Những ngày qua, thông tin hàng trăm hộ dân ở Cà Mau đứng trước nguy cơ mất nhà, mất đất vì “tín dụng đen” đã khiến dư luận rúng động. Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Cà Mau phải rà soát, xử lý nghiêm minh. Vì đâu có câu chuyện thê lương như vậy?

Ngán ngân hàng, nhờ tín dụng đen, mất nhà mất đất như chơi

Một Thế Giới | 23/03/2016, 15:05

Những ngày qua, thông tin hàng trăm hộ dân ở Cà Mau đứng trước nguy cơ mất nhà, mất đất vì “tín dụng đen” đã khiến dư luận rúng động. Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Cà Mau phải rà soát, xử lý nghiêm minh. Vì đâu có câu chuyện thê lương như vậy?

Chỉ vì túng tiền!
Từ giữa năm 2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau đã nhận được đơn tố cáo việc vay tiền thông qua hợp đồng chuyển nhượng giả cách, liên quan đến bà Nguyễn Thị Bé Tám (xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) và ông Châu Hoàng Dũng (phường 5, TP.Cà Mau).
Hai người này đã đứng ra cho hàng trăm hộ dân ở Cái Nước, Phú Tân, Đầm Dơi, Thới Bình, TP.Cà Mau vay tiền với lãi suất từ 5-7%/tháng, nhưng người nhận tiền phải ký hợp đồng giả cách chuyển quyền sử dụng đất kèm theo hợp đồng vay tiền. Sau đó, nhiều người bị chủ nợ lấy luôn nhà, đất.
Như mới đây, ngày 16.3.2016, bà Phạm Mỹ Hạnh (ở ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau) gửi đơn cầu cứu vụ vay tiền nhưng rồi bị buộc… thi hành án, giao đất cho chủ nợ. Năm 2012, bà Hạnh cần tiền chữa trị chân bị gãy vì tai nạn nên xin một người cho vay tiền.
Và vợ chồng bà phải ký hợp đồng chuyển nhượng 100m2 đất vườn, với giá 100 triệu đồng vào ngày 6.11.2012, có công chứng tại Phòng công chứng số 1 Cà Mau. Người nhận mua là chủ nợ. Nhưng sao vay tiền lại phải ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất? Bà Hạnh giải thích: “Tôi kẹt tiền, nó ép buộc mình, nói làm hợp đồng vậy thôi chớ đất vẫn còn của vợ chồng tôi”.
tin dung den 
Bà Bé Tám tuyên bố mình chỉ mua nhà đất
Sau đó, bà Hạnh đóng lãi 8 triệu đồng/tháng, nhưng chỉ được 5 tháng liên tục, sau đó đóng rải rác được tổng cộng khoảng 70 triệu đồng tiền lãi. Rồi khó khăn nên bà xin khất. Bất ngờ, mới đây chủ nợ đã lấy hợp đồng chuyển nhượng của bà Hạnh, kiện ra tòa yêu cầu bà phải thi hành án, giao nhà đất cho mình, căn cứ theo… hợp đồng mua bán đã ký vào năm 2012.
Hợp đồng giả cách là gì? Thực ra đấy chính là hợp đồng mua bán nhà đất và người vay tiền phải ký tên xác nhận mình đã chuyển nhượng tài sản nhà đất cho người cho vay, có công chứng hẳn hoi. 
Tại sao không thế chấp mà phải chuyển nhượng hẳn? Khi người vay tiền thắc mắc, chủ nợ giải thích đấy chỉ là ký làm tin, khi nào trả tiền thì hủy hợp đồng, đất nhà vẫn còn đấy có chi mà sợ? Không ngờ, chủ nợ âm thầm lấy hợp đồng đó chuyển quyền hẳn qua họ, rồi bán cho người khác. Điều này hoàn toàn hợp pháp khi chủ nợ có giấy mua bán với chủ nhân hẳn hoi mà!

Cũng như bà Hạnh, hàng trăm người dân khác đều phải ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất khi muốn nhận tiền vay. Và phần lớn đều biết chữ, có đọc và đều thắc mắc, nhưng vì quá túng tiền nên tin lời chủ nợ: “Ký để làm tin”, mà đồng lòng ký tên.

