Các chuyên gia cho biết nhiệt độ mùa hè cao hơn do khủng hoảng khí hậu gây ra sẽ làm gia tăng các trường hợp ung thư da có khả năng gây chết người như ung thư hắc tố.
Anh đã ghi nhận mức nhiệt nóng nhất từ trước đến nay vào tháng 7, với nhiệt độ chạm mốc 40 độ C khi một đợt nắng nóng bao trùm khắp châu Âu. Các nhà khoa học khí hậu nhấn mạnh đợt nắng nóng như vậy sẽ không chỉ xảy ra một lần mà sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
Sarah Danson, Giáo sư về ung thư tại Đại học Sheffield (Anh), cho biết: "Tôi lo ngại rằng xu hướng nắng nóng kéo dài như hiện nay sẽ dẫn đến nhiều trường hợp mắc ung thư hắc tố và nhiều ca tử vong hơn".
Julia Newton-Bishop, một nhà khoa học lâm sàng đứng đầu nhóm nghiên cứu ung thư hắc tố tại Đại học Leeds (Anh), cho biết: "Ung thư tế bào hắc tố về cơ bản là do cháy nắng và thời tiết khắc nghiệt gây nên".
Theo dữ liệu từ Cancer Research UK, tỷ lệ tử vong do ung thư da ở nam giới ở Anh đã tăng hơn gấp 3 lần kể từ những năm 1970, sự gia tăng này cũng được ghi nhận ở nữ giới. Người ta cho rằng sự gia tăng này là mọi người có xu hướng thích phơi nắng trong các kỳ nghỉ nhiều hơn. Michelle Mitchell, Giám đốc điều hành của Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh cảnh báo rằng chỉ cần bị cháy nắng 2 năm/lần có thể tăng gấp 3 lần nguy cơ ung thư da.
Giáo sư Dann Mitchell, một chuyên gia về khoa học khí hậu tại Đại học Bristol (Anh), lưu ý: "Biến đổi khí hậu được thể hiện rõ khi nhiệt độ ngày càng tăng không chỉ vào mùa hè mà còn quanh năm. Người dân Anh có xu hướng ra ngoài nhiều hơn khi nhiệt độ ấm áp, điều này dẫn đến việc mọi người tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều hơn, đặc biệt là với tia UV, vốn là một yếu tố nguy cơ ung thư da".
Mitchell nói thêm rằng những hậu quả sức khỏe lâu dài của cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Karis Betts, Giám đốc thông tin y tế cấp cao tại Cancer Research UK, cho biết còn quá sớm để biết tác động của các đợt nắng nóng gần đây đối với các trường hợp ung thư da vì ung thư thường mất nhiều năm để phát triển.
"Điều quan trọng cần nhớ là tia cực tím từ mặt trời chứ không phải sức nóng là nguyên nhân gây ra cháy nắng và ung thư da", Betts cho biết.
Danson cho biết có một số biện pháp có thể thực hiện để giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tránh bị cháy nắng, bao gồm mọi người nên tránh đi dưới trời nắng từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều, ngồi trong bóng râm, che chắn bằng áo sơ mi, mũ và thoa kem chống nắng.