Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.
Tài chính và đầu tư

Ngân hàng Nhà nước: Thanh khoản dồi dào, thuận lợi đưa vốn cho vay vào nền kinh tế

Hoài Lam 14/03/2024 11:59

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.

Tín dụng bất động sản đạt gần 3 triệu tỉ đồng

Theo báo cáo của NHNN, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022.

Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29.2.2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023.

Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%). Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.

Tạm tính đến cuối tháng 1.2024, dư nợ ngành nông-lâm-thủy sản đạt khoảng 950,8 nghìn tỉ đồng (giảm 0,17%, chiếm 7,05%); công nghiệp và xây dựng đạt gần 3,46 triệu tỉ đồng (giảm 0,13%, chiếm 25,71%); thương mại dịch vụ gần 9,06 triệu tỉ đồng (giảm 0,91%, chiếm 67,23%).

Tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên: Nông nghiệp, nông thôn đạt gần 3,3 triệu tỉ đồng, giảm 0,33% so với cuối năm 2023 và chiếm 24,36% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó một số ngành hàng nông sản chủ lực lúa gạo đạt trên 210 nghìn tỉ đồng, tăng 1,08%; cà phê đạt trên 119 nghìn tỉ đồng, tăng 4,11%); doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đạt trên 2,4 triệu tỉ đồng (giảm 1,87%, chiếm 18,31%).

Tín dụng lĩnh vực xăng dầu: Hạn mức tín dụng của hệ thống ngân hàng cấp cho 31 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tạm tính là 156.173 tỉ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 63.645 tỉ đồng. 31 doanh nghiệp trên mới chỉ sử dụng 41% hạn mức tín dụng được các ngân hàng thương mại cấp.

tu-2.jpeg
Ngân hàng dồi dào thanh khoản

Tín dụng lĩnh vực bất động sản (BĐS) đạt khoảng 2,89 triệu tỉ đồng, tăng 0,23% so với năm 2023, chiếm 21,46% tổng dư nợ kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,73%.

Dư nợ kinh doanh BĐS đạt khoảng 1,11 triệu tỉ đồng, tăng 1,52%, chiếm 38,37% dư nợ tín dụng BĐS; dư nợ BĐS tự sử dụng/tiêu dùng đạt khoảng 1,78 triệu tỉ đồng, giảm 0,56%, chiếm 61,63% dư nợ tín dụng BĐS.

Riêng chương trình 120.000 tỉ đồng, UBND 28 tỉnh, thành phố đã gửi văn bản hoặc công bố công khai trên cổng thông tin điện tử với 68 dự án thuộc danh mục vay vốn của chương trình với tổng nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỉ đồng.

Hiện, ngoài 4 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, Ngân hàng TMCP Tiên Phong đã đăng ký tham gia chương trình với số tiền 5.000 tỉ đồng. Các NHTM cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là 7.000 tỉ đồng, trong đó đã giải ngân 646 tỉ đồng.

Tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán đạt gần 111,3 nghìn tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 0,83% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 2,56% so với cuối năm 2023. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đến cuối tháng 1.2024 đạt khoảng 2,82 triệu tỉ đồng, chiếm 20,92% dư nợ nền kinh tế, giảm 1,77% so với cuối năm 2023.

Vì sao ngân hàng vẫn thừa tiền?

NHNN cho biết nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm do vướng mắc do kinh tế thế giới diễn biến khó lường, áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất thế giới ở mức cao… Trong nước, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn kém.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu vay vốn thực hiện các đơn hàng xuất khẩu giảm. Tăng trưởng kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình, làm tăng nhu cầu tiết kiệm và giảm nhu cầu vay chi tiêu.

Thêm nữa, tín dụng BĐS chiếm khoảng 21% tín dụng chung, nên tín dụng BĐS tăng/giảm cao thường sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng/giảm.

tu.jpeg
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu

Phía NHNN cũng cho biết một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi; thông tin về tình hình tài chính thiếu minh bạch làm ảnh hưởng đến khả năng thẩm định của TCTD…

Chưa kể, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả sản xuất kinh doanh để TCTD quyết định cho vay.

Ngoài ra, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Mặc dù nợ xấu đã được TCTD xử lý một bước quan trọng nhưng có xu hướng tăng, khả năng trả nợ gốc/lãi ngân hàng suy giảm (nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD đến cuối năm 2023 là 4,55%, tăng so với mức 2,03% vào cuối năm 2022).

Phía NHNN cũng đánh giá, việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường BĐS đang trầm lắng. Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.

Hơn nữa, việc huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu, vốn FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, BĐS chưa được giải quyết căn cơ, triệt để... khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao (cuối năm 2023 khoảng 133%, tăng so với mức khoảng 125% cuối năm 2022), tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết thời gian tới tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; chỉ đạo các TCTD công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có).

Ngoài ra, tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các động lực tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; triển khai quyết liệt chương trình tín dụng 120 nghìn tỉ đồng; hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến thị trường BĐS…

Bài liên quan
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng
Ngày 21.11, Công an TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng trên địa bàn TP.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng Nhà nước: Thanh khoản dồi dào, thuận lợi đưa vốn cho vay vào nền kinh tế