Bộ Quốc phòng Nga ngày 12.1 tuyên bố đã xóa sổ nhóm phiến quân thực hiện vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào căn cứ hải quân và không quân của Nga ở Syria tuần trước.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một chiến dịch đặc biệt, lực lượng đặc nhiệm Nga đã tìm ra nơi đóng quân của nhóm chiến binh đứng sau vụ tấn công ở gần biên giới tỉnh Idlib.
Vào đêm 6.1, đã có 13 máy bay không người lái đồng loạt tấn công vào căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Tartus của Nga ở Syria, làm 2 binh sĩ Nga thiệt mạng. Lực lượng Moscow đã nhanh chóng bắn hạ 7 máy bay, trong khi 6 chiếc còn lại bị khống chế.
Đây là lần đầu tiên khủng bố sử dụng công nghệ máy bay không người lái hiện đại tấn công căn cứ quân sự của Nga ở Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó từng tuyên bố đã biết danh tính thủ phạm nhưng từ chối tiết lộ.
Ngoài thông tin xóa sổ được nhóm chiến binh tấn công căn cứ Nga, Moscow còn cho biết đã phân tích những chiếc máy bay không người lái và vật liệu nổ gắn trên chúng. Qua phân tích, nước này xác định nhóm phiến quân nhận được trợ giúp từ một quốc gia có nền công nghệ tiên tiến.
Ngoài ra, Nga còn ngụ ý rằng chất liệu nổ gắn trên máy bay được sản xuất từ một nhà máy hóa chất ở Ukriane.
Sau khi xảy ra vụ tấn công, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ máy bay không người lái tân tiến được các nhóm phiến quân khủng bố sử dụng để tấn công vào các căn cứ quân sự lẫn khu vực dân sự đang tăng cao.
Đài CNBC cho biết tổ chức khủng bố IS đã không ít lần dùng đến máy bay không người lái để trinh sát và tấn công những lực lượng chống IS do Mỹ hậu thuẫn. Tổ chức này cũng từng tung video khoe chiếc máy bay không người lái có thể thả bom do chúng chế tạo.
Theo ông Paul Scharre, giám đốc Chương trình Công nghệ và An ninh quốc gia của Trung tâm An ninh mới Mỹ: “Chúng ta đã thấy những đối tượng phi nhà nước dùng máy bay không người lái có vũ trang trong quá khứ, nhưng đây (vụ tấn công căn cứ Nga) cho thấy một bước tiến đáng kể trong quy mô và số lượng máy bay có thể sử dụng cho một cuộc tấn công”.
Ông đánh giá: “Chúng ta sẽ còn thấy những cuộc tấn công quy mô lớn xảy ra, thậm chí còn lớn hơn vụ này”.
Còn theo ông Colin Clarke, nhà chính trị học chuyên nghiên cứu về khủng bố và mạng lưới tội phạm thuộc tổ chức nghiên cứu RAND, tuy cuộc tấn công căn cứ Nga không phải là vụ khủng bố đặc biệt, nhưng nó báo trước “một tương lai đen tối”.
Ông Clarke cũng khuyên Mỹ và các quốc gia khác nên nghĩ đến cách đối phó với công nghệ máy bay không người lái phục vụ cho mục đích quân sự, vì sắp tới các nhóm khủng bố và những kẻ có ý đồ xấu khác có thể dùng công nghệ này không chỉ trên chiến trường mà còn nhắm vào các khu vực dân cư đô thị.
Bà Olga Olicker đến từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) cũng đánh giá các căn cứ của Nga lẫn Mỹ đều là mục tiêu tấn công.
Cẩm Bình (theo CNBC, Daily Mail)