Trước tình trạng đồng tiền Việt Nam bị mất giá 4,9% so với đầu năm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định ngân hàng sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá diễn biến bất lợi.
Tài chính và đầu tư

Tiền Việt mất giá 4,9%, NHNN sẵn sàng can thiệp nếu diễn biến bất lợi

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung 19/04/2024 14:09

Trước tình trạng đồng tiền Việt Nam bị mất giá 4,9% so với đầu năm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định ngân hàng sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá diễn biến bất lợi.

Theo sát từng diễn biến

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú ngày 19.4 cho biết, trong 3 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước luôn theo sát diễn biến, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới có nhiều biến động, khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia mất giá khá cao, kể cả các nước có nền kinh tế mạnh, dao động từ hơn 3% đến gần 9%. Việt Nam cũng nằm trong tình trạng đó, tỷ giá hiện mất giá 4,9% so với đầu năm.

bmt_0825.jpg
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin tại cuộc họp báo

Năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất trong bối cảnh thế giới tăng lãi suất. Hiện lãi suất VNĐ âm so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng. Điều này đặt ra câu hỏi đối với sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước về điều hành chính sách tiền tệ hài hòa. Bên cạnh đó, cầu ngoại tệ cho nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất đảm bảo cũng là yếu tố khiến tỷ giá tăng thời gian qua. Ngoài ra, còn kể đến yếu tố tâm lý muốn găm giữ USD.

Ông Tú khẳng định: "Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá có diễn biến bất lợi, kể cả ngay hôm nay. Dự trữ ngoại hối những năm qua đảm bảo được khi nhà điều hành muốn can thiệp thị trường".

Sự điều hành tỷ giá linh hoạt góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu VNĐ nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VNĐ, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. "Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD", ông Tú nói.

Về điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau 4 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp; tiếp tục khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm so với cuối năm 2023.

Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31.3.2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02 đến hết năm 2024

Về định hướng điều hành thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Ngân hàng tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024; rà soát, đánh giá và đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Thông tư 02 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành đầu năm 2023, cho phép các ngân hàng thương mại cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn đến ngày 30.6.2024.

Thực tế, vừa qua nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đề xuất kéo dài chính sách này, trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, doanh nghiệp vẫn gặp khó và cần thêm thời gian có nguồn lực trả nợ vay. Trước đề xuất này, Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02 đến hết năm 2024.

Ông Tú cho hay, mức độ, liều lượng của chính sách phải đảm bảo hài hòa hai vấn đề, là chất lượng hoạt động của các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, nên trước mắt chỉ kéo dài thêm 6 tháng. Tùy theo tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét việc dừng hay gia hạn thêm hay không.

Theo Thông tư 02, các khách hàng vay đủ điều kiện sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (không nhảy nhóm nợ). Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu nợ. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng từ ngày khoản nợ đến hạn.

Sau khi cơ cấu, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình. Trong đó, dự phòng phải trích bổ sung với các khoản nợ cơ cấu lại được thực hiện theo hai giai đoạn, tối thiểu 50% vào ngày 31.12.2023 và trích đủ 100% cuối năm 2024.

Về điều hành tín dụng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31.12.2023, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng trong tháng 3 đã tăng trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Đến ngày 29.3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm trước.

Bài liên quan
Lãi suất giảm, tỷ giá bùng lên: Quan hệ biện chứng cần có sự cân bằng
Lãi suất có quan hệ biện chứng với tỷ giá, nếu lãi suất giảm thấp thì khả năng tỷ giá sẽ lại bùng lên. Vì vậy phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền Việt mất giá 4,9%, NHNN sẵn sàng can thiệp nếu diễn biến bất lợi