Ngày 27.12, Tổng thư ký NATO Mark Rutte thông báo trên mạng xã hội X rằng khối này sẽ tăng cường sự hiện diện tại biển Baltic sau loạt vụ phá hoại hạ tầng ngầm xảy ra năm nay.
Chuyển động

NATO đưa lực lượng đến biển Baltic bảo vệ hạ tầng ngầm

Cẩm Bình 28/12/2024 09:25

Ngày 27.12, Tổng thư ký NATO Mark Rutte thông báo trên mạng xã hội X rằng khối này sẽ tăng cường sự hiện diện tại biển Baltic sau loạt vụ phá hoại hạ tầng ngầm xảy ra năm nay.

Ông không cung cấp thông tin chi tiết. Nhưng thành viên NATO Estonia tuyên bố triển khai chiến dịch hải quân dọc tuyến cáp điện Estlink 1 nối nước này với Phần Lan; một thành viên khác là Thụy Điển sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển đẩy mạnh giám sát tàu thuyền, triển khai máy bay cùng tàu để phối hợp với các quốc gia khác. Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cho biết: “Chúng tôi nhất trí với Estonia cũng như đã trao đổi với Tổng thư ký Rutte về việc chúng tôi muốn có sự hiện diện mạnh mẽ hơn của NATO”.

screenshot-2024-12-28-084200.png

Động thái trên diễn ra sau khi nhiều hạ tầng ngầm gồm đường ống dẫn khí đốt, tuyến cáp viễn thông và cáp điện của các quốc gia Baltic hư hỏng bất thường từ năm 2022 đến nay. Mới đây nhất là tuyến cáp điện Estlink 2 gặp sự cố ngày 25.12, dự kiến phải ngừng hoạt động đến tháng 8 năm sau. Cảnh sát Phần Lan vừa bắt giữ tàu dầu Eagle S (thuộc sở hữu công ty Caravella LLC FZ, ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) do nghi ngờ phương tiện này kéo mỏ neo làm hư cáp.

Tháng trước, tuyến cáp viễn thông BCS East-West giữa Lithuania với Thụy Điển cùng tuyến C-Lion 1 giữa Phần Lan với Đức xảy ra gián đoạn. Công ty Viễn thông Telia Lithuania (khai thác BCS East-West) xác định sự cố không phải vì hỏng thiết bị mà vì cáp hư hỏng. Công ty Viễn thông Cinia (khai thác C-Lion 1) chưa tìm ra nguyên nhân sự cố nhưng phán đoán gián đoạn dường như do cáp bị ngoại lực tác động.

Giới chức châu Âu, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, nghi ngờ tất cả là hành vi phá hoại. Tuy nhiên Mỹ qua đánh giá sơ bộ xác định vụ việc nhiều khả năng do mỏ neo tàu kéo lê qua. Tàu Yi Peng 3 treo cờ Trung Quốc bị hoài nghi do di chuyển qua khu vực đặt hai cáp vào khoảng thời gian xảy ra gián đoạn.

Tháng 10.2022, hai đường ống khí đốt Nord Stream bị phá hoại bằng chất nổ. Đến nay vẫn chưa rõ ai đứng sau vụ việc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TS Nguyễn Văn Đáng: Cần có sự bứt phá để vị thế quốc gia lên tầm cao mới
16 giờ trước Theo dòng thời sự
TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng trên mọi phương diện, Việt Nam đều có những bước tiến rất rõ rệt. Tất cả chuyển hóa thành trạng thái, tâm thế để người Việt Nam cảm thấy cần có sự bứt phá để vị thế quốc gia lên một tầm cao mới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NATO đưa lực lượng đến biển Baltic bảo vệ hạ tầng ngầm