Chuyên gia Gregory B.Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI): “Lần tới, nếu một tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối với một giàn khoan ngoài khơi Việt Nam, hay một đoàn tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển Indonesia, Hoa Kỳ có thể lên tiếng kiên quyết hơn để tố cáo những hành động bất hợp pháp trên"

'Nếu Hải cảnh Trung Quốc quấy rối giàn khoan ngoài khơi Việt Nam, Mỹ sẽ lên tiếng'

17/07/2020, 11:31

Chuyên gia Gregory B.Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI): “Lần tới, nếu một tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối với một giàn khoan ngoài khơi Việt Nam, hay một đoàn tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển Indonesia, Hoa Kỳ có thể lên tiếng kiên quyết hơn để tố cáo những hành động bất hợp pháp trên"

Một tàu sân bay Mỹ - Ảnh: Internet

Sáng 14.7.2020, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã chính thức thông báo chính sách của Mỹ về Biển Đông trong đó nhấn mạnh việc bác bỏ hầu hết các yêu sách lãnh hải của Trung Quốc tại vùng biển có vị trí chiến lược. Trong tuyên bố của Bộ ngoại giao Mỹ, câu mở đầu: “Chúng tôi xin nói rõ: các yêu sách của Bắc Kinh về nguồn lợi ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch quấy nhiễu nhằm kiểm soát biển”

Hôm sau, trong cuộc hội thảo thường niên về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), trợ lý ngoại trưởng David Stilwell đã làm rõ thêm quan điểm của Mỹ. Theo RFI, trong phần trình bày tại CSIS, ông Stilwell đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các công ty quốc doanh Trung Quốc trong các hoạt động bất hợp pháp trên biển. Ông tuyên bố : “Chúng ta cần phải đưa ra ánh sáng về cung cách hoạt động của các công ty này trên thế giới, kể cả tại Đông Nam Á và Hoa Kỳ. Tại tất cả xã hội chúng ta, công dân có quyền biết được những khác biệt giữa các công ty thương mại và các công cụ của một cường quốc bên ngoài”.

Và khi được hỏi, nếu chính sách mới của Mỹ có thể dẫn đến việc trừng phạt các định chế Trung Quốc hay không, trợ lý ngoại trưởng Mỹ nói rằng khả năng này “đang được đặt trên bàn”.

Từ thái độ cứng rắn của Mỹ, chuyên gia Gregory B.Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc CSIS: “Lần tới, nếu một tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối với một giàn khoan ngoài khơi Việt Nam, hay một đoàn tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển Indonesia, Hoa Kỳ có thể lên tiếng kiên quyết hơn để tố cáo những hành động bất hợp pháp trên, khiến Trung Quốc mang tai tiếng nhiều hơn trên trường quốc tế. Cách tiếp cận này có thể càng mở rộng hơn sau tháng 11, và chính quyền mới của Mỹ khó thể quay ngược lại”.

Điều này có nghĩa là dù sau cuộc bầu cử cuối năm nay, phe nào lên nắm quyền thì cũng sẽ đi theo đường ray ngoại giao trên Biển Đông là phải tiếp tục thể hiện vai trò và sức mạnh ở khu vực này trước thách thức từ Trung Quốc.

Ông Poling cũng cho rằng: “Với chính sách mới, Trung Quốc có thể phải trả giá nhiều hơn về kinh tế. Khi tố cáo quá nhiều hành động bất hợp pháp của Trung Quốc trên biển, chính phủ Mỹ có thể minh chứng cho việc trừng phạt các công ty và định chế Trung Quốc tiến hành những hoạt động đó. Điều này dẫn đến một loạt những mục tiêu tiềm năng rộng lớn và kịp thời hơn so với các đạo luật trừng phạt của Hoa Kỳ trước đây. Các dự luật trình bày tại Quốc Hội năm 2017 và 2019 chẳng hạn, sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đào đắp, xây dựng và các hành động khác của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo”.

Thay đổi của Mỹ trong chính sách Biển Đông trước mắt sẽ làm tăng thêm căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington. Lần tới, khi Trung Quốc lại đi quấy nhiễu bất hợp pháp các láng giềng trong vùng đặc quyền của các nước này, sự đáp trả mạnh mẽ hơn của Mỹ có thể làm tâm lý dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc dâng cao. Điều đó càng khiến Trung Quốc tỏ ra ngạo mạn thay vì xuống thang xung đột với các láng giềng.

Nhưng xét về lâu dài, chính sách mới của Hoa Kỳ có thể khiến Trung Quốc phải hướng về một sự thỏa hiệp mà cộng đồng quốc tế có thể chấp nhận. Và rốt cuộc, đó là cơ hội tốt nhất để xử lý tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình.

Ngay trong lòng Trung Quốc, đã xuất hiện những lo ngại về can thiệp của Mỹ để chống lại các chiêu trò của Trung Quốc trên Biển Đông trước đây, đặc biệt là việc dùng lực lượng Hải cảnh, dân quân biển như các cú đấm sắt bọc nhung quấy nhiễu các nước láng giềng. Trên SMCP, Chen Xiangmiao, một chuyên gia của Học viện Quốc gia của Trung Quốc nghiên cứu về Biển Đông, nhận định Bắc Kinh cần đánh giá lại các chiến lược của mình ở Biển Đông trong bối cảnh quan hệ với Washington đang rơi tự do và tuyến đường biển chiến lược có thể sẽ là một ngòi nổ. Trong một kịch bản, Chen nói rằng Mỹ có thể điều lực lượng bảo vệ bờ biển tới đáp trả những gì họ coi là mối đe dọa ngày càng tăng từ các tàu bảo vệ bờ biển và dân quân biển hoạt động trên các vùng xám.

A.T (theo RFI và SCMP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Nếu Hải cảnh Trung Quốc quấy rối giàn khoan ngoài khơi Việt Nam, Mỹ sẽ lên tiếng'