Nhiều luật sư cho rằng nên công bố danh tính người nhiễm loại bệnh dịch này nếu như họ đã khai báo gian dối, che giấu thông tin.

Nên hay không công bố danh tính, lịch trình người nhiễm COVID-19?

16/03/2020, 16:01

Nhiều luật sư cho rằng nên công bố danh tính người nhiễm loại bệnh dịch này nếu như họ đã khai báo gian dối, che giấu thông tin.

Nhiều người ủng hộ việc công khai danh tính người nhiễm bệnh - Ảnh: Internet

Dư luận hiện có nhiều quan điểm trái chiều về việc nên hay không nên công bố danh tính, lịch trình của người nhiễm COVID-19. Nhóm ủng hộ cho rằng cần thiết phải công khai danh tính để những người khác biết được đã từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh hay không; còn nhóm ý kiến phản đối thì cho rằng việc công bố danh tính, thông tin người nhiễm COVID-19 là trái luật, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của người bệnh.

Về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng nên công bố danh tính người nhiễm loại bệnh dịch này nếu như người nào gian dối, che giấu thông tin, không chấp hành yêu cầu cách ly.

“Khi họ đã không trung thực thì cần phải công bố danh tính của họ để cho những người đã từng tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần biết được nguy cơ đối với bản thân mình để mà đề phòng, thực hiện việc cách ly, xử lý y tế”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, người che giấu thông tin, không thực hiện yêu cầu cách ly, trốn tránh cách ly thì ngoài việc công bố thông tin về những người này còn có thể xem xét trách nhiệm pháp lý là xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không đơn giản chỉ là công bố danh tính. Tất cả các hoạt động này đều có cơ sở pháp lý và vì lợi ích chung của cộng đồng.

Cũng theo luật sư Cường, nếu người thuộc trường hợp phải cách ly, người nhiễm loại bệnh dịch này mà che giấu thông tin về lịch trình tiếp xúc, những điểm mà người đó đến, những người mà người đó đã gặp, hoặc những người trốn tránh cách ly, khai báo gian dối về thông tin y tế thì có nguy cơ cao lây nhiễm loại bệnh dịch này ra cộng đồng.

Do đó, việc công bố danh tính của những người này là hết sức cần thiết để những người từng tiếp xúc với họ biết mà phòng tránh và có những hoạt động xử lý y tế đảm bảo sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Còn với những người có thái độ thiện chí, hợp tác, trung thực, chấp hành mọi yêu cầu của cơ quan chức năng, có ý thức tốt trong việc phòng và chống dịch thì không nhất thiết phải công bố danh tính, thông tin cá nhân.

Trường hợp người nào cố ý cung cấp thông tin cá nhân của bệnh nhân vì động cơ cá nhân, nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người bị bệnh thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

“Việc công bố danh tính của người nghi nhiễm loại bệnh dịch này hoặc với người đã nhiễm bệnh chỉ nên thực hiện khi việc công bố đó vì lợi ích chung của cộng đồng, vì lợi ích công cộng, an toàn công cộng. Việc công bố này phải do cơ quan có thẩm quyền thực hiện với mục đích tích cực.

Nếu cá nhân những người không có chức năng, không có thẩm quyền mà công khai danh tính của người nhiễm COVID-19, người nghi nhiễm COVID-19 với tính chất kỳ thị, xúc phạm danh dự nhân phẩm của họ thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác”, luật sư Cường khẳng định.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), pháp luật có quy định những trường hợp ngoại lệ, theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc trong những trường hợp đặc biệt, chúng ta vẫn buộc phải công khai thông tin người bệnh để phục vụ vào công cuộc phòng ngừa đại dịch COVID-19.

Luật sư Hùng phân tích: Thử nghĩ, nếu không công khai thông tin, thì những người đã từng vô tình tiếp xúc, gặp gỡ với các F0, F1, F2, F3… làm sao biết được là mình đã từng gặp hay chưa? Như vậy, các thông tin ngày càng bị bưng bít, nhiều người F0, F1, F2, F3… mà nói dối, cung cấp thông tin thiếu về lịch trình, quá trình di chuyển thì nguy cơ đại dịch xảy ra diện rộng càng lớn.

“Chúng ta có quá nhiều bằng chứng, trường hợp cung cấp thông tin sai, thiếu để dẫn đến việc dịch bệnh lây lan nhanh như hiện nay. Nếu thông tin càng công khai chi tiết thì nhiều người biết, có ý thức phòng dịch và cần thiết chủ động khai báo y tế, cách ly khi cần thiết”, ông Hùng nói.

Theo luật sư Hùng, đánh giá một cách tổng thế thì việc công khai thông tin, lịch trình, quá trình di duyển của bệnh nhân nhiễm COVID-19 là cần thiết và bắt buộc. Đây có thể được hiểu rằng do đại dịch nên nhà nước buộc phải áp dụng biện pháp này, hay nói cách khác là trường hợp bất khả kháng…

“Có lẽ người dân nên hợp tác, tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu về cung cấp thông tin y tế, quá trình di chuyển, tình trạng sức khỏe để cùng nhà nước đấu tranh dập dịch trong thời gian sớm nhất” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho hay.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nên hay không công bố danh tính, lịch trình người nhiễm COVID-19?