Các em được tập huấn những kiến thức cơ bản về bình đẳng giới, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống quấy rối ở những nơi công cộng…
Giáo dục

Nâng cao kiến thức cho trẻ em về phòng tránh bạo lực

Thu Anh 17:53 11/12/2023

Các em được tập huấn những kiến thức cơ bản về bình đẳng giới, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống quấy rối ở những nơi công cộng…

Mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp với đối tác Plan International Việt Nam đã tổ chức tổng kết dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái”.

Mục tiêu tổng thể của dự án nhằm hướng tới các thành phố của Việt Nam an toàn, thân thiện và có trách nhiệm với các em gái.

Theo Plan International Việt Nam, tính đến tháng 12.2023, dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” đã có 1.620 em trai, em gái và nhóm LGBTIQ+ trở thành các thủ lĩnh của sự thay đổi vì bình đẳng giới và quyền của trẻ em gái. 650 giáo viên của 27 trường THCS và THPT được tập huấn về bình đẳng giới và bạo lực giới…

goc-trung-bay-tai-su-kien.jpg
Dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” đã tạo ra nhiều sự thay đổi - Ảnh: BTC

Phát biểu tại sự kiện, theo bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” được ví như một chuyến xe buýt, kéo dài 10 năm và đây là hành trình đầy thách thức. Những điều này cũng là quá trình để chúng ta rèn dũa, tạo nên những thủ lĩnh của sự thay đổi.

Bà Linh hy vọng sẽ có thêm nhiều thủ lĩnh của sự thay đổi hơn, để đảm bảo rằng thành phố của chúng ta, những chuyến xe buýt, những địa điểm công cộng và cả trong mỗi chúng ta đều có một không gian an toàn.

Ông Lê Văn Sơn - Trưởng nhóm Tư vấn đánh giá độc lập chia sẻ: “Dự án đã tạo được rất nhiều sự thay đổi tuyệt vời, xây dựng được một mạng lưới thủ lĩnh của sự thay đổi. Các em được tập huấn những kiến thức cơ bản về bình đẳng giới, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống quấy rối ở những nơi công cộng. Từ đó các em có thể lan tỏa những thông tin, nâng cao kiến thức cho trẻ em khác về cách nhận diện hành vi, phòng tránh bạo lực, quấy rối và xâm phạm”.

Theo ông Sơn, dự án cũng tạo ra một môi trường an toàn, thân thiện, giúp các em có thể bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình với các nhà lãnh đạo, những người có trách nhiệm. Đặc biệt, sau khi lắng nghe ý kiến của các em, những nhà lãnh đạo đã đưa ra quyết định quan trọng, đáp ứng sự mong muốn, bày tỏ chính đáng của các em.

Đặc biệt, ông Sơn nhấn mạnh tới sự thay đổi của phụ huynh khi họ trở nên cởi mở hơn với các em có thể hiện giới khác biệt, cũng như có sự công bằng khi đối xử giữa bé trai, bé gái.

chia-se-ket-qua-du-an-tu-nhom-danh-gia-doc-lap.jpg
Dự án đã tạo ra mạng lưới thủ lĩnh của sự thay đổi - Ảnh: BTC

Theo bà Chử Thị Hồng Yến đại diện Phòng GD-ĐT huyện Đông Anh (Hà Nội), các bạn tham gia dự án đều rất mạnh dạn và tự tin; có khả năng thuyết trình tốt, dám nói lên ý kiến của mình.

“Những gợi ý, đóng góp của các em đã giúp chúng tôi rất nhiều trong công cuộc xây dựng đề án huyện Đông Anh thành quận. Trong đó có 3 đề án lớn có sự tham vấn của các em, gồm Đề án quản lý ao hồ trên huyện Đông Anh, Đề án lắp đặt camera, Đề án trồng cây và quản lý cây xanh”, bà Yến cho biết.

Là đại diện của CLB COC - Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Trường THCS Cổ Loa, bạn Nguyễn Thanh Phương cho biết bản thân luôn nghĩ rằng việc học là việc quan trọng hơn nhưng trong quá trình tham gia CLB, các bạn được thụ hưởng những hoạt động mà dự án mang lại; trao đổi những vấn đề về giới, về bình đẳng giới…

Sau khi tham gia dự án, Thanh Phương nhận thấy bản thân có những thay đổi rõ rệt, tự tin hơn khi chia sẻ quan điểm của mình, dám nói lên tiếng nói; biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến đóng góp của mọi người.

Dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật bởi Tổ chức Plan International để bắt đầu khảo sát tiền khả thi tại TP.Hà Nội từ năm 2012.

Trong thời kỳ 2014-2016, dự án đã thí điểm tại một số trường ở huyện Đông Anh và cùng phối hợp thực hiện với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.Hà Nội thuộc Sở Giao thông vận tải.

Đến năm 2016-2020, dự án đã được Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) và Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Hà Nội triển khai những hợp phần quan trọng về truyền thông nâng cao nhận thức, định hướng chiến lược về thành phố an toàn và thân thiện cho em gái.

Giai đoạn từ tháng 7.2020 đến tháng 6.2023, dự án đã tiếp tục được Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), Vụ Bình đẳng giới, Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội và chi hội phụ nữ tại 6 quận huyện được lựa chọn (Long Biên, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Xuân và Đống Đa) triển khai mở rộng tại tất cả các trường tại huyện Đông Anh, Trường đại học Giao thông vận tải (tại Hà Nội).

Bài liên quan
Bộ GD-ĐT đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang xác minh, làm rõ vụ cô giáo bị học sinh bạo lực
Ngay sau khi nhận được thông tin một cô giáo ở Tuyên Quang bị nhóm học sinh chửi bới đe dọa, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND tỉnh làm rõ và báo cáo vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hôm nay, thí sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024
3 giờ trước Giáo dục
Từ hôm nay (2.5) đến 17 giờ ngày 10.5, Cổng đăng ký trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ mở để phục vụ thí sinh đăng ký dự thi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao kiến thức cho trẻ em về phòng tránh bạo lực