Nếu trong ngày 1 lớp học có từ 2 F0 trở lên, lớp đó có thể chuyển sang học trực tuyến. Nếu trường học có từ 2 lớp có F0 trong ngày, trường đó có thể chuyển sang dạy trực tuyến.

Nếu 2 lớp trở lên có F0 trong ngày, nhà trường có thể chuyển sang dạy trực tuyến

Hồ Quang | 28/02/2022, 19:10

Nếu trong ngày 1 lớp học có từ 2 F0 trở lên, lớp đó có thể chuyển sang học trực tuyến. Nếu trường học có từ 2 lớp có F0 trong ngày, trường đó có thể chuyển sang dạy trực tuyến.

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM vào chiều 28.2, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết trong tuần qua, số trẻ mắc COVID-19 gia tăng mạnh. Cụ thể, trẻ từ 0 đến 6 tuổi có 505 ca; từ 7 đến 11 tuổi là 1.055 ca; từ 12 đến 15 tuổi là 587 ca và 16 đến 18 tuổi có 512 ca.

Tính đến sáng nay (28.2), tại các bệnh viện nhi của TP (Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố), có 197 trẻ mắc COVID-19 đang điều trị.

neu-2-lop-hoc-tro-lenpco-f0-nha-truong-co-the-chuyen-sang-hoc-truc-tuyen-hinh-anh(1).png
Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM - Ảnh: PV

Trong khi đó, theo ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM, số học sinh, giáo viên mắc COVID-19 cũng như các trường hợp F1 trong tuần qua tiếp tục gia tăng. Việc này đang gây rất nhiều khó khăn cho các cơ sở giáo dục, giáo viên, và học sinh trong công tác phòng chống dịch.

Số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong trường học tuần qua: ngày 21.2 ghi nhận 285 trường hợp, ngày 22.2 - 219 trường hợp, ngày 23.2 - 178 trường hợp, ngày 24.2 - 185 trường hợp và ngày 25.2 - 216 trường hợp.

Trong tuần qua, ngành giáo dục thực hiện quy định mới về việc xử lý F0 và F1. Theo công văn 548 của UBND TP, đối với cấp mầm non, chỉ cần trong 1 lớp có 1 ca F0 thì cả lớp sẽ nghỉ học. Đối với học sinh từ lớp 1 trở lên, nếu 1 lớp phát hiện 1 ca F0 thì sẽ xác định 1 nhóm F1 có tiếp xúc gần. Nhóm F1 này sẽ nghỉ học, nếu đã tiêm đủ mũi vắc xin thì nghỉ 5 ngày, còn chưa tiêm vắc xin nghỉ 7 ngày. Những học sinh này, nếu xét nghiệm âm tính sẽ quay trở lại trường học trực tiếp.

Trong trường hợp 1 lớp có từ 2 ca F0 trở lên trong ngày, hoặc trong 1 trường có từ 2 lớp trở lên có F0 có thể chuyển sang học trực tuyến tùy theo kết quả đánh giá dịch tễ.

“Hiện nay TP có nhiều lớp học có từ 2 đến 3 F0 trong 1 ngày. Ngành giáo dục đã hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục đánh giá yếu tố dịch tễ của lớp đó, nếu có yếu tố phức tạp, có sự lây lan nhau thì cân nhắc lại hình thức dạy học trực tiếp, có thể chuyển sang học trực tuyến hoặc tiết chế lại số tiết học ở lớp đó.

Tương tự trong một trường, nếu trong ngày có từ 2 lớp học trở lên có F0, y tế địa phương cùng với với nhà trường sẽ đánh giá yếu tố dịch tễ và báo cáo với ban chỉ đạo phòng chống dịch quận huyện. Trên cơ sở phân tích yếu tố dịch tễ sẽ quyết định hình thức học tập tiếp theo, có thể là tiết chế lại các hoạt động của trường hoặc chuyển sang học trực tuyến”, ông Trọng chia sẻ.

Học sinh mắc COVID-19 muốn trở lại trường phải có giấy xác nhận của trạm y tế

Ông Trọng cho rằng, trong điều kiện F0, F1 đang gia tăng cộng thêm việc phải thực hiện quy định mới đang gây khó khăn và ảnh hưởng rất lớn trong việc dạy học trực tiếp. Việc gia tăng F0, F1 như hiện nay, các trường phải rất linh hoạt trong việc tổ chức dạy trực tiếp cũng như tổ chức dạy học trực tuyến.

“Số lượng học sinh thuộc diện F0, F1 gia tăng phải thực hiện cách ly y tế tại nhà, hết thời gian cách ly y tế các em lại quay trở lại trường để học trực tiếp. Do đó việc chuyển đổi giữa học trực tiếp và học trực tuyến sẽ diễn ra thường xuyên. Điều này đòi hỏi nhà trường phải tổ chức song song 2 hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến nhưng phải đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, làm sao để chất lượng dạy và học ở 2 hình thức trên được tốt nhất”, ông Trọng nhấn mạnh.

Ông Trọng mong muốn nhận được sự phối hợp của các phụ huynh để xử lý các tình huống F0, F1 nhằm đảm bảo an toàn cho các học sinh học trực tiếp; sự hỗ trợ, phối hợp của y tế cơ sở để các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch.

“Không chỉ y tế cơ sở ở nơi mà trường học trú đóng mà cả y tế cơ sở ở nơi học sinh cư trú. Sự phối hợp của các cơ sở y tế này sẽ giúp việc xử lý F0, F1 đúng quy định”, ông Trọng nói.

Liên quan đến việc các học sinh F0 điều trị tại nhà cần phải làm thủ tục gì để trở lại trường, bà Mai cho biết đối với những trường hợp F0 điều trị ở bệnh viện thì có kết quả xét nghiệm âm tính của bệnh viện hoặc CT trên 30; còn đối với học sinh F0 điều trị tại nhà, phụ huynh báo cáo với trạm y tế để ghi nhận, theo dõi. Khi đó, các trạm y tế sẽ thực hiện giám sát và xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế vào ngày thứ 5 và thứ 7 theo quy định; đồng thời cấp giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly thì sẽ được trở lại trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu 2 lớp trở lên có F0 trong ngày, nhà trường có thể chuyển sang dạy trực tuyến