Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho rằng nếu không được bơm vốn từ phía Chính phủ, tới tháng 8.2020 hãng sẽ cạn kiệt dòng tiền.

Nếu không được 'bơm' vốn, Vietnam Airlines sẽ hết tiền vào tháng 8

12/06/2020, 19:40

Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho rằng nếu không được bơm vốn từ phía Chính phủ, tới tháng 8.2020 hãng sẽ cạn kiệt dòng tiền.

Vietnam Airlines lỗ nặng vì COVID-19 - Ảnh: VNA

Đây là chia sẻ của ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines tại hội thảo về hàng không tổ chức vào chiều ngày 12.6.

Theo ông Hiền, dự báo mới nhất của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy toàn ngành hàng không sẽ bị giảm doanh thu 419 tỉ USD, dự kiến các hãng hàng không lỗ 84 tỉ USD. Đến năm 2021, các hãng vẫn lỗ 16 tỉ USD và phải tới giữa năm 2022 thì ngành hàng không mới quay trở về được "thể trạng" như năm 2019.

Đối với Vietnam Airlines, sản lượng cả năm của hãng giảm 48% so với 2019; doanh thu giảm 50.000 tỉ đồng; lỗ gần 20.000 tỉ đồng/năm, sau cắt giảm chi phí còn lỗ khoảng 15.000-16.000 tỉ đồng.

Lý giải nguyên nhân vì sao máy bay không hoạt động lại lỗ nặng, ông Hiền nói rằng chi phí cố định hàng tháng mất đến 2.100 tỉ đồng/tháng, chủ yếu là thuê tàu bay (1.300 tỉ đồng) và chi phí khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay, nhân công.

Trong tháng 4, tài khoản hoàn tiền vé cho hành khách đã đặt trước vé của hãng cũng giảm từ hơn 8.800 tỉ đồng vào đầu tháng 3 xuống còn 4.400 tỉ đồng, tương đương giảm hơn 4.400 tỉ đồng chỉ trong 1 tháng.

Còn Jetstar Pacific thì sản lượng tháng 6 giảm 64% so cùng kỳ, lỗ 1.200 tỉ đồng, doanh thu giảm 64,2%. Hãng hàng không K6 sản lượng giảm 24,9, doanh thu giảm 27,4 và lỗ 14,5 triệu USD.

“Vietnam Airlines lỗ nặng nhưng vẫn trụ được vì trước dịch hãng có tiềm lực tài chính mạnh và có 4.000 tỉ đồng trong tài khoản. Với Vietnam Airlines, hãng đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với dịch COVID-19 từ tháng 2.2020 như cắt giảm chi phí, người lao động không hưởng lương, phi công tiếp viên công suất sử dụng chỉ là 5% nhưng bắt buộc phải giảm (giảm được khoảng chi phí 4.300-4.500 tỉ đồng), xin giảm giá, giãn tiến độ thanh toán với các đối tác. Có đối tác giảm hơn 1.000 tỉ đồng tiền thuê tàu bay năm 2020-2021.

Tuy nhiên, doanh thu bình quân của hãng vẫn giảm 50% do doanh thu từ thị trường quốc tế chiếm 65% doanh thu của Vietnam Airlines. Vì vậy, nếu không có bơm vốn của Chính phủ thì tháng 8.2020 hãng sẽ hết tiền", ông Hiền nói.

Đề cập đến việc hỗ trợ của các hãng hàng không trên thế giới, ông Hiền cho rằng các nước đã hỗ trợ bảo lãnh cho vay và trực tiếp cho vay như Pháp, Hà Lan, Singapore… Chính phủ các nước cũng bơm vốn phát hành trái phiếu cho các cổ đông để bơm vốn, tăng tiền cho các hãng bay.

Do đó, Vietnam Airlines đang cần Chính phủ hỗ trợ ít nhất là 4.000 tỉ đồng và có thể lên tới 12.000 tỉ đồng để vượt dịch. Doanh nghiệp này đề xuất khoản vay tái cấp vốn với quy mô tối thiểu 4.000 tỉ đồng có lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp, thời gian vay tối thiểu là 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.

Cạnh đó, phát hành thêm cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu để huy động thêm 12.000 tỉ đồng một cách hợp lý nhất. Trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.

Đại diện Vietnam Airlines nhận định các giải pháp hỗ trợ trên sẽ gặp những vướng mắc về pháp lý khi vận dụng theo các quy định của luật pháp hiện hành. Do vậy, cần thiết phải có các quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt để xử lý phù hợp với tình huống khẩn cấp do ảnh hưởng của COVID-19.

"Chúng tôi không xin từ ngân sách, chúng tôi vay và chúng tôi sẽ trả. Đây là điều Vietnam Airlines cần kêu gọi để các chủ sở hữu lớn, bao gồm Nhà nước có trách nhiệm với khoản đầu tư của mình tại doanh nghiệp. Việc Chính phủ có động thái cấp vốn thiết thực sẽ tạo lòng tin cho các nhà đầu tư khác, giúp hãng tiếp cận nguồn vốn nhằm phục hồi sau dịch dễ dàng hơn", ông Hiền nói thêm.

Nói về tương quan so sánh, ông Hiền thông tin các hãng hàng không quốc gia trên thế giới đang nhận cứu trợ lên tới hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ USD từ các chính phủ. Đơn cử như đến ngày 15.5, Nhật Bản có gói giải cứu tương đương 22% doanh thu của hãng hàng không (89 tỉ USD), Singapore là 11 tỉ USD. Trong khi đó, khoản hỗ trợ mà Vietnam Airlines kiến nghị chỉ tương đương 500 triệu USD, thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu không được 'bơm' vốn, Vietnam Airlines sẽ hết tiền vào tháng 8