Dù chưa vào cao điểm của mùa khô nhưng nhiều tuyến đường ở các địa phương thuộc huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã bị hư hỏng nặng do sụt lún và sạt lở.
Xã Khánh Hải là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về sạt lở, sụt lún đất của huyện Trần Văn Thời. Tính đến ngày 24.2, toàn xã đã xảy ra ra 139 vụ sụt lún, sạt lở. Trong đó, có nhiều vụ sụt lún nghiêm trọng làm hư hỏng đường giao thông nông thôn, đặc biệt là những tuyến lộ bê tông có chiều rộng 3m, gây thiệt hại lớn.
Chia sẻ về vấn đề sạt lở, sụt lún đang “bủa vây”, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải Phạm Thành Được thông tin: “Các tuyến kênh Bờ tre, Đường Ranh Lớn, Cây Sộp… là những khu vực bị sạt lở, sụt lún đất gây hư hỏng lộ giao thông nông thôn. Tính riêng tuyến kênh Cây Sộp dài 3,8 km, một bên còn là lộ đất đen đã có đến 70 % bị sụt lún, sạt lở đất xuống sông”.
Theo ông Được, hiện nguy cơ tiếp tục xảy ra các vụ lở, lún đất ở các tuyến kênh trên địa bàn xã là rất cao. “UBND xã đã mua cừ tràm, chỉ đạo cho lực lượng dân quân cùng ấp và nhân dân địa phương tiến hành gia cố những đoạn có nguy cơ, quyết không để sụt lún, sạt lở lộ giao thông. Những đoạn nào đã sụp lộ xuống thì sửa chữa hoặc làm đường tạm để người dân thuận tiện đi lại. Mong muốn của xã là các cấp, các ngành cấp tỉnh, UBND huyện hỗ trợ khắc phục các đoạn đường hư hỏng này”, ông Được cho biết.
Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, UBND xã Khánh Hải đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến lộ giao thông nông thôn với chiều rộng 3m trước sự vui mừng của nhân dân ấp Trùm Thuật B. Tuy nhiên, niềm vui của bà con chưa được lâu thì nay con đường mới đã rơi vào tình cảnh sụt lún, hư hỏng.
Ông Võ Việt Tùng, ngụ ấp Trùm Thuật B, cho biết gia đình ông rất vui mừng khi con đường bê tông rộng rãi đi ngang nhà mình vừa đưa vào sử dụng. Dù vậy, không lâu sau do ảnh hưởng của nắng hạn, đoạn đường này bị sụt lún, hư hỏng một phần, với chiều dài khoảng 43m, ngang phần đất của ông Tùng.
“Do nhà và đất nông nghiệp ở gần bờ sông, lo sợ bị sạt lở nên tôi đã đầu tư hơn 400 triệu đồng làm khoảng 70 mét kè bê tông kiên cố, bảo vệ luôn phần đất nhà nước làm đường. Vụ sụt lún đất xảy ra không chỉ làm hư hại đường mà bờ kè của tôi cũng bị thiệt hại. Trước đó, khoảng 3 giờ chiều 30 Tết, trong lúc gia đình tôi đang dọn dẹp để ăn Tết thì người hàng xóm chạy qua nói, bờ kè nhà tôi sao kỳ quá nên tôi chạy ra xem thì thấy bị lún. Sau đó, tôi vừa lấy dây giăng cảnh báo cho người dân chú ý tránh bị tai nạn, một lúc sau thì đoạn đường bị sụp lún, ông Tùng cho hay.
Tình trạng sụt lún, sạt lở không chỉ diễn ra ở xã Khánh Hải mà xảy ra ở nhiều xã khác ở huyện Trần Văn Thời như: Trần Hợi, Khánh Bình, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc… đã đến mức báo động.
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Trần Văn Thời, từ ngày 1 – 20.2, toàn huyện xảy ra 111 vụ sụt lún, sạt lở. Đến ngày 24.2, con số này đã tăng lên 341 vụ với tổng chiều dài bị ảnh hưởng hơn 9km, làm thiệt hại hơn 12 tỉ đồng. Theo dự báo, mực nước trong vùng ngọt sẽ tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới và tình trạng sụt lún, sạt lở còn diễn biến phức tạp hơn.
Được biết, đa phần diện tích đất tự nhiên hơn 70.000ha của huyện Trần Văn Thời nằm trong vùng ngọt của tỉnh Cà Mau. Người dân địa phương sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Năm nay mùa mưa kết thúc sớm, hạn hán khắc nghiệt khiến cho lượng nước rút nhanh. Cùng với đó, để đảm bảo sản xuất vụ mùa, người dân đã bơn nước vào nội đồng khiến mực nước ở các tuyến sông, kênh rạch bị khô cạn. Tình trạng này gây ra chênh lệch độ cao giữa mặt đường ven sông và mực nước dưới lòng sông rất lớn, làm mất phản áp dẫn đến xảy ra sụt lún, sạt lở đất.
Trước đó, ông Nguyến Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã đi kiểm tra tình hình sụt lún, sạt lở đất trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Ông Hải chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện tốt các giải pháp đã được khuyến cáo như: triển khai cắt, tỉa hoặc đốn hạ những cây thân gỗ lớn trên tuyến lộ có nguy cơ sụt lún; thực hiện giảm tải trọng xe lưu thông nhằm hạn chế nguy cơ sụt lún những tuyến đường giao thông. Đồng thời, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất; quản lý chặt chẽ việc lấy nước ngọt tại các kênh, sông, rạch có tuyến lộ giao thông quan trọng, nguy hiểm dễ bị sạt lở.
Tình trạng sạt lở, sụt lún đất cũng từng xảy ra ở huyện Trần Văn Thời vào mùa khô các năm 2015 – 2016; 2019 – 2020. Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã dự báo trước tình hình, UBND huyện đã phối hợp thực hiện các giải pháp chủ động trữ nước ngọt và chuyển đổi cơ cấu mùa vụ nhưng không đáp ứng hết được yêu cầu thực tế. Địa phương đang khẩn trương thực hiện các giải pháp, để đảm bảo giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.
“Trước mắt, cần đảm bảo lưu thông của người dân, sau đó là đảm bảo sản xuất, đời sống. Công trình sạt lở, sụt lún nhẹ thì địa phương sẽ vận động nhân dân phối hợp, cùng khắc phục. Công trình sạt lở nhiều, huyện sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn khảo sát, tùy theo điều kiện của công trình có khắc phục phù hợp; có thể bảo vệ được thì bảo vệ không để xảy ra lún, lở gây thiệt hại”, Chủ tịchUBND huyện Trần Văn Thời thông tin.