bình, An phủ sứ Hồ Tông Thốc… đời Trần, Thái phó Lê Văn Linh, Quốc lão Nguyễn Xí… đời Lê sơ là những người lợi dụng chức tước, vị thế mình có trong quan trường, trong xã hội để thực hiện hành vi làm giàu bất chính thông qua việc ăn hối lộ, mua quan bán tước, tham ô tài sản nhà nước. Hành vi tham ô, nhũng lạm của họ còn được thể hiện ở cả việc tư lợi về thời gian của kẻ dưới quyền để phục vụ lợi ích của mình, hoặc dùng nhân lực công của Nhà nước để làm lợi riêng…
Ta có thể điểm xét qua tác phẩm Từ thụ yếu quy của Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) thời Nguyễn, với cái nhìn của một vị quan thuộc ý thức hệ phong kiến, chúng ta ghi nhận được cái nhìn của người xưa về nạn tham nhũng có một phạm vi bao quát lớn. Theo đó có 104 điều hối lộ không thể nhận (từ), nếu nhận sẽ trở thành kẻ tham nhũng. Có 5 trường hợp có thể nhận (thụ) mà không sợ là tham nhũng. Những điều nhận và không nhận này là đa phần dành cho kẻ làm quan, là những người đại diện cho Nhà nước, cho vua để cai trị dân. Họ đều là những kẻ nằm trong bộ máy công quyền cả.


Tổng quan tham nhũng thời Bắc thuộc
Là “nội nạn” của hầu hết vương triều, chế độ nào, nên hiện trạng tham ô, nhũng lạm gần như đều hiện diện trong các triều đại. Tuy nhiên, do vấn đề tư liệu, nên mức độ đề cập của sử sách đến vấn nạn này nhiều hay ít tuỳ vào từng triều đại.
Ở thời dựng nước đầu tiên, tức thời Văn Lang – Âu Lạc, hay còn gọi là văn minh sông Hồng, theo ghi nhận của Đại Việt sử ký toàn thư, và xa hơn nữa là cuốn sử được xem xưa nhất còn giữ lại được đến nay là Việt sử lược, ta không ghi nhận trường hợp tham nhũng cũng như ý kiến, quan điểm nào về tham nhũng, hối lộ của thời này (thế kỷ VII TCN - II TCN). Bởi, như ghi chép về thời Hùng Vương dựng nước, Việt giám thông khảo tổng luận có đánh giá là: “chăm ban đức huệ để vỗ yên dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, không lo can qua chinh chiến”… “buộc nút dây mà làm chính sự, dân không gian dối, có thể thấy được phong tục thuần hậu quê mùa vậy”.
Sau khi nước Âu Lạc của An Dương Vương bị rơi vào tay Triệu Đà năm Nhâm Tuất (179 TCN), dân tộc ta đã trải qua thời gian hơn 1.000 năm phong kiến Trung Hoa đô hộ. Với mưu đồ thống trị, đồng hóa, các quan lại phương Bắc đã dùng quyền uy của kẻ cai trị để vơ vét của cải tư lợi cho bản thân. Theo ghi chép của sử cũ, hành vi tham ô của quan lại cai trị phương Bắc nhiều trường hợp được thực hiện lộ liễu tới mức độ cao hơn nữa là cướp bóc, chiếm đoạt, như Việt sử thông lãm có ghi:
Trên tham nhũng dưới càng tham nhũng,
Lớn gian tà, bé cũng gian tà.
Thầy buông tớ chẳng đành tha,
Quan trên thít một, sai nha thặng mười.

Thời Bắc thuộc, hành động tham nhũng được ghi nhận với đối tượng chủ đạo tham ô, nhũng lạm vơ vét tiền tài, vật lực của dân ta không ai khác, chính là những tên quan đô hộ đứng đầu nước ta cùng những kẻ dưới quyền.
Về những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nạn tham nhũng của những quan cai trị phương Bắc đối với dân Việt, đó là từ chức vụ cao của họ, lại ở cách xa chính quyền trung ương nên quyền hành lớn, cùng với đó là sự dồi dào tài nguyên của nước Việt, mà Đại Việt sử ký toàn thư đã dẫn chứng: “Trước đây những người làm Thứ sử thấy đất châu có các thứ ngọc trai, lông trả, tê, voi, đồi mồi, hương lạ, gỗ tốt, nhiều người không liêm khiết, vơ vét của cải cho đầy, rồi lại xin đổi đi”. Về việc này, nhà sử học Lê Văn Hưu đã nhận xét: “Xem sử đến thời nước Việt ta không có vua, bị bọn thứ sử người Bắc tham tàn làm khổ, Bắc Kinh đường xa, không biết kêu vào đâu”. Ngay đến cả Thứ sử Giao Châu là Chu Thặng khi đến nước ta nhận chức, theo An Nam chí lược cho biết, khi nhìn thấy thực trạng này, đã phải viết thư về Trung Hoa với đại ý là đất Giao Châu là nơi xa xôi, tập tục phổ biến có sự tham ô, bọn cường hào, trưởng sử thì bạo ngược, hà hiếp bóc lột muôn dân.
Trần Đình Ba

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
25 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nạn tham nhũng ở nước Việt được ghi chép từ thời Hùng vương