Phía cho vay tiền giải thích, do họ không phải ngân hàng, không có tư cách pháp nhân, nên không thể đứng ra cho vay và nhận thế chấp quyền sử dụng đất nhà, như ngân hàng. Để bảo đảm quyền lợi cho họ nếu bên vay làm ăn thất bát, không có tiền trả thì chỉ có cách ký chuyển nhượng tài sản, từ chối thì không cho vay tiền. Thế thôi! Và túng tiền nên người vay đành ký…

Thực ra, trừ trường hợp vay tín chấp thì trong các trường hợp khác, bên nhận bảo đảm - tức nhận cầm cố tài sản thế chấp, vẫn có thể là cá nhân. Như mẫu đơn Yêu cầu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18.11.2011, phần kê khai về bên nhận thế chấp có ghi rõ: “Tên đầy đủ của tổ chức, cá nhân”; phần hướng dẫn kê khai cũng nói đến bên nhận thế chấp là cá nhân.

Nói thẳng ra là không cần phải là ngân hàng thì người cho vay tiền vẫn có thể nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, họ giả bộ nói không có quyền nhận chỉ có cách ký chuyển nhượng, là vì mục đích xấu hoặc muốn đảm bảo tiền cho vay.

Bởi khi có rủi ro, chủ nợ kiện tụng ra ngân hàng thì thời gian thi hành án, đấu giá tài sản thế chấp mất rất nhiều thời gian. Trong khi có hợp đồng chuyển nhượng trong tay sẵn, có gì thì chủ nợ dùng nó để lấy phăng nhà, đất. Thế là xong!

“Làm vậy còn chưa… chắc ăn! Mới vừa rồi, tôi mất gần 2 năm kiện tụng mới lấy được căn nhà ở quận Ninh Kiều, dù trước khi nhận 2,5 tỷ tiền vay, họ đã ra công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng cho tôi. Sau khi không trả được nợ, họ ở lì trong căn nhà ấy, không giao nhà. Tôi phải lấy hợp đồng chuyển nhượng, kiện ra tòa đòi nhà, rất nhiêu khê. Nếu không có hợp đồng chuyển nhượng sẽ càng khó khăn hơn”, một tay cho vay ở TP.Cần Thơ kể.

Không riêng Cà Mau, ở nhiều địa phương khác như TP.Cần Thơ, giới tín dụng đen đều áp dụng chiêu ký hợp đồng chuyển nhượng giả cách. Do đó, nếu làm ăn suôn sẻ, trả nợ đàng hoàng thì có thể không sao. Còn vay tiền mà không trả được nợ, thì nguy cơ mất nhà, đất là hiển hiện trước mắt.

Thậm chí, tiền trả đàng hoàng vẫn có thể mất nhà, mất đất nếu gặp chủ nợ có dã tâm, sử dụng hợp đồng chuyển nhượng ấy để đoạt luôn nhà - đất, nếu ở vị trí đắc địa.

Người dân thua trắng nếu ký hợp đồng giả cách!

Luật sư Trần Thanh Phong, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, khẳng định: “Ra tòa thì người vay thua trắng. Giấy trắng mực đen, 2 bên đều đồng ý ký vào hợp đồng chuyển nhượng thì bên nhận tiền vay mất nhà đất là phải. Đó là quan hệ dân sự và 2 bên đều đồng ý khi ký vào hợp đồng nên luật pháp không bênh vực được”, ông nói.

Luật chỉ can thiệp khi nào xác định chủ nợ là kẻ cho vay nặng lãi, tức lãi suất cho vay gấp 10 lần lãi suất ngân hàng và có hành vi “có tính bóc lột…”. Nhưng giờ lãi suất tín dụng đen thường chỉ 5-7%/tháng (nếu cho lãi cao hơn thì họ lách, không ghi vào hợp đồng), nên không thể cao gấp 10 lần so với lãi ngân hàng. Còn khi vay, cả 2 bên đều đồng tình, làm sao gọi là bóc lột?

Thậm chí, trong trường hợp như ở Cà Mau, chủ một khách sạn chỉ vay 2,4 tỷ đồng, nhưng sau 18 tháng khóc ròng vì số tiền vay bị nâng lên thành hơn 10 tỷ đồng, pháp luật cũng không thể can thiệp. Vì sao? Mỗi lần gia hạn nợ, chủ nợ ma mãnh, cho ký tờ xác nhận nợ mới.

Khi kiện tụng, chủ nợ gom hết giấy nhận nợ ban đầu và các giấy xác nhận nợ sau, bảo là người vay đã nhận từng ấy tiền, cứ thế mà cộng lại, thành con số kinh khủng. “Nhưng bút sa gà chết, chữ ký có đủ, pháp luật chỉ căn cứ vào ấy, cộng lại tổng số tiền mà xử!”, luật sư Phong nói.

