Để nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế TP gắn với tái cấu trúc theo chiều sâu trong năm 2017, TP.HCM đã đề ra 9 nhóm giải pháp cụ thể. Theo đó, TP đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) đạt 8,4 – 8,7%.

Ngân sách bị cắt giảm, TP.HCM vẫn nâng chỉ tiêu tăng trưởng

Phan Diệu | 01/12/2016, 15:16

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế TP gắn với tái cấu trúc theo chiều sâu trong năm 2017, TP.HCM đã đề ra 9 nhóm giải pháp cụ thể. Theo đó, TP đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) đạt 8,4 – 8,7%.

Đây là nội dung được đại biểu thảo luận, góp ý tại hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 khai mạc ngày 30.11.

Nâng chỉ tiêu tăng trưởng

Theo tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND TP về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2017, mục tiêu tổng quát của TP.HCM trong năm 2017 là nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế TP gắn với tái cấu trúc theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

Song song đó là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chính quyền đô thị, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai dịch bệnh, đảm bảo phát triển bền vững; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, mở rộng hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo dự kiến, trong năm 2017, TP.HCM sẽ thực hiện 19 chỉ tiêu, tăng 7 chỉ tiêu so với các năm trước và phấn đấu thu ngân sách đạt 100% dự toán, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) tăng từ 8,4 đến 8,7%; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong 9 nhóm giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội TP năm 2017, TP sẽ tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, TP sẽ bố trí gói đầu tư 1.000 tỉ đồng hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ các cá thể chuyển sang kinh doanh; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, đầu tư công hiệu quả, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển, trong đó sẽ tập trung vốn cho các dự án thuộc 7 chương trình đột phá của TP; phát triển hạ tầng trọng điểm, tạo sức lan tỏa và kết nối phát triển.

TP cũng sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. TP.HCM thực hiện ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó bố trí gói đầu tư 2.000 tỉ đồng cho chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học - công nghệ.

Trong số 9 giải pháp, TP.HCM sẽ thực hiện xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, trong đó tập trung xây dựng đề án “xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh” để phục vụ tốt hơn người dân TP trên các lĩnh vực.

Về đề án này, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang cho biết TP sẽ khẩn trương xây dựng đề án xây dựng TP thành đô thị thông minh. Cùng với đó là tập trung đơn giản thủ tục hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính. TP cũng xây dựng chính quyền điện tử phù hợp với đô thị đặc biệt, nâng cao chất lượng công vụ phục vụ tổ chức và công dân, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn.

Lãnh đạo TP.HCM lý giải

Về vấn đề nâng chỉ tiêu tăng trưởng, sáng 1.12, trao đổi với báo giới, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã lý giải nguyên nhân về quyết định điều chỉnh trên.

Theo ông Phong, quyết định nâng chỉ tiêu GRDP từ 8,1 - 8,5% lên 8,4 – 8,7% sẽ kéo theo các chỉ tiêu khác cũng điều chỉnh tăng lên, trong đó bao gồm chỉ tiêu về năng suất lao động tổng hợp (TFP) từ 35% lên 36%, tổng vốn đầu tư xã hội cũng tăng từ 30% lên 35%. Những chỉ tiêu này đều logic với nhau.

“Nếu TP muốn có nguồn thu theo chỉ tiêu Trung ương giao thì phải thúc đẩy sản xuất phát triển. Trong phần đánh giá của các cơ quan tham mưu, mà cụ thể Sở Kế hoạch - Đầu tư khẳng định tiềm năng huy động đáp ứng cho sự phát triển các ngành của TP vẫn còn”, lãnh đạo TP.HCM nói.

Đặc biệt, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của TP hiện nay, dư địa phát triển vẫn còn nếu có chính sách phù hợp. Vì dụ như ngành du lịch vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Hay ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng hơn 10% trong năm 2016. Trong các ngành công nghiệp chủ yếu hiện nay, xu thế công nghiệp chế biến chế tạo có chuyển dịch rất hiệu quả. Điều đó đã mang tới quy mô của ngành gia tăng, tốc độ tăng trưởng được nâng lên. Do đó, trong năm 2017, TP sẽ tiếp tục thúc đẩy để có hiệu quả hơn, sẽ tạo nên lực đẩy gia tăng sản xuất lớn hơn.

Về mặt quản lý, lãnh đạo TP.HCM cho rằng nếu khai thác hiệu quả thì sẽ là nhân tố để thúc đẩy sản xuất.

Nói về việc cắt giảm ngân sách sẽ ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng mà vẫn nâng chỉ tiêu, ông Phong khẳng định việc cắt giảm sẽ ít nhiều tác động đến tăng trưởng của TP nhưng không phải vì thế mà TP không có những nỗ lực vượt qua khó khăn đó.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tiếp tục phổ biến câu chuyện về ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy kinh tế số nông thôn
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong quý 2.2024, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các câu chuyện về ứng dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy, phát triển kinh tế số, xã hội số tại các vùng nông thôn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân sách bị cắt giảm, TP.HCM vẫn nâng chỉ tiêu tăng trưởng