Khi trả lời phỏng vấn của hãng tin nhà nước TASS, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (CEC) nói có thể có “tin vịt” trên mạng xã hội nhằm phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Nga ngày 18.3 tới.
Chủ tịch CEC Ella Pamfilova nói ngày nào cũng có chuyện Nga bị cáo buộc đủ mọi điều tệ hại, và làn sóng bôi nhọ cuộc bầu cử sẽ còn dâng cao: “Những người thấy cần thiết làm suy yếu tổ quốc ta bằng bất kỳ giá nào sẽ tung ra nguồn lực rất lớn".
Bà Pamfilova đặc biệt cảnh báo “tin vịt, tin giả” sẽ được sử dụng để cáo buộc gian lận phiếu, nhằm bôi bác uy tín cuộc bầu cử tổng thống Nga: “Các thông tin tiêu cực sẽ được xào nấu, để những người gọi là chuyên gia độc lập có thể lợi dụng để đưa ra kết luận về những “vi phạm hàng loạt”.
Vị nữ chủ tịch CEC cũng cảnh báo “nguy cơ khiêu khích” ở những phòng bỏ phiếu trong ngày bầu cử: “Tôi muốn phát đi cảnh báo rằng chúng tôi sẽ sẵn sàng bắt bất kỳ kẻ khiêu khích nào”.
Phát biểu của bà Pamfilova tiếp sau vụ văn phòng Công tố viên đặc biệt Robert Muller (Mỹ) hôm 17.2 cáo buộc 13 công dân Nga và nhiều công ty Nga cố tình can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, bằng cách dùng nhân thân khai giả trên mạng để phát tán tin giả lên mạng xã hội.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein nói “các bị cáo tiến hành chiến tranh thông tin chống Mỹ, với mục tiêu phát tán sự bất tín nhiệm các ứng cử viên tổng thống Mỹ và hệ thống chính trị Mỹ nói chung”.
Cuối năm 2016, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kết luậnTổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, đặc biệt công kích ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ.
Ông Muller đang chỉ huy Cục Điều tra liên bang (FBI) trong cuộc điều tra hai nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ và nhóm tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump thông đồng với các quan chức Nga.
Tổng thống Nga đã phủ nhận sự can thiệp. Ông Putin được nhận định sẽ lại trúng cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 4. Ông đã làm Tổng thống Nga từ năm 2000 đến 2008, sau đó làm Thủ tướng Nga từ năm 2008 đến 2012, lại tranh cử và có nhiệm kỳ tổng thống thứ 3.
Theo Newsweek, cho đến nay chưa có ứng cử viên nào có thể “soán ngôi” của ông Putin. Thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny không được CEC cho phép tranh cử vì phạm tội hình sự (biển thủ công quỹ).
Ngày 16.2, ông Navalny tuyên bố “ông Putin cướp điện thoại iPhone 7 của tôi”. Thực ra là hồi tháng trước, ông Navalny bị bắt giam 10 ngày vì tổ chức biểu tình trái phép và sau khi ông được thả, cảnh sát không trả chiếc điện thoại cho ông, theo như ông kể trên Facebook.
Ông Navalny đã kêu gọi dân Nga tẩy chay cuộc bầu cử tổng thống Nga, với lý do đây là cuộc bầu cử không có sự tranh đua, và cũng để không cho ông Putin thắng cử rực rỡ với tỷlệ cử tri đi bầu thấp. Ông Navalny còn cáo buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm về nạn tham nhũng tràn lan nơi các quan chức cấp cao.
Theo báo Moscow Times, năm 2017, Tòa án nhân quyền châu Âu tuyên bố cuộc bầu cử quốc hội Nga năm 2011 “không công bằng, có dàn xếp”. Các nhà quan sát thuộc Tổ chức An ninh hợp tác châu Âu (OSCE) cũng nói ông Putin thắng cử năm 2012 bị mang tiếng “lạm dụng nguồn lực chính phủ”.
Điện Kremlin cũng cảnh báo nguy cơ phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Nga, nhưng mối đe dọa này là từ các tin tặc. Chủ tịch Hội đồng An ninh liên bang Nga Nikolai Patrushev nói: “Trước thềm bầu cử, chúng tôi nhận định sẽ có hoạt động của tin tặc nhằm phá hoại hệ thống bầu cử điện tử”.
Theo hãng tin nhà nước RIA Novosti, ông Patrushev không nói nước nào đứng sau cuộc tấn công mạng này, nhưng ông nhấn mạnh Nga đã ghi nhận “sự gia tăng đáng kể hoạt động do thám điện tử của cơ quan tình báo từ các chính phủ nước ngoài”.
Ông Patrushev không nêu ví dụ cụ thể cơ quan tình báo nước ngoài nào dùng chiến tranh mạng để tấn công Nga, nhưng ông cảnh báo “các thế lực nước ngoài đã có nỗ lực phát triển phần mềm để xâm nhập cơ sở hạ tầng thông tin nhạy cảm của Nga”, theo TASS đưa tin.
Bích Ngọc (theo Washington Times, Newsweek)