Nhiều đối tác thương mại của Mỹ dọa trả đũa nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế cao hoặc hạn ngạch với thép và nhôm nhập khẩu .
Theo đề xuất của Bộ Thương mại Mỹ, lýdo áp thuế/đặt hạn ngạch này là các sản phẩm nhôm và thép ngoại nhập “đe dọa an ninh quốc gia”, gây tổn thất cho các nhà sản xuất trong nước.
Bộ Thương mại Mỹ đưa ra 3 phương án áp thuế, trong đó có phương án mà thép nhập khẩu từ 12 quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, phải chịu mức thuế tối thiểu 53%, còn thuế của nhôm nhập từ Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông), Nga, Venezuela, Việt Nam là 23,6%.
Các quốc gia khác không nằm trong danh sách bị áp thuế cũng bị áp hạn ngạch là mức sản phẩm mà họ đã xuất khẩu đến Mỹ trong năm 2017.
Khi đề xuất của Bộ Thương mại Mỹ được công bố, các đối tác thương mại lớn của Mỹ tại châu Á và châu Âu đã phản đối cũng như đe dọa trả đũa, nếu mức thuế cao cùng hạn ngạch nhập khẩu thực sự được áp dụng.
Ngày 20.2, Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng khẳng định sẽ hành động nếu bị ảnh hưởng. Theo ông Margaritis Schina, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC): “Chúng tôi đã nói rõ với giới chức cấp cao nhất của Mỹ rằng chúng tôi quan ngại sâu sắc với những biện pháp ảnh hưởng đến ngành công nghiệp của EU. Chúng tôi sẽ bảo vệ nền công nghiệp của mình, và cũng sẵn sàng phản ứng nhanh chóng, hợp lý trong trường hợp xuất khẩu của EU bị tổn thất bởi biện pháp hạn chế của Mỹ”.
Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích cuộc điều tra nhắm vào nhập khẩu nhôm và thép, dẫn đến đề xuất áp thuế/ hạn ngạch của chính quyền Washington là vô căn cứ. Bắc Kinh nhấn mạnh nếu quyết định cuối cùng của Tổng thống Donald Trump gây tổn hại đến lợi ích Trung Quốc, thì nước này sẽ dùng những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi.
Trung Quốc quả thực đã có hành động áp trả với những hành động bảo hộ thương mại từ Mỹ. Quốc gia châu Á này đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá với cao lương và buộc các nhà nhập khẩu hóa chất styrene từ Mỹ phải đóng tiền ký quỹ chống bán phá giá cho cơ quan hải quan nước này. Đây là động thái đáp trả việc Washington áp thuế cao lên pin mặt trời và máy giặt nhập khẩu.
Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc cũng dự định khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng trước khi thực hiện bước đi này, chính quyền Seoul sẽ nỗ lực tiếp cận để thuyết phục Washington cho tới khi Tổng thống Trump ra quyết định cuối cùng về việc áp thuế/hạn ngạch lên thép và nhôm.
Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản cũng phản đối đề xuất của Bộ Thương mại Mỹ. Liên đoàn khẳng định ngành thép Nhật không đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ, và hạn chế nhập khẩu chỉ khiến người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt thòi, do đó Tổng thống Donald Trump nên suy xét kỹđể đưa ra quyết định đúng đắn.
Mỹ là nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới. Nước xuất khẩu sang Mỹ hàng đầu là Canada, ngoài ra còn có Hàn Quốc cùng Nhật, những nước đồng minh châu Á của Mỹ. Trong khi đó, theo số liệu 9 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc không hề nằm trong danh sách 10 nguồn nhập khẩu thép của Mỹ.
Ông Max Baucus, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, đánh giá áp thuế lên thép và nhôm không đem lại thiệt hại lớn cho Bắc Kinh, vì nước này không xuất khẩu nhiều mặt hàng này sang Mỹ. Cũng theo cựu đại sứ, nếu muốn giải quyết vấn đề dư thừa năng suất thép thì Washington nên hợp tác với các nước khác chứ không phải đơn phương đưa ra các hành động trừng phạt dễ dẫn đến tranh chấp thương mại.
Cẩm Bình (theo Reuters, CNBC, UPI,The Japan Times)