Vụ việc hàng loạt cán bộ ngân hàng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị bắt cuối tuần qua thêm một lần nữa cảnh báo những lỗ hổng trong hoạt động cho vay thế chấp bằng hàng hóa.

Ngân hàng tố doanh nghiệp lừa đảo

Một Thế Giới | 11/09/2013, 09:20

Vụ việc hàng loạt cán bộ ngân hàng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị bắt cuối tuần qua thêm một lần nữa cảnh báo những lỗ hổng trong hoạt động cho vay thế chấp bằng hàng hóa.

           
nhieu lo hong trong hoat dong cho vay cua cac ngan hang thuong mai

Nhiều lỗ hổng trong hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại

“Kịch bản” cũ

Những gì xảy ra đối với LienVietPostBank – điểm giao dịch Hậu Giang và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) – chi nhánh Sóc Trăng trong việc cho vay có thế chấp bằng hàng tồn kho đối với Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) dẫn đến việc hàng chục cán bộ, nhân viên của ba đơn vị này bị khởi tố, bắt tạm giam không phải là quá hy hữu. Vào giữa tháng 7.2013, Bộ Công an cũng quyết định khởi tố thêm 5 bị can liên quan đến việc lãnh đạo công ty Thái Sơn (Hải Phòng) chiếm đoạt của 7 ngân hàng hàng trăm tỉ đồng bằng hình thức thế chấp tài sản là hàng hóa, sắt thép hình thành từ vốn vay. Các tài sản bảo đảm cho các món vay trong vụ việc ở Hải Phòng bị thế chấp cho nhiều tổ chức tín dụng khác nhau.

“Kịch bản” dường như đang lặp lại. Phó chủ tịch hội đồng quản trị LienVietPostBank – ông Nguyễn Đức Hưởng nhận định, cá nhân ông Lâm Ngọc Khuân (nguyên chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty Phương Nam) cố tình lợi dụng uy tín công ty (vốn từng lọt vào nhóm 10 doanh nghiệp tiêu biểu cả nước với kim ngạch xuất khẩu hơn 88 triệu USD) dùng một tài sản thế chấp là hàng tồn kho mang đi thế chấp cho nhiều nhà băng với mục đích chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng. Chưa hết, số hàng tồn kho thực tế chỉ khoảng 260 tấn tương đương 22 tỉ đồng thậm chí còn được nâng khống lên tới 700 tỉ đồng trên giá trị sổ sách doanh nghiệp.

Sự việc bắt đầu từ năm 2012 và ngay khi phát hiện, phía ngân hàng có yêu cầu Công ty Phương Nam bổ sung tài sản bảo đảm và nhờ các cơ quan pháp luật điều tra nhằm làm rõ sự việc. Song đại diện LienVietPostBank cho hay, cá nhân ông Lâm Ngọc Khuân và con gái Lâm Ngọc Hân (thành viên hội đồng quản trị Công ty Phương Nam) không hợp tác và bỏ trốn ra nước ngoài từ tháng 2.2012. Đến nay, khoản nợ của Công ty Phương Nam được xác định lên tới 1.600 tỉ đồng trong đó có khoảng 328 tỉ đồng của LienVietPostBank…

Để thu hồi khoản nợ này, LienVietPostBank cùng một số ngân hàng tiến hành tái cấu trúc Công ty Phương Nam đồng thời tiến hành cơ cấu lại khoản nợ xấu của đơn vị này. Ông Hưởng cho hay, ngân hàng cũng bố trí 6 cán bộ trực tiếp tham gia các hoạt động điều hành và kiểm soát rủi ro tại Phương Nam, trong đó có một nguyên phó tổng giám đốc được cử làm chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty Phương Nam. “Hậu quả đã dần dần được khắc phục” – đại diện nhà băng trên cho biết.

Tốt – xấu mong manh

Dù diễn biến không mới, các vụ việc trên đây cho thấy đang có nhiều lỗ hổng trong hoạt động cho vay thế chấp bằng hàng hóa cũng như có quá nhiều bài học cần phải được đúc rút. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ, bài học đầu là phải quản trị rủi ro nghiệm ngặt ngay với cả khách hàng tốt bởi Phương Nam từng đứng vào top 10 doanh nghiệp tiêu biểu cả nước với kim ngạch xuất khẩu hơn 88 triệu USD và được nhiều nhà băng đánh giá là kinh doanh hoạt động tốt, đầy tiềm năng phát triển. “Ranh giới từ tốt sang xấu là rất mong manh và khi khách hàng trở thành xấu thì hại cả người cả mình” – vị này nói.

Quản lý hàng hóa trong kho cũng phải theo nguyên tắc kiểm kê phải nhìn tận mắt và sờ tận tay hang hóa. Chưa kể, các ngân hàng có cùng một khách hàng cần phải rút ra bài học cũng như tạo thói quen phối hợp chia sẻ thông tin. Dẫn ra nhận định này, lãnh đạo ngân hàng nói trên cho rằng, dường như trong vụ Phương Nam, các ngân hang đều giữ thế của mình nhằm cạnh tranh lôi kéo khách hàng về phía mình. Mạnh ai nấy làm nên không đưa ra được văn bản cùng quản lý kho chung như thế nào. Vì thế, nhà băng nào đến kiểm kê kho hàng thế chấp, phía Phương Nam đều chỉ vào lô hàng đó và ngân hàng nào cũng tưởng lô hàng đấy là của mình. “Nếu mà ngồi với nhau, cạnh tranh lành mạnh thì đâu đến nỗi thế”.

Một bài học lớn nữa chính là về thanh toán quốc tế bởi lâu nay các ngân hàng thường không chú trọng đến điều khoản thanh toán, nên khách hàng chuyển tiền ra nước ngoài dễ dàng thông qua xuất khẩu. Thực tế vụ việc ở Phương Nam cho thấy, công ty này vay tiền của các ngân hàng thương mại trong nước mua hàng xuất khẩu cho đối tác nước ngoài, đáng lẽ khi thu ngoại tệ thì phải chuyển vào tài khoản thanh toán của ngân hàng cho vay. Song đại diện một ngân hàng tiết lộ, công ty này đã bổ sung một điều khoản “Chuyển tiền vào một công ty con ở Mỹ” với đối tác mua hàng của mình trong phụ lục hợp đồng. Các nhà băng đã không hề biết nội dung phụ lục này và chính vì thế toàn bộ số tiền từ các hợp đồng xuất khẩu nói trên đã không quay về tài khoản thanh toán của ngân hàng cho vay mà nằm luôn ở Mỹ để tiện bề cho quá trình tẩu tán tài sản sau này của khách hàng.

           
Bài liên quan
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản
Ngày 22.11, tại Cần Thơ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững và Tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” (viết tắt là Dự án).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng tố doanh nghiệp lừa đảo