Như “chủ nợ” Nguyễn Thị Bé Tám ở Cà Mau, khi chuyện vỡ lở vẫn hùng hồn tuyên bố: “Mẹ con tôi góa bụa, làm ăn đúng pháp luật và pháp luật không cấm. Tôi không hiểu nổi việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của một số hộ dân là tín dụng đen?

Tín dụng đen là gì, tôi đâu có cho vay mà chỉ mua nhà, đất? Tôi thiết tha, cầu xin chính quyền, công an, viện kiểm sát, tòa án… giải thích cho tôi biết? Sống và làm việc theo pháp luật, tôi đã chọn con đường pháp luật để giải quyết tranh chấp mua bán tài sản”.

Và vừa qua, nhiều ban ngành ở Cà Mau đã họp khẩn nhưng không đủ chứng cứ quy kết tội cho vay nặng lãi, lấy nhà đất nên đành khuyên các nạn nhân đến tòa án nhờ giải quyết. Và tất nhiên, ra tòa họ cũng thua, phải trả hết nợ, nếu không, phải mất nhà đất.

Vì sao quá nhiều người mắc bẫy?

Nguyên nhân đơn giản, như phần đầu bài đã nói, đó là người dân túng tiền. Túng tiền mới đi hỏi vay và mắc bẫy. 
Vậy vì sao họ không đến ngân hàng?

Thứ nhất, một số người đang mắc nợ ở chính các ngân hàng, xin vay thêm thì ngân hàng không cho nên chỉ có cách vay tín dụng đen với số tiền cao hơn. Sau khi lấy tiền “tín dụng đen” để trả ngân hàng, lấy lại tài sản thế chấp giao cho “tín dụng đen” thì họ vẫn còn một số vốn để làm ăn. Tiện quá đi chứ!

Thứ hai, một số người ngại thủ tục vay vốn ở ngân hàng nhiêu khê, nên mới tìm đến tín dụng đen. Đó là lý do mà họ đưa ra. Chứ thực tế, các ngân hàng giờ cạnh tranh nhau cho vay, nên thủ tục khá đơn giản, hướng dẫn nhiệt tình. Nhưng nhiều người không muốn dây vào ngân hàng, vì chữ “sĩ”.

Bởi vay ngân hàng phải đem bộ hồ sơ vay đến ấp, xã xác nhận và thế là lòi ra chuyện họ phải đi vay tiền, xóm giềng đều biết. Còn gì mặt mũi? Thôi thì ra tín dụng đen cho xong, vừa nhanh, vừa bí mật.

Tốt nhất đừng dính vào “tín dụng đen” mà ký hợp đồng giả cách

Ông Hà Thanh Hùng, Chánh án TAND tỉnh Cà Mau, nói: “Chúng tôi thụ lý khoảng 10 vụ tranh chấp tài sản (đất, nhà) liên quan đến ông Châu Hoàng Dũng, bà Nguyễn Thị Bé Tám. Người vay thường nói bị lừa nhưng không chứng minh được bởi lẽ hồ sơ vụ án là hợp đồng chuyển nhượng tài sản, có công chứng”.
tin dung den 
Ông Đàm Hoàng Vũ, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Cà Mau: “Chúng tôi kiểm sát, chưa phát hiện dấu hiệu hình sự về tội cho vay nặng lãi”
Còn ông Đàm Hoàng Vũ, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Cà Mau, cũng cho biết: “Khi giao dịch, người dân tự thỏa thuận, tự chấp nhận, nhưng khi tranh chấp thì tố cáo người cho vay. Trong khi đó, người bị tố cho vay nặng lãi có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Chúng tôi phải dựa vào tính pháp lý, thuyết phục của chứng cứ để kiểm sát”. 

Do đó, theo luật sư Phong, tốt nhất là người dân đừng dính vào tín dụng đen. Còn nếu lỡ lâm vào thế kẹt, không vay không được, thì khi làm thủ tục vay, ký giấy tờ, cần nên có ý kiến tham vấn của các luật sư, để tránh thua thiệt sau này.

Nguyễn Thanh

Bài liên quan
Vì sao ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay?
Ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam xuống mức 6% so với mức dự báo 6,7% đưa ra trước đó.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hạn hán khô khát khốc liệt ở miền Tây Nam Bộ
15 phút trước Theo dòng thời sự
Kênh rạch khô nứt nẻ; đường sá sạt lở sụt lún khiến giao thông ách tắc; hàng vạn người dân thiếu nước sạch sinh hoạt… là những gì đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện nay.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngán ngân hàng, nhờ tín dụng đen, mất nhà mất đất như chơi