Sau diễn biến tăng trưởng tín dụng ngoại tệ ở mức cao nửa đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp cho báo chí một tài liệu về vấn đề này, trong đó có ý "bật đèn xanh" cho một dòng vốn rẻ...

Ngân hàng Nhà nước 'bật đèn xanh' cho vốn rẻ

Một Thế Giới | 08/07/2014, 10:27

Sau diễn biến tăng trưởng tín dụng ngoại tệ ở mức cao nửa đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp cho báo chí một tài liệu về vấn đề này, trong đó có ý "bật đèn xanh" cho một dòng vốn rẻ...

Trước khi có tài liệu này, thị trường chú ý về những thông tin có trong báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. 
Báo cáo cho biết: 5 tháng đầu năm, tín dụng ngoại tệ đã tăng rất mạnh, dẫn tới hệ số sử dụng vốn LDR (tỉ lệ cho vay so với huy động) lên tới 99,5% và đây là một trong những yếu tố gây áp lực nhất định đối với thanh khoản ngoại tệ.
Tuy nhiên, tài liệu nói trên công bố chiều 6.7 dẫn ý kiến của bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), đã đưa ra thêm những dữ liệu và phân tích chi tiết để làm rõ hơn diễn biến của dòng chảy trên.
Theo bà Hồng, thực tế tín dụng ngoại tệ hiện “không đáng quan ngại và vẫn nằm trong các giải pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước”. Và lãnh đạo vụ chức năng này đưa ra 3 điểm phân tích cụ thể cho đánh giá trên.
Thứ nhất, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 9,35% so với cuối năm 2013 nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2013 thì chỉ tăng có 1,34%.
Thứ hai, nếu tính cả các khoản tiền gửi ngoại tệ trong nước khác và nguồn vốn nước ngoài (các khoản vay nước ngoài, các khoản tiền gửi của ngân hàng nước ngoài tại ngân hàng trong nước, các khoản cấp tín dụng của ngân hàng mẹ ở nước ngoài cho chi nhánh ngân hàng hoạt động tại Việt Nam, các khoản ủy thác bằng ngoại tệ từ Chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức khác để các ngân hàng cho vay ngoại tệ trong nước) thì hệ số sử dụng vốn hiện thấp hơn rất nhiều mức 99,5% nói trên, chỉ khoảng từ 50-60%.
Thứ ba, việc linh hoạt chấp thuận cho các ngân hàng cấp tín dụng ngoại tệ chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ (doanh nghiệp vay để thanh toán các chi phí trong nước thực hiện các phương án sản xuất hàng xuất khẩu, nên khi xuất khẩu sẽ có nguồn thu ngoại tệ; doanh nghiệp vay để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhưng doanh nghiệp có đủ nguồn thu bằng ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ vay). Theo đó, khi các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay sẽ không tạo áp lực tới việc các ngân hàng phải bán ngoại tệ để trả nợ vay.
Đối với trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ nhưng không có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay, các ngân hàng chỉ xem xét cho vay đối với các nhu cầu vốn để phục vụ các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích của Chính phủ nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Khi cho vay, bản thân các ngân hàng đã chủ động cân đối được nguồn ngoại tệ cho vay cũng như nguồn ngoại tệ bán cho doanh nghiệp để trả nợ vay (nguồn vốn cân đối chủ yếu từ nguồn vốn ở nước ngoài, từ ngân hàng mẹ ở nước ngoài hoặc từ các nguồn vốn ủy thác bằng ngoại tệ của các tổ chức tài chính quốc tế hoặc chính phủ).
Trong thông tin có một điểm đáng chú ý: các doanh nghiệp không có nguồn thu bằng ngoại tệ để trả nợ nhưng vẫn được xem xét cho vay nếu thuộc các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích, như một giải pháp để hỗ trợ. Nói cách khác, tín dụng ngoại tệ từ đầu năm đến nay là một dòng vốn rẻ, có giá trị hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Đồng tiền vay ở đây chủ yếu là USD. Lãi suất cho vay thấp hơn rất nhiều so với vay bằng VND, khoảng 4-6%/năm so với 8-10%/năm. Trong khi đó, rủi ro tỉ giá USD/VND đã được Ngân hàng Nhà nước hạn chế bằng cam kết giữ ổn định. Theo đó, việc mở rộng quy mô dòng vốn rẻ từ tín dụng ngoại tệ là nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp.
Quan trọng hơn, mục đích nữa và rộng hơn là Ngân hàng Nhà nước muốn dùng dòng vốn rẻ này để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nói chung, trước yêu cầu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, bà Hồng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, khi tín dụng còn đang tăng trưởng thấp, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt cho phép các ngân hàng mở rộng tín dụng ngoại tệ, qua đó góp phần tăng tín dụng chung của nền kinh tế.
Số liệu cho thấy, đến cuối tháng 5.2014, tín dụng ngoại tệ tăng 9,35% so với cuối năm 2013 nhưng tín dụng chung đối với nền kinh tế chỉ tăng 1,51%.
“Điều đó cho thấy, nếu không có sự linh hoạt này, tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 5.2014 khó có thể tăng được 1,51%, và việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tín dụng chung, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ giải thích thêm.
Tuy nhiên, tín dụng ngoại tệ tăng cao cũng đặt ra quan ngại về tình trạng đô la hóa có thể gia tăng trở lại, sau khi đã giảm được xuống thấp nhất trong gần hai mươi năm qua vào năm 2013.
Trước quan ngại này, bà Hồng cho biết: “Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến tín dụng, đặc biệt là tín dụng VND để có những điều chỉnh phù hợp. Mặc dù linh hoạt trong ngắn hạn khi điều hành tín dụng ngoại tệ, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với mục tiêu chống đô la hóa trong nền kinh tế, tiếp tục thực hiện các biện pháp, công cụ điều hành để đạt được mục tiêu nêu trên”.
Theo Minh Đức (VnEconomy)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng Nhà nước 'bật đèn xanh' cho vốn rẻ