Ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu chủ trương chú trọng sản xuất lúa theo định hướng chất lượng để nâng cao giá trị hạt gạo và đã mang lại hiệu quả tích cực, đủ điều kiện xuất khẩu đến các thị trường khó tính.
Chú trọng sản xuất lúa chất lượng cao
Bạc Liêu là tỉnh lấy kinh tế nông nghiệp làm chủ lực, với hơn 180.500ha đất sản xuất lúa, tổng sản lượng hơn 1 triệu tấn lúa/năm. Cây lúa đã tạo thu nhập, việc làm cho đa số nông dân tại địa phương. Thời gian qua, giá gạo xuất khẩu tăng đã đẩy giá lúa gạo ở tỉnh Bạc Liêu nói riêng và nhiều tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng theo. Đây là cơ hội để ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cơ cấu lại ngành sản xuất lúa gạo theo hướng ổn định diện tích và sản lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và giá trị hạt gạo.
Với sự biến động của giá lúa theo hướng tích cực, người trồng lúa tại Bạc Liêu cảm thấy phấn khởi vì bán được giá cao. Tuy nhiên, người nông dân vẫn còn lo lắng do chi phí, giá bán nhiều loại vật tư phục vụ cho sản xuất lúa như phân bón, thuốc… vẫn còn cao. Đồng thời, tác động của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa trong thời gian qua.
Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về giá trị của hạt gạo sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bán được giá cao. Từ đó, định hướng nông dân đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao.
Gia đình ông Nguyễn Công Dân, ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long có 1,2ha đất trồng lúa. Vụ lúa hè - thu này ông Dân xuống giống gieo sạ lúa Đài Thơm 8 trên toàn diện tích. Giá lúa tăng cao nên ông rất phấn khởi vào vụ.
“Giá lúa các vụ gần đây ở mức cao, giúp người trồng lúa có thêm lợi nhuận. Mặc dù giá lúa gạo biến động theo thị trường, nhưng tính ra vụ lúa này nông dân thu lợi gần 40 triệu đồng/ha. Khi giá lúa gạo ở mức cao nông dân sẽ chú trọng khâu chăm sóc để nâng chất lượng hạt lúa, nhất là chọn những giống lúa có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để gieo sạ nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất”, ông Dân cho biết.
Tương tự, anh Huỳnh Văn Phòng ngụ xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long vừa thu hoạch xong hơn 2ha lúa hè - thu. Vụ này, anh Phòng gieo sạ giống Đài Thơm 8, năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha. Với giá bán 8.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, anh lãi hơn 40 triệu đồng/ha.
Đến thời điểm này, bà con nông dân Bạc Liêu đã thu hoạch gần dứt điểm vụ lúa hè - thu, bình quân năng suất đạt từ 6 - 6,5 tấn/ha, giá bán từ 7.000 - 8.500 đồng/kg (tùy loại lúa và chất lượng).
Nghiên cứu lai tạo giống nhằm nâng cao giá trị hạt gạo
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu chú trọng triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo. Đồng thời, tập trung xây dựng và phát triển các vùng trồng đạt tiêu chuẩn an toàn, nhằm đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng. Hiện tại, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng được các vùng trồng lúa sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Để nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các đơn vị, ngành chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, mở rộng diện tích sản xuất áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tăng tỷ lệ diện tích lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, hữu cơ… đạt chất lượng cao, giảm giá thành sản xuất.
Thời gian qua, Trung tâm giống nông nghiệp Bạc Liêu đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về chọn tạo giống lúa mới, nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị cho hạt lúa. Một trong những kết quả nổi bật và thành công của đơn vị là nghiên cứu, chọn lọc thành công giống lúa BL9 được Cục Trồng trọt công nhận lưu hành. Đây là giống lúa chất lượng cao, thơm ngon, năng suất khá, thích nghi với điều kiện canh tác 2-3 vụ/năm và nhất là vùng sản xuất tôm - lúa của tỉnh. Qua quá trình sản xuất tại các vùng sinh thái trong tỉnh cho thấy, giống lúa BL9 ít nhiễm sâu bệnh hại, ít đổ ngã và đặc biệt là khả năng chịu mặn cao.
Ông Nguyễn Phương Hùng, Giám đốc Trung tâm giống nông nghiệp Bạc Liêu thông tin, để góp phần nâng cao giá trị hạt lúa và tích cực tham gia thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng BĐSCL đến năm 2030” thì giống lúa chất lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, đơn vị sẽ tập trung thực hiện tốt hơn công tác nghiên cứu, chọn tạo nhiều giống lúa mới trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.