Tại các đô thị hạng 2 như Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, cộng đồng LGBT đang phát triển dữ dội.

Nền kinh tế LGBT bùng nổ, đem về cho Trung Quốc 300 tỷ USD mỗi năm

Theo Zing | 24/06/2019, 00:11

Tại các đô thị hạng 2 như Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, cộng đồng LGBT đang phát triển dữ dội.

So với Bắc Kinh, Thành Đô như một thế giới khác, và là thiên đường cho cộng đồng LGBT khi họ có thể thoải mái, cởi mở để bộc lộ tính cách, con người thật của mình.

Vừa nhậu nhẹt, vừa kiếm ra tiền

23 giờ tại cửa trước AMO - một hộp đêm dành cho giới đồng tính nữ ở Thành Đô - 17 người phụ nữ ăn mặc dị thường cùng mái tóc cắt ngắn đang đón chào những “dân chơi” đến tiệc tùng. AMO, theo Quốc tế ngữ (Esperanto), mang nghĩa “tình yêu”.

Trong 17 người đó có Yang Yang, 25 tuổi, làm việc cho AMO đã hơn 3 năm kể từ lúc cô chuyển đến sinh sống tại thành phố Thành Đô. Trong thời gian đó, Yang đã kiếm đủ tiền để mua một căn gác xép rộng gần 60 m2.

“Vừa vui chơi, vừa nhậu nhẹt, lại kiếm được tiền. Còn gì có thể tuyệt hơn thế nữa?”, Yang chia sẻ.

Các nhân viên trong hộp đêm AMO. Ảnh: Bloomberg.

Cả nơi làm việc lẫn nơi ở của Yang đều là một phần trong nền kinh tế LGBT đang phát triển mạnh tại Trung Quốc, bao gồm: hệ sinh thái người tiêu dùng, công ty, người lao động. Tất cả đều nhằm mục đích phục vụ cộng đồng LGBT tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Truyền thông nước này ước tính nền kinh tế LGBT tại đây trị giá 300 tỷ USD mỗi năm, đứng thứ 3 toàn cầu, chỉ sau châu Âu và Mỹ. Nhiều công ty được cho là đang mong muốn, hào hứng khai thác sâu hơn vào nền kinh tế này.

“Các công ty có thể sẽ phát triển mạnh hơn nữa nếu làm quen với thị trường này nhiều hơn. Nhưng tôi hiểu sự thận trọng của họ, bởi mọi thứ có thể thay đổi chỉ trong tích tắc. Và tại Trung Quốc, không có gì là chắc chắn”, Darius Longarino - nghiên cứu viên về LGBT ở Trung Quốc tại trường Luật, Đại học Yale (Mỹ) - nhận định.

Thành Đô được bao quanh bởi những ngọn núi, khiến thành phố bị cô lập trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, với đất đai màu mỡ cùng tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nơi đây vẫn có thể tự cung, tự cấp.

Thành phố 16 triệu dân nổi tiếng toàn cầu về gấu trúc này đã được bầu chọn làm thủ đô của người đồng tính Trung Quốc. Cuộc bầu chọn được thực hiện thông qua Blued, một ứng dụng hẹn hò dành cho giới đồng tính.

Cộng đồng LGBT đang phát triển mạnh mẽ tại Thành Đô. Ảnh: Alamy.

Giá thuê nhà rẻ tại đây đã thu hút những người trẻ tuổi. Nhiều quán cà phê ở Thành Đô mang phong cách San Francisco và chứa đầy khách hàng thuộc thế hệ Y. Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế thành phố đạt mức 8%, cao hơn mức tăng trưởng trung bình cả nước.

“Trước khi vào đại học, có lẽ tôi chưa gặp ai đồng tính. Nhưng ở đây, tôi có cảm giác như là nhà bởi tất cả bạn thân đều là gay hoặc lưỡng tính. Khi về quê, tôi không bao giờ nói với ai rằng mình là người lưỡng tính”, Katherine Gou – một sinh viên đến từ Quảng Châu và đang theo học tại Thành Đô – chia sẻ.

Tiếp cận khách hàng một cách tinh tế

Năm 2018, Trung tâm Dịch vụ Tư vấn Sức khỏe Tongle ước tính Thành Đô có đến 140.500 người đồng tính nam. Mặc dù Trung Quốc đã hợp pháp hóa chuyện đồng tính luyến ái vào năm 1997, và xóa khái niệm này khỏi danh sách các rối loạn tâm thần vào năm 2001, nhưng cộng đồng LGBT vẫn sống với đầy sự mơ hồ.

Không có luật nào chống lại cộng đồng LGBT, nhưng cũng không có luật nào bảo vệ họ khỏi sự phân biệt, đối xử. Trung Quốc không công nhận hôn nhân đồng tính. Và trước sự căng thẳng này, các tập đoàn đã cố gắng tiếp cận thị trường LGBT theo những cách tinh tế.

