Kế hoạch của lực lượng Tuần duyên Mỹ là sở hữu một đội tàu phá băng hạng nặng mới, lần đầu tiên được thiết kế để mang tên lửa hành trình, nhằm tuần tra ở Bắc cực và đề phòng Nga chiếm trọn vùng đất này.
Theo báo Washington Times, chỉ huy lực lượng Tuần duyên Mỹ Paul Zukunft đã lặng lẽ xác nhận điều vừa nêu, vào lúc việc quân sự kiểm soát Bắc cực đã trở nên một mệnh lệnh chính trị-an ninh quốc gia của cả Mỹ lẫn Nga trong nhiều năm qua.
Chạy đua vũ khí hóa cho tàu phá băng
Tại một cuộc họp về quốc phòng, Đô đốc Zukunft nói chiếc tàu phá băng đầu tiên sẽ sẵn sàng hoạt động trong 5 năm nữa, tốn chưa tới 1 tỉ USD. Lực lượng cũng muốn có 6 tàu phá băng mới, gồm 3 chiếc có kích thước lớn nhất.
Ông khẳng định có thể tìm ra những cách giảm giá thành, đồng thời vũ khí hóa số tàu này để chúng có thể tấn công nếu như xảy ra những sự cố trong 5, 10, thậm chí 15 năm nữa.
Đô đốc Zukunft không cho biết số vũ khí của các tàu phá băng mới, nhưng ông từng đề nghị trang bị công nghệ tên lửa hành trình trong những năm tới.
Ngoài Nga, các nước Bắc cực khác cũng đã trang bị nhiều loại vũ khí cho hạm đội tàu phá băng của họ. Chiếc tàu phá băng hạng nặng Svalbard của Na Uy có ụ súng đa năng Bofors 57-mm, có thể bắn chặn tên lửa bay tới, tấn công máy bay và tàu chiến hạng nhẹ. Lực lượng Canada đã dàn vũ khí cho các tàu tuần tra Bắc cực lớp Harry DeWolf.
Nhưng số vũ khí của các tàu tuần tra Bắc cực lớp Kund Rasmussen của Đan Mạch được cho là hiện đại nhất, với một súng siêu nhanh Otobreda 76-mm và hai ụ súng máy. Tàu phá băng của Đan Mạch cũng có thể phóng tên lửa phòng không, thủy lôi chống ngầm MU90.
Hiện Tuần duyên Mỹ chỉ có 3 tàu phá băng, gồm một chiếc dành riêng cho nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, Nga có ít nhất 10 tàu phá băng, gồm 4 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân và 16 chiếc có kích thước trung bình.
Nga đã công bố kế hoạch đóng hai tàu phá băng mới trang bị tên lửa hành trình, dự kiến sẽ đưa vào hạm đội Nga trong 2 năm tới.
Tàu phá băng Mỹ muốn đề phòng Nga chiếm trọn Bắc cực
Tuyên bố của vị đô đốc Mỹ vào lúc Nga đang tung ra hạm đội tàu phá băng cỡ lớn đến Bắc cực, và đó là tín hiệu rõ nhất cho thấy một cuộc Chiến tranh Lạnh ở Bắc cực.
Người ủng hộ kế hoạch đóng tàu phá băng Mỹ nói lẽ ra phải đóng chúng từ lâu, vì tàu Tuần duyên Mỹ chỉ có những tàu hạng nặng mới có thể đi xuyên lớp băng dày của Bắc cực.
Người chống đối lại cho rằng trang bị tàu phá băng cho Tuần duyên Mỹ sẽ phát tín hiệu nguy hiểm đến Nga: Mỹ đang muốn đánh nhau ở Bắc cực, trong khi đang có sự hợp tác dè chừng nhưng thật sự giữa các nước trong khu vực.
Người muốn siết ngân sách quốc phòng cũng nói: Tuần dương Mỹ hiện thiếu kinh phí, có lẽ muốn tranh thủ căng thẳng gia tăng ở các vùng cực để theo đuổi một chương trình vũ khí có thể quá tốn kém và nhất là không cần thiết.
Nhưng ban lãnh đạo Tuần duyên Mỹ phản ứng lại, nói Mỹ không thể không có một sự hiện diện vũ trang, vào lúc rất dễ tiếp cận các nguồn tài nguyên của Bắc cực, cùng việc mở ra những tuyến hàng hải chiến lược.
Các nhà phân tích nói những nhà chiến lược quân sự Mỹ - Nga đang tìm cách đối phó với những thách thức từ Bắc cực, nơi có thể sớm trở nên một lãnh thổ có giá trị về kinh tế và quân sự.
Nhà phân tích Bryan Clark nói: “Những lãnh thổ băng giá ở Bắc cực vẫn là tuyến đường nhanh nhất giữa Nga với Mỹ, thậm chí là tuyến đường nhanh nhất giữa Triều Tiên với Mỹ. Đã có nhiều hoạt động quân sự trong và quanh Bắc cực. Nếu xảy ra xung đột quốc tế có Mỹ -Nga hoặc các nước khác tham gia, thì Bắc cực cũng sẽ là một mặt trận”.
Cựu đại úy hải quân Jerry Hendrix, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao ở Trung tâm vì an ninh Mỹ mới (tại Washington) nói: “Việc Tuần duyên Mỹ kêu gọi vũ khí hóa tàu phá băng đã xác nhận mối đe dọa ở những vùng cực của thế giới là có thật”.
Ông Clark cũng nói khi tình hình Bắc cực là những thử thách cho Mỹ và các đồng minh tại khu vực này, “Mỹ chưa thật sự trong cuộc chạy đua vũ trang với Nga, để kiểm soát các vùng cực, dù Tuần duyên Mỹ đã đề nghị dàn vũ khí cho các tàu phá băng”.
Ông khẳng định việc Nga mở rộng hạm đội tàu phá băng là vì những nhu cầu trong nước, hơn cả ý muốn của Điện Kremlin là triển khai sức mạnh quân sự tại Bắc cực:
Nga có vùng bờ biển lớn nhất ở Bắc cực, cùng nhiều cảng tại khu vực này, buộc Moscow phải đầu tư nhiều hơn vào tàu phá băng. Ngoài hoạt động phòng thủ truyền thống, một số tàu chiến và tàu ngầm Nga đặt căn cứ ở những cảng nước lạnh, buộc phải có trong tay một số tàu phá băng để bảo đảm hoạt động tuần tra phòng thủ được xuyên suốt”.
Vĩnh Thụy (theo Washington Times)