Các chuyên gia cho rằng bên cạnh hiệu ứng tích cực, việc nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) cũng khiến thị trường có thể đối mặt với nguy cơ sụt giảm mạnh khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn.
Khả năng được nâng hạng TTCK của Việt Nam khá cao
Quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam được thể hiện ngày càng mạnh mẽ. Trong chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, mục tiêu được nhấn mạnh là phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.
Việt Nam đang được hai tổ chức quốc tế MSCI, FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số thị trường này (khoảng 30% tổng tài sản quản lý). Trên thực tế, con đường nâng hạng của TTCK Việt Nam đã được thúc đẩy từ lâu. Năm 2018, FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai. Tuy nhiên, đến kỳ đánh giá hồi tháng 3, tổ chức này vẫn giữ Việt Nam trong danh sách chờ nâng hạng. Trong khi đó, tại kỳ đánh giá tháng 6.2023, MSCI vẫn chưa đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng với lý do các tiêu chí không có thay đổi so với kỳ đánh giá một năm trước đó.
Có thể thấy, Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí của FTSE (7/9 tiêu chí) đối với xếp hạng thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging). Tuy nhiên đối với tiêu chí nâng hạng của MSCI mới đáp ứng 8/17 tiêu chí - tiêu chuẩn xếp hạng của MSCI khắt khe và không linh hoạt bằng việc phân loại của FTSE Russell.
Còn theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng, TTCK Việt Nam đã đáp ứng 8/17 tiêu chí nâng hạng của MSCI và 7/9 điều kiện của FTSE. Có 2 vấn đề cốt lõi cần tháo gỡ là: giới hạn sở hữu nước ngoài (Foreign Ownership Limit) và yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).
Theo Ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), khả năng nâng hạng TTCK Việt Nam là khá cao. Tuy nhiên, những trở ngại cần tháo gỡ của TTCK Việt Nam phụ thuộc vào nhiều bộ, ngành.
“Trong khi, vai trò của Ngân hàng Nhà nước rất quan trọng trong việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), thì phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư là vấn đề liên quan đến sở hữu nước ngoài”, đơn vị này nêu.
Cũng theo Ban Phát triển thị trường tài chính, vấn đề hạn chế giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề nhiều thị trường gặp phải, không phải riêng Việt Nam.
Thực tế mỗi thị trường cũng có cách xử lý riêng, ví dụ cổ phiếu không có quyền biểu quyết (restricted shares) tại Malaysia; cơ chế giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài tại Nhật Bản; chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) tại Thái Lan...
Nâng hạng để thu hút dòng vốn lớn về bền vững
Theo Ban Phát triển thị trường tài chính, việc được đưa vào danh sách nâng hạng TTCK của các tổ chức xếp hạng sẽ giúp Việt Nam thu hút được dòng vốn lớn hơn và ổn định hơn.
Thông thường các nhà đầu tư ưu tiên phân bổ tỷ trọng đầu tư lớn vào thị trường phát triển và mới nổi vì các thị trường này có tính ổn định cao, sản phẩm đa dạng, quy mô giao dịch lớn hơn so với cận biên.
Ví dụ TTCK của Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Qata được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 5.2014. Trước đó, trong giai đoạn 5.2013 (thời điểm công bố sẽ được nâng hạng) đến tháng 5.2014 (thời điểm chính thức được nâng hạng), các chỉ số chính của 2 thị trường này đã tăng mạnh với 47% với UAE và 46% với Qatar.
Thêm nữa, hiện các quỹ đầu tư theo phương pháp thụ động như ETFs thường tập trung đầu tư vào các thị trường mới nổi cũng sẽ tự động phân bổ một phần nguồn vốn vào các thị trường được nâng hạng. Trong khi, các quỹ đầu tư thụ động thường chỉ dành tối đa 2 - 3% nguồn vốn vào các thị trường cận biên.
Việc nâng hạng cũng tạo cơ hội để hoàn thiện thị trường, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển. Để đáp ứng được yêu cầu nâng hạng, TTCK có áp lực phải cải thiện tính minh bạch, thể chế, điều kiện giao dịch... Điều này sẽ làm cho TTCK vận hành tốt hơn, hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế.
Cùng với việc dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường nhiều hơn, các doanh nghiệp nội địa có cơ hội tiếp xúc với trình độ, kinh nghiệm quản lý mới và các doanh nghiệp này có động lực phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu mới.
Theo các chuyên gia, ảnh hưởng của các tổ chức xếp hạng TTCK ngày càng lớn, thậm chí nó còn được nhắc đến như “la bàn” dẫn dắt luồng vốn đầu tư chứng khoán toàn cầu, trong đó có luồng vốn vào Việt Nam.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các TTCK của các nhà đầu tư quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng TTCK.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trong trường hợp nếu MSCI và FTSE Russell nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi sẽ có khả năng thu hút 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030, với một số điều kiện quan trọng.
Không chỉ “màu hồng”
Tuy nhiên, Ban Phát triển thị trường tài chính cũng cho rằng việc nâng hạng TTCK cũng có thể có tác động tiêu cực đến thị trường.
Theo đó, TTCK có thể đối mặt với nguy cơ sụt giảm mạnh khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường. Việc các nhà đầu tư quốc tế rút vốn trong nhiều trường hợp không phải từ nguyên nhân nội tại của thị trường mà từ sự biến động của thị trường quốc tế.
Trong giai đoạn 2022-2023 chứng kiến dòng vốn ngoại rút khỏi các thị trường cận biên, trong đó có Việt Nam để đổ về Mỹ, khi lãi suất ở Mỹ được FED tăng cao.
Thực tế, vốn ngoại không chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng tính dẫn dắt của dòng vốn này vẫn thể hiện rõ nét.
Chẳng hạn, giai đoạn từ tháng 10.2022 tới tháng 1.2023, khối ngoại đã ồ ạt mua ròng trên thị trường Việt Nam, sau nhịp giảm mạnh của VN-Index, cùng sự xuất hiện một số thông tin hỗ trợ như đồng USD giảm giá, Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài theo đuổi chính sách “Zero-COVID”, thị trường cũng tăng mạnh và đạt đỉnh.
Tuy nhiên, khối ngoại đảo chiều bán ròng từ giữa tháng 2.2023, kéo theo đó là sự sụt giảm mạnh của TTCK từ cuối quý 1/2023. Do vậy, việc dòng vốn ngoại rút mạnh có thể gây ra tâm lý tiêu cực đối với thị trường, tạo hiệu ứng bán ra mạnh, khiến thị trường sụt giảm ở mức khó kiểm soát.
Thực tế tại một số quốc gia cho thấy việc nâng hạng TTCK không phải lúc nào cũng mang lại tác động tích cực.
Ví dụ, năm 2001, TTCK Hy Lạp được nâng hạng lên nhóm thị trường phát triển, bất chấp việc bong bóng trên thị trường mới đổ vỡ trước đó vài năm. Trong 2 năm sau khi được nâng hạng, chứng khoán Hy Lạp giảm khoảng 45%, trong khi giá trị giao dịch bình quân giảm 17%.