Đầu năm nay, Starbucks đã bán những chiếc cốc mang chủ đề cầu vồng (biểu tượng LGBT) và được in những dòng chữ ủng hộ LGBT như “Love is Love” – khẩu hiệu của cộng đồng này.

Năm 2015, sau khi Mỹ hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, Alibaba, Taobao, và Blued đã tổ chức một cuộc thi để gửi 7 cặp đồng tính đến Hollywood kết hôn, nhận được hơn 400 bài dự thi. Năm nay, các thương hiệu như Bayer, Coach, Diesel, Old Navy và Shake Shack đã tài trợ cho tuần lễ ShanghaiPRIDE – sự kiện hàng năm tại Thượng Hải dành cho cộng đồng LGBT.

Tại Thành Đô, những doanh nghiệp nhỏ cũng cho ra mắt những sản phẩm phục vụ LGBT, từ vỏ di động màu cầu vồng cho đến tòa nhà chung cư mang phong cách thân thiện với người đồng tính nữ. Những thành viên cộng đồng LGBT chia sẻ rằng đôi khi họ phải che giấu xu hướng tình dục của mình trước chủ nhà. Các cửa hàng trên trang mua sắm trực tuyến Taobao cũng hoạt động mạnh tại thị trường này.

Tuy nhiên, việc kinh doanh có thành công hay không còn tùy thuộc vào sự cho phép của chính phủ. Đơn cử, trò chơi di động Gaydorado dành cho người đồng tính thu hút 20.000 người dùng mỗi ngày. Những người chơi này chi hàng triệu nhân dân tệ mỗi tháng để mua vật phẩm trong game. Nhưng, vì Gaydorado không được chính phủ cấp phép nên người chơi Trung Quốc phải “hack” mới có thể truy cập vào, tương tự họ đã làm để chơi một số game bom tấn từ phương Tây.

Phương án tiếp cận thị trường LGBT Trung Quốc là điều quan trọng nhất, đặc biệt khi chính phủ có thể phạt doanh nghiệp vì vượt qua những làn ranh luật pháp mơ hồ. Năm 2017, ứng dụng hẹn hò cho giới đồng tính nữ Rela buộc tạm ngừng hoạt động do ủng hộ một sự kiện tại Thượng Hải để nâng cao nhận thức về quyền lợi của LGBT.

Mặc dù vậy, chính quyền Trung Quốc đôi khi cũng cởi mở về vấn đề này. Năm 2008, trong dịp Olympic Bắc Kinh, hãng thông tấn quốc gia Xinhua đã chạy quảng cáo cho hộp đêm Destination và mô tả nó như “CLB gay nóng bỏng nhất Bắc Kinh”.

“Đó như một thông điệp gửi đến phương Tây rằng cộng đồng LGBT tại Trung Quốc không thật sự sống trong một môi trường ngột ngạt”, Edmund Yang nhận xét. Ông Yang đã phát triển một quán bar thành tổ hợp 4 tầng bao gồm quán cà phê ngoài trời, phòng trưng bày nghệ thuật, trung tâm đa văn hóa, và phòng khám với dịch vụ xét nghiệm HIV miễn phí.

Năm 2016, Blued ước tính có khoảng 70 triệu người Trung Quốc trong cộng đồng LGBT, nhưng hầu hết đều không sống thoải mái hay tự tin. Cũng trong năm đó, một nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc về xu hướng tình dục tại Trung Quốc chỉ ra chỉ 5% thành viên trong cộng đồng LGBT tại nước này công khai con người thật của mình.

Blued và tổ chức vì quyền lợi người đồng tính Danlan, đã thực hiện một cuộc khảo sát với 7.500 cá nhân trong cộng đồng LGBT Trung Quốc. Hơn ½ số người được hỏi cho biết rằng những tập đoàn có chính sách ủng hộ LGBT sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng của họ. LGBT Capital đánh giá sức mua của cộng đồng LGBT tại Trung Quốc có thể lên đến 541 tỷ USD.

Diễu hành ủng hộ người đồng tính ở Thượng Hải. Ảnh: Shanghai Pride

AMO cũng đặt cược vào nền kinh tế đang bùng nổ này. Họ đã các hộp đêm tại Bắc Kinh, Thâm Quyến, Trùng Khánh, đang lên kế hoạch mở thêm một chi nhánh tại Thượng Hải trong năm nay, và mở rộng ra nhiều thành phố hơn vào năm 2020.

“Khi bắt đầu kinh doanh, chúng tôi đã không mong đợi lượng khách khổng lồ dù Thành Đô được xem như quốc gia của LGBT. Tuy nhiên, nhu cầu tìm chốn thư giãn, vui chơi và đặc biệt là hẹn hò hiện rất mạnh mẽ”, quản lý AMO, Xiao Bai nhận xét.

Theo Zing
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nền kinh tế LGBT bùng nổ, đem về cho Trung Quốc 300 tỷ USD mỗi năm