Hãng Reuters dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28.6 đe dọa khôi phục sản xuất tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm ngắn đến trung, sau đó xem xét triển khai chúng.
Theo Tổng thống Putin, Nga đã cam kết không triển khai tên lửa loại này nhưng Mỹ lại khôi phục sản xuất rồi đưa chúng đến Đan Mạch tập trận, thậm chí còn đem sang Philippines.
“Chúng ta phải phản ứng và đưa ra quyết định về bước đi tiếp theo. Rõ ràng Nga phải bắt đầu sản xuất hệ thống tên lửa như vậy rồi dựa trên tình hình thực tế mà chọn ra nơi triển khai”, ông nói với Hội đồng An ninh quốc gia Nga.
Loại tên lửa nêu trên bị cấm bởi Hiệp ước về vũ khí tầm trung và tầm ngắn (INF) được Mỹ và Liên Xô ký kết năm 1987. Văn kiện này nêu rõ hai nước không được phát triển bất cứ tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo mang được đầu đạn hạt nhân nào có tầm bắn trong khoảng 500 - 5.500 km phóng từ mặt đất.
Năm 2019, cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi INF với lý do Nga phát triển một hệ thống mang tên 9M729 vi phạm hiệp ước. Nga phủ nhận cáo buộc và đáp trả bằng cách đình chỉ INF, tuy nhiên lâu nay Moscow vẫn hạn chế sản xuất tên lửa mà hiệp ước cấm.
Sau khi rút khỏi INF, Mỹ nhiều lần thử nghiệm tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Nước này vào tháng 4 thông báo đưa hệ thống Typhon phóng được tên lửa hành trình Tomahawk (tầm bắn khoảng 2.400 km) đến Philippines chuẩn bị tham gia tập trận thường niên Balikatan. Typhon không được khai hỏa trong tập trận, chưa rõ hệ thống còn ở Philippines hay đã chuyển đi nơi khác.
Đầu tháng qua, Tổng thống Putin từng đe dọa cung cấp vũ khí tầm xa cho nước khác để tấn công phương Tây vì phương Tây cho phép Ukraine dùng vũ khí mà họ viện trợ tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga.