Theo luật sư Trần Minh Hùng, nếu không cho người dân quyền giám sát thì vô tình đã hạn chế quyền của người dân mà Hiến pháp đã quy định. Còn CSGT làm đúng luật, đúng chuyên đề, kế hoạch và nhiệm vụ được giao thì không có vấn đề gì phải sợ việc người dân yêu cầu xuất trình kế hoạch.
Tại buổi lễ ra quân đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông chào mừng Ngày truyền thống Công an nhân dân, Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 do Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội tổ chức, thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (C67, Bộ Công an) cho biếtCSGT không phải xuất trình kế hoạch vì việc ra đường xử lý vi phạm đã được các cấp có thẩm quyền cho phép. Trên ngực cảnh sát giao thông có bảng tên, biển hiệu đàng hoàng nên người dân không được yêu cầu chuyện đó. Họ không có quyền đó.
"Khi xử lý vi phạm ngoài đường phải cứng rắn, kiên quyết đấu tranh với những trường hợp vi phạm. Khi giải thích không nghe, chống đối là phải cưỡng chế ngay", Cục trưởng Hà nói.
Về việc này, báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng (Công ty Luật Gia đình).
- Thưa ông, theo quy định của pháp luật, người dân có quyền yêu cầu CSGT xuất trình kế hoạch khi xử phạt hay không? Ôngbình luận gì khithiếu tướng Trần Sơn Hà cho rằng người dân không có quyền kiểm tra kế hoạch của CSGT?
- Luật sư Trần Minh Hùng:Hiện nay thì tôi chưa thấy có quy định chi tiết cụ thể nào quy định người dân không có quyền kiểm tra kế hoạch của CSGT và cũng không thấy có quy định cụ thể nào nào quy định người dân có quyền kiểm tra kế hoạch của CSGT.
Tuy nhiên theo quy định tại tại khoản 2 điều 14 Thông tư số 01/2016 của Bộ Công an quy định về kiểm soát thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như sau: Khi đã ghi nhận được hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của người và phương tiện tham gia giao thông qua các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, cán bộ thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát phải lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định.
Trường hợp người vi phạm yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi, thu được về hành vi vi phạm thì phải cho xem ngay nếu đã có hình ảnh, kết quả ghi thu được tại đó. Khi chưa có ngay hình ảnh, kết quả ghi, thu được, cảnh sát hướng dẫn người vi phạm xem hình ảnh, kết quả ghi thu được khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị.
Theo tôi, khi bị xử phạt hay bị dừng phương tiện nếu người bị dừng phương tiện không thấy mình vi phạm, có sự nghi ngờ không minh bạch thì người dân vẫn được yêu cầu kiểm tra kể hoạch của CSGT.
Như vậy sẽ bảo đảm được tinh thần dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Hơn nữa việc kiểm tra này cũng để chứng minh cho CSGT đó đang làm nhiệm vụ, chuyên đề được giao theo như quy định tại điều 12, khoản 2 thông tư số 01/2016 của Bộ Công an, tránh trường hợpgiả danh CSGT...
- Nếu người dân không được kiểm tra kế hoạch của CSGT thì có phải họđã bị tước đi quyền giám sát được quy định trong Hiến pháp?
- Tại khoản 2, điều 8 Hiến pháp 2013 quy định như sau: "Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền".
Ngoài ra, tại điều 6 Hiến pháp cũng quy định: "Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước".
Như vậy, nếu không cho người dân quyền này thì vô hình trungđã hạn chế quyền giám sát của người dân mà Hiến pháp đã quy định như trên.
- Có ý kiến cho rằngnhiều người vi phạm hoạnh họe, đòi kiểm tra ngược CSGT nên không cần trao cho dân việc giám sát kế hoạch của CSGT. Ôngnghĩ sao về điều này?
- Trong thực tế, có nhiều người vi phạm quay lại làm khó CSGT, cù nhầy. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ quan điểm nếu CSGT làm đúng luật, chuyên đề, kế hoạch và nhiệm vụ được giao thì không vấn đề gì phải lo sợ việc người dân yêu cầu xuất trình kế hoạch. Nếu ai yêu cầu thì mình vẫn xuất trình, đưa họ kiểm tra không vấn đề gì.
- Nếu không được giám sát CSGT, những hệ lụy nào sẽ xảy ra? Nhiều người lo ngại tình trạng giả danh, lừa đảo, lạm quyền…
- Đúng vậy, nếu không cho người dân quyền giám sát sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người giả danh cảnh sát để lừa đảo mà thực tế hiện nay đã có. Dẫn đến tình trạng lạm quyền hoặc xử phạt hay dừng phương tiện ở bất kỳ địa điểm hay thời gian nào.
Hơn nữa không không phải mọi CSGT đều có quyền dừng phương tiện để kiểm tra. Chỉ người nào được giao nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thì mới có quyền dừng phương tiện để kiểm tra và chỉ được dừng phương tiện thuộc một trong 5 trường hợp quy định tại khoản 2, điều 12 của Thông tư số 01/2016 doBộ Công an quy định. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
c) Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng cảnh sát giao thông hoặc Trưởng công an cấp huyện trở lên;
d) Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
đ) Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Ngoài ra, tại khoản 1, điều 12, Thông tư số 01/2016/TT-BCA cũng quy định về nguyên tắc dừng xe để kiểm tra là: "Việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu sau: a) An toàn, đúng quy định của pháp luật; b) Không làm cản trở đến hoạt động giao thông; c) Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật".
- Xin cảm ơn ông.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Luật Tiếp cận thông tin 2016 có quy định rõ những thông tin mà công dân không được tiếp cận gồm:
1. Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật. Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của luật này.
2. Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.
Việc kiểm tra kế hoạch của CSGT không nằm trong bí mật nhà nước, không thuộc phạm vi cấm tiếp cận của công dân.
Trí Lâm (thực hiện)